Aa

Đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp khá, có các vùng động lực về kinh tế

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Hai, 11/12/2023 - 08:46

Để đạt được mục tiêu đó, Hậu Giang cần phải thực hiện 5 đột phá chiến lược của tỉnh gồm: Một tâm; Hai tuyến; Ba thành; Bốn trụ và Năm nhiệm vụ trọng tâm.

Ngày 8/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định 1588/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo đó, mục tiêu phát triển đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Hậu Giang phấn đấu tỷ lệ đô thị hoá khoảng 37%; 100% đô thị loại V trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt trên 16%; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt 8 m2; hạ tầng các khu đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. ảnh HL

Về phát triển kinh tế: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hậu Giang bình quân 8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 150 triệu đồng/năm. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 14%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 40%; khu vực dịch vụ khoảng 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 10,3%/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 15%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 330 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đầu tư chiếm khoảng 39,5% GRDP.

Về xã hội: tốc độ dân số tăng bình quân khoảng 1%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt khoảng 90%. Số giường bệnh/vạn dân đạt 41 giường; số bác sĩ/vạn dân đạt 12 bác sĩ. 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới; Trong đó, 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1% mỗi năm.

Về tài nguyên và môi trường: tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 3%; 100% dân cư đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; 100% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; 98% chất thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Trong đó, khoảng 10% xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp; 95% chất thải sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 98% chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% chất thải y tế được xử lý, tiêu hủy theo quy định; Trên 50% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các đô thị loại II; trên 20% đối với các đô thị còn lại; 100% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường.

Về phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng: Tỷ lệ đô thị hoá khoảng 37%; 100% đô thị loại V trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt trên 16%; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt 8 m2; hạ tầng các khu đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Lễ khởi công gói thầu xây lắp số 2 của dự án thành phần 3 thuộc Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Để đạt được mục tiêu trên, Hậu Giang cần phải thực hiện 5 đột phá chiến lược của tỉnh gồm: Một tâm; Hai tuyến; Ba thành; Bốn trụ và nhiệm vụ trọng tâm.

Một trung tâm (Một Tâm): Phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị của tỉnh.

Hai tuyến hành lang kinh tế động lực (Hai Tuyến): Phát triển 2 hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu. Hình thành hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Ba trung tâm đô thị (Ba Thành): Phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh, gồm: Thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ; trong đó, thành phố Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.5

Bốn trụ cột kinh tế (Bốn Trụ): Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.

Năm nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đồng thời, tầm nhìn hướng đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top