Aa

ĐHĐCĐ Vietcombank: Áp lực “dọn dẹp” nghìn tỷ nợ xấu!

Thứ Bảy, 28/04/2018 - 21:00

Nợ nghìn tỷ của Vietcombank đến từ nợ xấu nhóm nợ dưới chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ không có khả năng thu hồi đang khiến các nhà quản trị ngân hàng này “khó xử”.

Mong “dọn dẹp” nhanh nợ xấu nghìn tỷ trên sổ sách

Sáng 27/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018.

Về kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2018, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14% so với năm 2017 ở mức 1.055.004 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 15% so với năm 2017 đạt 641.341 tỷ đồng; huy động vốn tăng 15% so với năm 2017 đạt 835.744 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 17% so với năm 2017 đạt 13.300 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%; tỷ lệ chi trả cổ tức 8%.

f

 Đại hội đồng cổ đông thường niên Vietcombank 2018

Bên cạnh kế hoạch và thành tích rất đáng “ăn mừng” cho một năm làm ăn “lãi lớn” thì món nợ xấu trên sổ sách đang khiến các nhà lãnh đạo Vietcombank khó xử và muốn “dọn dẹp” cho khuất mắt vì gần như lãi của năm 2017 đều “chôn vùi” ở đó.

Lãnh đạo Vietcombank cho biết năm qua, VCB đã cải thiện đáng kể chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,11%, tương ứng hơn 6.208 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng đột biến gấp gần 3 lần so với năm trước, lên 3.584 tỷ đồng. Còn nợ nhóm 3 (nợ dưới chuẩn) và 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm mạnh gần một nửa, lần lượt còn 684 tỷ đồng và 1.940 tỷ đồng. Tính chung, quy mô nợ xấu đã giảm được 700 tỷ đồng so với năm trước và ngân hàng đã thu hồi nợ ngoại bảng được 2.180 tỷ đồng.

Nếu việc cơ cấu lại dư nợ trên sổ sách được triển khai theo hướng chuyển nhóm nợ ít xấu hơn thì ngay lập tức Vietcombank đã có thêm nghìn tỷ đồng lợi nhuận nhờ giảm bớt trích lập dự phòng rủi ro.

Chưa hết, đến cuối năm 2017, Vietcombank ghi nhận số dư quỹ dự phòng rủi ro hơn 8.113 tỷ đồng với tỷ lệ DPRR/nợ xấu duy trì ở mức cao 130,7%. Đây chính là nguồn lợi nhuận tích tụ hàng năm mà ngân hàng phải dành để dự phòng rủi ro nợ xấu.

Ngoài ra, năm qua Vietcombank đã xử lý toàn bộ nợ xấu bán cho VAMC sớm trước 3 năm. Số nợ thu hồi ngoại bảng trong 5 năm (2013 - 2017) đạt trên 9.700 tỷ đồng.

Cổ đông “bức xúc” vì trả cổ tức quá thấp

Tại Đại hội, ngân hàng đã trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận sau thuế 2017. Theo đó, với 8.849 tỷ đồng lãi sau thuế năm 2017, ngân hàng trình ĐHCĐ trích lập các quỹ, trả thù lao,…tương ứng 2/3 lợi nhuận được phép phân phối. 2.878 tỷ đồng còn lại được chia cổ tức bằng tiền mặt (theo tỷ lệ 8%) cho cổ đông.

Giải thích về tỷ lệ cổ tức 8% là thấp, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho hay, lịch sử chi trả cổ tức giai đoạn 2010 - 2014 được tới 12%, nhưng đến năm 2015, chính sách cổ tức đã giảm 10% và từ năm 2016 giảm xuống 8%; trong khi vốn điều lệ của ngân hàng là trên 12.000 tỷ đồng, đến 2014 đã tăng lên 26.000 tỷ đồng và hiện nay là trên 35.000 tỷ đồng. Vậy nên chi trả cổ tức không theo kết quả kinh doanh vì hàng năm phải tăng vốn điều lệ.

Ông Nghiêm Xuân Thành cũng chia sẻ: Hiện nay, Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản, cổ đông nước ngoài hiện đang sở hữu 15% cổ phần Vietcombank sẽ được phép mua thêm cổ phần để duy trì tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng nhưng quan điểm của Ban quản trị là giá bán cổ phần sẽ không thấp hơn giá thị trường. Năm 2018, Vietcombank vẫn giữ mức vốn 35.977 tỷ đồng và không trình kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top