Kế hoạch lợi nhuận 10.000 tỷ đồng
Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) mới đây đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025. Theo đó, đại hội thông qua kế hoạch kinh doanh với nhiều chiến lược quan trọng cho giai đoạn tới.
Năm nay, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt 300.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp kỳ vọng đạt 10.000 tỷ đồng. Theo đó, doanh nghiệp có kế hoạch triển khai những chiến lược quan trọng trong giai đoạn tới.
Cụ thể, ở trụ cột Công nghệ - Công nghiệp, Vingroup tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch "Mãnh liệt tinh thần Việt Nam - Vì tương lai xanh" với trọng tâm là di chuyển "không phát thải". Trong đó, VinFast đặt mục tiêu củng cố vị trí số 1 thị trường ô tô trong nước; thúc đẩy bàn giao các sản phẩm thuộc dòng xe dịch vụ (dòng Green) nhằm khai thác tiềm năng lớn trong lĩnh vực vận tải và taxi xanh. Tại thị trường quốc tế, VinFast có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Indonesia, Philippines và Ấn Độ, đồng thời đưa vào vận hành các nhà máy mới tại Indonesia và Ấn Độ từ năm 2025.
Các công ty công nghệ thuộc hệ sinh thái Vingroup tiếp tục phát triển năng động với việc thành lập VinRobotics và VinMotion - 2 công ty trong lĩnh vực robot và người máy đa năng, thể hiện sự nhạy bén và đón đầu để làm chủ xu hướng của Vingroup. Các quỹ đầu tư công nghệ như VinIF và VinVentures cũng tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ các nhà khoa học và dự án khởi nghiệp, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Ở trụ cột Thương mại - Dịch vụ, Vinhomes tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trên thị trường bất động sản với việc phát triển các khu đô thị quy mô lớn, tích hợp tiện ích đồng bộ theo mô hình xanh - thông minh, tuân thủ tiêu chuẩn ESG quốc tế. Mở đầu là Dự án Vinhomes Green Paradise vừa được khởi công ngày 19/4/2025 tại Cần Giờ, TP.HCM với khát vọng trở thành công trình thể hiện đẳng cấp về ESG của Việt Nam trên bản đồ toàn cầu.
Tương tự Vinhomes, Vinpearl tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí tại Việt Nam. Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của Vinpearl tập trung vào 3 mũi nhọn: Củng cố thị trường nội địa - mở rộng thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào Ấn Độ, Trung Đông và Đông Nam Á; đẩy mạnh kênh phân phối trực tuyến; phát triển phân khúc MICE, hướng đến việc biến MICE trở thành nguồn doanh thu chủ lực.
Về trụ cột Thiện nguyện xã hội, Vinschool, VinUni, Vinmec tiếp tục đầu tư phát triển quy mô, nâng cao chất lượng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền giáo dục và y tế Việt Nam, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ 2025 của Tập đoàn Vingroup.
Năm 2024, Vingroup ghi nhận doanh thu thuần 189.068 tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.276 tỷ đồng, tăng 156,6%. Tổng tài sản tính đến ngày 31/12/2024 đạt 839.216 tỷ đồng, tăng 172.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn liên tiếp được vinh danh tại các bảng xếp hạng và giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế: Top 50 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á (Southeast Asia 500) của Tạp chí Fortune; Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam của Vietnam Report; Top 10 Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2023 và 2024 của Tạp chí Kinh tế Việt Nam; và Top 10 "Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam" do Anphabe công bố.
Những kết quả tích cực trong năm 2024 là nền tảng vững chắc để Vingroup bước vào năm 2025 với tâm thế chủ động, đổi mới và sáng tạo. Với hệ thống quản trị vững chắc, ứng dụng công nghệ thông minh trong mọi hoạt động, Vingroup tự tin chinh phục mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, tiếp tục tiên phong thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, đóng góp vào sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Thoái vốn công nghệ vì sự phát triển chung
Tại Đại hội, trả lời cổ đông về việc thoái vốn tại VinBigdata, VinAI, trong khi AI đang phát triển mạnh, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT cho biết có hai lý do: "Thứ nhất, khi Vingroup bán cho NVIDIA và Qualcomm đều có điều kiện kép là bắt buộc đầu tư phát triển mạnh tại Việt Nam. Đó là lý do chính. Để Việt Nam có thể lôi kéo được những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu tới Việt Nam và tạo cơ sở phát triển nền tảng khoa học công nghệ cho Việt Nam, họ phải mở các trung tâm nghiên cứu ở đây và dùng người Việt. Đó là cơ sở đào tạo để phát triển doanh nghiệp. Còn chuyện bán để có một vài trăm triệu không phải thứ Vingroup quan tâm.

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.
Lý do thứ hai là chúng tôi không phải tạo ra công ty, tài sản để giữ mà tạo ra để thúc đẩy phát triển, cho tới khi đạt mức độ nào đó thì có thể bán, để rồi lại tiếp tục đầu tư hàng chục hàng trăm công ty như vậy. Cùng với chuyện thoái vốn, tôi đã lập quỹ đầu tư mạo hiểm 150 triệu USD để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ. Ai trình dự án tốt là theo, quan trọng là chứng minh được có tương lai thì tôi bơm tiền. VGR có thể được một phần hoặc không, có thể mất nhưng đất nước sẽ được. Tôi cho là nếu các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp công nghệ, phá sản dăm ba lần thì sẽ khôn lớn lên nhiều. Nó như sân chơi, sàn đấu để những người nào chưa thành công lần 1 thì tiếp tục vươn lên chiến đấu, thành công. Càng nhiều cơ hội thất bại thì sau này thành công càng tốt. Hãy hy sinh ngay từ lúc bé rồi lớn dần lên thì vững chãi hơn".
Bên cạnh đó, nói về lợi thế cạnh tranh của VinFast so với các nhà sản xuất nước ngoài, ông Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh 3 yếu tố cốt lõi: Chất lượng xe tốt, giá cả hợp lý và dịch vụ hậu mãi vượt trội. Ông khẳng định: "Về giá thành và giá xe, ta liên tục nghiên cứu cải tiến cải tổ để giảm các chi phí từ linh kiện, phát triển xe tới chi phí sản xuất, kinh doanh, nên ta hoàn toàn tự tin cạnh tranh ngang ngửa các hãng Trung Quốc. Đặc biệt, tận tâm phục vụ khách hàng, đó chính là hậu mãi cực tốt. Khối hậu mãi của VinFast hàng ngày xe nào sửa quá 8 tiếng báo cáo trực tiếp tôi. Hàng ngày tôi nhận danh sách 5 - 7 xe sửa quá 8 tiếng, tất nhiên trong điều kiện tiêu chuẩn chứ không phải bị đâm đụng nặng. Tức là vấn đề hậu mãi được quan tâm hàng đầu, nên tôi tự tin VinFast không chỉ cạnh tranh được mà sẽ phát triển tốt trên thị trường".