Dân tộc H’Mông đã hàng trăm năm nay sống trên các triền núi đá cao, khí hậu lạnh khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến kiến trúc nhà ở của họ. Trên những con đường men theo sườn núi lên cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, du khách luôn bị thu hút bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Không những vậy, họ còn bị lôi cuốn bởi cảnh đẹp của những bản làng đồng bào các dân tộc mang lối kiến trúc độc đáo, trong đó nổi bật nhất là những ngôi nhà trình tường của đồng bào H’Mông. Các ngôi nhà đều có màu nâu vàng của tường đất, nổi bật giữa những hàng rào đá màu xám tạo nên một bức tranh hoang sơ, kỳ bí, khiến bất cứ ai khi đi ngang qua cũng muốn dừng lại ngắm nhìn.
Tại thung lũng Sủng Là, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang) hiện nay còn một ngôi nhà cổ tiêu biểu cho kiến trúc truyền thống đặc trưng của dân tộc H’Mông. Chủ nhân ngôi nhà này là ông Mua Súa Páo xây vào năm 1947, toàn bộ khu nhà là một tổ hợp kiến trúc hoàn chỉnh khép kín theo bốn hướng, chính giữa là sân trời. Cổng nhà làm bằng gỗ, có tường trình bằng đất, mái lợp ngói máng âm dương, cửa gỗ thấp, bao quanh khuôn viên nhà là tường đá. Kiểu kiến trúc này rất thích nghi với điều kiện khí hậu và thời tiết vô cùng khắc nghiệt ở Cao nguyên đá Đồng Văn, đồng thời phù hợp với phong tục tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mông.
Hiện ngôi nhà này thuộc quyền sở hữu của ông Mua Sính Già - cháu nội của ông Mua Súa Páo, và vẫn còn nguyên vẹn những nét kiến trúc truyền thống đặc trưng. Ngôi nhà có một gian chính 2 tầng, chia thành nhiều phòng khách, phòng ở, 1 gian phụ chia làm hai phòng nhỏ là nhà kho, nhà bếp, chuồng gia súc, gia cầm. Nhà xây quanh 4 hướng chụm lại ở giữa có sân tạo không gian ấm cúng. Thung lũng Sủng Là, nơi sinh sống của hơn 60 hộ dân với 14 dân tộc khác nhau: H’Mông, Lô Lô… nhưng chủ yếu vẫn là người H’Mông.
Ấn tượng với hàng rào đá bên ngoài, để có được hàng rào đá hoàn chỉnh bao quanh ngôi nhà và mảnh đất rộng chừng vài trăm m2, gia chủ cùng với người thân có khi phải mất nhiều tháng trời nhặt những mảnh đá vỡ quanh nhà về xếp thành hàng rào đá. Những viên đá có kích cỡ khác nhau với nhiều góc cạnh được xếp lèn vào nhau, tạo nên bức tường bao kiên cố, phẳng mà không cần sử dụng chất kết dính nào. Chiếc cổng gỗ có mái và dán giấy đỏ xen giữa bờ rào đá trước nhà, được người Mông trang điểm tạo nên vẻ ấm cúng giữa cái lạnh mùa đông ở Cao nguyên đá.
Đến thăm ngôi nhà cổ này, chắc chắn bạn sẽ còn cảm thấy thu hút hơn khi bước vào bên trong ngôi nhà. Ngôi nhà với 3 dãy hình chữ U tạo cho du khách cảm giác ấm cúng cảm nhận sự yên bình với sân lát đá to chính giữa khu nhà. Ngoài ra, nơi đây cũng lưu trữ không ít vật dụng sinh hoạt và đồ dùng sản xuất của người đồng bào dân tộc tại vùng đất này. Nơi đây cũng chính là ngôi nhà chung của 36 đồng bào dân tộc khác nhau. Trên những mảnh đất cằn khô này, bạn sẽ tìm thấy cái nguyên sơ, mộc mạc của khung cảnh miền núi, và cái mộc mạc ấy cũng như tấm lòng của bà con Hà Giang thân thương, mến khách.