Tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội (tuyến đường sắt đô thị số 3) khởi công lần đầu năm 2006, được xác định xong vào cuối năm 2010 nhưng phải dời tiến độ lần lượt về cuối các năm 2015, 2016, 2017, 2018 và nay có khả năng phải lùi thêm nữa. Trên hình ảnh là điểm xuất phát tại địa phận Nhổn (quận Bắc Từ Liêm).
Công trình bị gọi là “dự án rùa thập kỷ” có chiều dài khoảng 12,5 km chạy dọc quốc lộ 32 từ Nhổn qua các đoạn đường Hồ Tùng Mậu – Cầu Giấy – Kim Mã – Núi Trúc – Cát Linh – Trần Quý Cáp và kết thúc ở ga Hà Nội.
Riêng đoạn đi trên cao từ Nhổn tới Cầu Giấy dài 8,5 km gồm 8 ga S1 đến S8. Đoạn đi ngầm dưới lòng đất dài 4 km gồm 4 ga từ S9 đến S12, trong đó có 2 ga kết nối và trung chuyển là Cầu Giấy và Cát Linh.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội (MRB) về tình hình thực hiện và chất lượng xây dựng, đến tháng 6/2015 công trình đã hoàn thành việc thi công khung vây, bệ trụ và thân trụ các ga S1, S2, S3, làm xong 2/3 bể ngầm, đạt 18% khối lượng công việc. Trong ảnh: các cột trụ tại đoạn chạy qua địa phận phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm.
Trước đó, dự án gặp nhiều vướng mắc, điển hình là gói thầu số 3 (thi công hầm và 4 ga ngầm) chậm 6 tháng so với kế hoạch (thực hiện mất 49 tháng). Còn gói thầu số 1 (thi công tuyến trên cao) khởi công tháng 7/2014, tính đến đầu năm 2016 mới thực hiện được gần 50% khối lượng công việc.
Các thanh dầm bê tông cốt thép dài 25 m, rộng 5,2 m, cao 1,8 m, trọng lượng 157 tấn. Đến tháng 9/2016, có hơn 500 m đường được lao dầm thành công. Trong quá trình thi công, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho phép tổ hợp ôtô đầu kéo và cụm rơ-moóc quá khổ dài 48,8 m, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng dầm U bê tông cốt thép với tổng trọng lượng cả xe và hàng lên tới 256 tấn thi công vào ban đêm.
Các thanh dầm đầu tiên được lắp đặt là một trong 21 loại dầm khác nhau, dài từ 11,7 đến 25 m, cao 1,8 m, bề rộng bản đáy 5,2 m, đỉnh dầm 5,5 m, nặng từ 70 – 150 tấn. Nhà thầu thi công chính là Công ty Daelim (Hàn Quốc) với tiến độ dự kiến 2 tuyến dầm/đêm.
Hiện có hơn 40 thanh dầm được lắp đặt trên các cột trụ từ khu vực trụ sở UBND phường Minh Khai đến đầu phố Văn Tiến Dũng. Trong ảnh: ga Minh Khai nằm giữa hai đoạn đã lao dầm.
Ở chặng từ Phú Diễn – Cầu Diễn – Lê Đức Thọ, công trình mới chỉ hoàn thiện các cột trụ, chưa được lao dầm.
Đoạn từ ngã tư Hồ Tùng Mậu – Lê Đức Thọ đến cầu vượt Phạm Hùng – Xuân Thuỷ, công trường vẫn còn ngổn ngang.
Nhà ga Lê Đức Thọ đoạn trước cửa Nhà hát Quân đội. Ngoài cột trụ bê tông, đốt dầm, dầm, đường ray, việc thi công các ga dừng để đón trả khách cũng là hạng mục phức tạp.
Tại đoạn cầu vượt Mai Dịch tại ngã tư Xuân Thủy – Phạm Hùng (quận Cầu Giấy), sau khi hoàn thành công trình sẽ trở thành nút giao 3 tầng.
Tuy nhiên một số đoạn chưa hoàn thiện các đốt dầm như đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu tới trước cổng Đại học Quốc Gia và từ nút giao phố Chùa Hà đến ngã tư Cầu Giấy – Láng.
Khúc cua của đường sắt trên cao đi qua ngã ba Cầu Giấy – Nguyễn Văn Huyên. Đây cũng là nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm bởi lòng đường bị thu hẹp dành diện tích cho công trường.
Một trong những trục trặc chậm tiến độ là do sự phát sinh đề xuất cho công trình đi ngầm từ Voi Phục đến ga Hà Nội kéo dài thêm phần đi ngầm gần 2 km không khả thi (thực tế đi ngầm từ đầu Kim Mã đến ga Hà Nội) đã cho thấy số vốn tăng vọt gấp đôi lên 1,1 tỷ USD qua rà soát trên giấy tờ.
Ngã tư Cầu Giấy – Voi Phục khi hoàn thành sẽ trở thành nút giao 3 tầng khi dự án đường Vành đai 2 đã thi công xong tại khu vực này.
Khu vực chân cầu vượt Láng – Cầu Giấy, công trường phía dưới đang ngổn ngang. Móng cột trụ lớn đã được đào.
Mặt bên kia ở nút giao Cầu Giấy – Voi Phục, một cột trụ lớn gần hoàn thiện. Đây sẽ là cột trụ cuối cùng của tuyến đầu tiên dài 8,5 km trên cao trước khi vào ga kết nối Cầu Giấy.
Hàng cây cổ thụ bên hồ Thủ Lệ trên đường Kim Mã (quận Ba Đình) được TP Hà Nội chuẩn bị chuyển đi nơi khác để lấy diện tích, không gian thi công tuyến metro này.
Tuyến đường sắt trên cao Nhổn – Ga Hà Nội (từ Nhổn – Thủ Lệ). Ảnh: Google maps.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội bao gồm 9 gói thầu chính (5 gói xây lắp và 4 gói thiết bị). Khối lượng chính của gói thầu là xây dựng tuyến cầu cạn đi từ Nhổn về Kim Mã với 318 nhịp, bao gồm 286 nhịp điển hình; 32 nhịp đổ tại chỗ và 3 cầu đặc biệt (cầu vượt sống Nhuệ, cầu Vành đại 3 và Vành đai 2). Toàn bộ các kết cấu của công trình cầu sử dụng bê-tông cốt thép và bê-tông cốt thép dự ứng lực để đảm bảo sự bền vững. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1,176 triệu Euro (khoảng 33.000 tỷ đồng) trong đó vốn vay ODA 899,68 triệu Euro (khoảng hơn 25.000 tỷ đồng) từ Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp – AFD, Ngân hàng đầu tư Châu Âu (EIB), Ngân hàng đầu tư Châu Âu và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Vốn đối ứng trong nước gần 280 triệu Euro (khoảng 7.800 tỷ đồng) lấy từ ngân sách thành phố. |