Aa

Tìm trong vóc dáng cây làng

Nhà thơ Đoàn Văn Mật
Nhà thơ Đoàn Văn Mật doanvanmat@gmail.com
Thứ Hai, 14/02/2022 - 06:15

“Cây dáng làng”, đó là tên quen thân của giới yêu cây cảnh bon-sai trong nhiều năm trở lại đây. Dáng cây phổ biến tới mức mà trong rất nhiều nhà người yêu cây cảnh đều có.

Có những ngày, tôi đã dành hàng giờ chỉ để ngắm một thế cây bon-sai nhỏ có dáng tự nhiên đã được trồng và tạo tác từ nhiều năm trước. Cây có hình thái giống với cây đa cổ ở đầu làng tôi. Đôi khi ngắm cây không phải chỉ ở sở thích mà mỗi khi nhìn vào đó ta còn thấy bóng dáng của những niềm xưa cũ vẫn còn tồn tại trong ký ức và với tôi thì cây đa cổ thụ chính là một phần hồn vía của làng.

Cây sanh dáng làng được tạo tác bởi nghệ nhân Lộc Phú Quý.

“Cây gạo có ma, cây đa có thần”, người làng tôi thường truyền lại cho nhau những câu chuyện về thần cây đa đã từng che chở bảo vệ cho những người đêm khuya gặp nạn, từng nâng đỡ cho những đứa trẻ nghịch ngợm trèo lên cành cao lượm mùa quả chín, từng che ấm cho những phận người tha phương cầu thực mùa đói và cũng đã từng phủ phạt những kẻ rắp tâm phá hoại, cướp bóc dân làng... Còn với mỗi chúng tôi, cây đa chính là chiếc ô thiên nhiên khổng lồ tỏa bóng cho tuổi thơ dầm dã, nơi đón mẹ những ngày muộn chợ, nơi chờ dắt trâu cho cha sau những buổi cày đồng, nơi vang vang nhịp trống hội vào xuân...

Cây si dáng làng của nghệ nhân Lưu Trường Sơn.

Bây giờ tôi đã xa làng. Bây giờ cây đa cổ thụ vẫn còn, vẫn tỏa bóng những tháng năm xa nhớ. Mỗi lần nhớ quê, tôi lại lên ngắm cái cây của mình, chăm bón, tạo tác, tỉa cành sao cho giống với cây đa cổ thụ ở làng tôi.

Trong nhà một nghệ nhân cây cảnh ở Hà Nội cũng có một cây bon-sai dáng làng nhỏ nhắn, nằm gọn trong chiếc chậu đá xinh xắn vừa cỡ đôi gang tay người. Ông có sở thích là mời tôi cùng uống trà và ngắm cái cây. Có lần ông bảo, cái cây này về giá trị thì chẳng đáng gì so với những cây tiền trăm, bạc tỷ đặt ở sảnh nhà kia. Nhưng có hề gì, điều quan trọng là cây dáng làng này luôn tạo cho ông một cảm xúc đặc biệt mỗi khi ngắm nó.

Quê ông ở sát gần Hà Nội. Bây giờ chính miền quê ấy cũng đã khác xa với quang cảnh ngày xưa. Toàn những nhà lầu, biệt thự, nhà chung cư cao cấp... Những cánh đồng thẳng cánh cò bay đã không còn. Những mảnh vườn nhỏ trồng cây xanh, trồng hoa, trồng cây bon-sai cũng đã vợi dần đi. Quê vẫn là quê đấy nhưng đất chật người đông, nhà cửa ken dầy như phố. Ông thường nhủ, mình tạo tác cây này để nhớ về một dáng cổ thụ giữa đồng làng. Cây ấy giờ không còn. Cánh đồng giờ đã trở thành khu công nghiệp. Vừa ngắm cây, vừa nói chuyện mà tôi thấy trong ông đang hồi về biết bao ký ức làng quê.

Cây như là dáng mẹ ta

Còng lưng gồng gánh phong ba cuộc đời

Trăm năm vẫn đất vẫn trời

Cao xanh tỏa bóng kiếp người... nhà quê

Cây ấy giờ không còn. Vật đổi sao dời, “thương hải vi tang điền" ngàn năm nay vẫn vậy. Mỗi sự mất đi, mỗi sự chuyển đổi luôn để lại trong lòng người biết bao niềm thương nỗi nhớ. Làng quê không bao giờ mất đi. Hồn làng không khi nào phai nhạt. Cây đa, bến nước sân đình là đặc trưng của quê, là hồn vía của làng nên không thể phai nhạt. Hồn làng luôn lặn vào trong văn hóa đời sống của mỗi người, đặc biệt là đối với những người từng được sống, được đắm mình trong bầu khí quyển ấy. Để rồi mỗi khi rời xa nơi “chôn rau cắt rốn” họ lại nhớ về. Nhớ về không phải chỉ để luyến tiếc, ngậm ngùi, xa xót mà nhớ về để còn thấy mình trong hồn vía, bản quán của làng.

Tác phẩm sanh cổ của nghệ nhân Chu Văn Hùng (Hà Nội) có hình dáng gần với cây đa cổ thụ và cổng làng ngoài đời thực.

Cái cây ấy giờ không còn mà giờ đã lặn vào đời sống khác. Đời sống của một dáng thế bon-sai thấm đẫm hồn làng được trân trọng tạo tác lưu giữ như tình yêu với cố hương của con người vậy.

Người ta có nhiều cách để lưu giữ hồn vía của làng trong mình. Một giọng nói đặc trưng nơi sinh ra. Một bức tranh quê treo trong phòng khách. Một lời ru, câu hát ngan ngát hoa cau, hoa bưởi, hoa chanh. Một chiếc ấm dùng để hãm trà xanh. Một chum vại sành dưa cà mắm muối. Một ông bình vôi người xưa để lại... Đó là những hiện vật đặc trưng của làng quê đã và đang được lưu giữ trong nhiều gia đình ở quê ở phố và cây dáng làng cũng thế.

“Cây dáng làng”, đó là tên quen thân của giới yêu cây cảnh bon-sai trong nhiều năm trở lại đây. Dáng cây phổ biến tới mức mà trong nhà người yêu cây cảnh cũng có. Mỗi cây đều có hình thái, dáng dấp riêng như thể làng quê nào cũng có cây lớn nhưng dáng vẻ thì khác nhau. Tôi biết đây không phải là lối chơi theo phong trào mà từ trong sâu thẳm những người tạo tác ra nó đều hiểu rằng, trong mỗi con người đều có hồn vía của làng. Khi sở vật đang ngày càng mai một thì người ta muốn lưu giữ, muốn phổ dựng lại những gì còn có trong ký ức của mình.

Tự nhiên luôn là bậc thầy của con người. Nhưng mỗi cây lớn ở làng quê lại có đời sống, dáng dấp như chính những con người của làng quê đó. Nếu tìm hiểu kỹ trong vóc dáng cây làng ta cũng có thể biết được một phần hồn quê, sở quán của người yêu cây trong đó./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top