Trên cơ sở kết quả của đợt đầu, đơn vị sẽ dự tính chính xác tiến độ thi công, kinh phí.
Đơn vị này cũng cho biết, hiện kinh phí di chuyển, chặt hạ cây xanh vẫn chưa được phê duyệt kinh phí.
Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, trong số hơn 1.300 cây xanh trong diện di chuyển, chặt hạ, cắt tỉa ở đường Phạm Văn Đồng có 986 cây xà cừ đường kính từ 0,4 m đến 1,2 m; 38 cây sấu; 65 cây hoa sữa; 11 cây phượng…
Đơn vị thi công sẽ di chuyển 158 cây, giữ lại để cắt tỉa 142 cây và chặt hạ hơn 1.000 cây. Thành phố Hà Nội yêu cầu trước 30/9 sẽ hoàn thành việc di chuyển, chặt hạ hơn 1.300 cây. Tuy nhiên, hiện nay chủ đầu tư vẫn chưa thể di chuyển, chặt hạ được vì phải hoàn thành các thủ tục.
Trước đó, liên quan đến việc di dời, chặt hạ 1.300 cây xanh trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, các chuyên gia cho rằng, phải cân nhắc kỹ lưỡng việc chặt cây, “cứu” cây và trồng cây mới. Đây không chỉ là vấn đề quản lý mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân, do vậy phải làm “thật có tâm”.
Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, việc mở rộng đường Phạm Văn Đồng là cần thiết, nhưng cần tính tới yếu tố phát triển hài hòa với môi trường, bảo tồn được hệ thống cây xanh vốn có.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Hòe, Khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội trả lời trên VOV rằng, có nhiều dự án phát triển đô thị nhưng vẫn giữ được cây xanh. Vì vậy, mục tiêu mà Hà Nội nên hướng đến là phải giữ được càng nhiều cây xanh càng tốt khi phát triển đô thị: “Chuyện thiết kế tuyến đường bằng cách chặt bỏ những chướng ngại với quy hoạch là một cách làm quá dễ. Dọn sạch đi làm mới thì quá dễ, rồi lại dọn sạch đi trồng mới cây khác sẵn tiền đấy rồi cũng quá dễ. Phải xem lại thiết kế giao thông, để làm sao mà duy trì được tối đa những hàng cây đã có.
Trong trường hợp cần thiết phải di dời cũng di dời tối thiểu hơn chứ còn dẹp một cái hàng nghìn cây như vậy là có vấn đề. Tiết kiệm ở chỗ này phí tổn ở chỗ kia và phí tổn của việc mất cây xanh ở Hà Nội là những phí tổn khó có thể tính toán được. Doanh nghiệp chả chịu tính cái đó đâu, chỉ tính lời lãi, chặt hạ cho nhanh, thiết kế cho dễ rồi xây dựng, không tính toán đến quyền lợi của người dân gắn liền với hệ sinh thái đô thị”.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia cho rằng, cây xanh có vai trò cực kỳ quan trọng đối với đô thị nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Cây xanh vừa là cảnh quan, vừa là hệ sinh thái, vừa là văn hóa, là nguồn gen.
Hiện nay, mật độ cây xanh tính bình quân trên đầu người ở Hà Nội rất thấp, nên cần hạn chế chặt hạ cây xanh khi mở đường, để bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường sống của người dân thành phố.
Về lâu dài, Hà Nội cần có quy hoạch đồng bộ giữa phát triển đô thị với quy hoạch nguồn cây xanh hiện có, để khi xây dựng phương án mở rộng đường đều tính được những tác động tới môi trường thiên nhiên.
Giáo sư- Tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh nói: “Trong quy hoạch về đường xá phải minh bạch rõ ràng, trong bao nhiêu cây số quy hoạch làm đường thì trong đó có những loại cây gì, cây đó bao nhiêu tuổi, đường kính bao nhiêu, xuất xứ từ bao giờ. Phải làm như thế để lên một quy hoạch trên một bản đồ. Ta biết được như thế từ đó mới tìm cách tính nếu đi đoạn này, phải thay thế bằng chừng này cây thì ảnh hưởng như thế này. Cây xanh đảm bảo cái đẹp, tăng giá trị của kiến thiết, tăng giá trị đẹp đẽ của một cảnh quan trong một đô thị”.
Trong khi đó, trao đổi trên Báo Gia đình & Xã hội, TS. Nguyễn Tiến Hiệp - Trung tâm Bảo tồn thực vật Việt Nam cho biết: “Phương án bảo tồn một phần cây xanh ở đường Phạm Văn Đồng bằng cách đánh bốc đưa về khu 6,5ha Vành đai 3 và công viên Yên Sở sau đó tái sử dụng tôi cho rằng chưa ổn. Với cây xà cừ từ 5-7 tuổi thì sau khi đào lên đưa đi nơi khác còn trồng được, còn những cây xà cừ thân thẳng, tán đẹp có tuổi đời hàng chục năm sẽ rất khó thích nghi được ở nơi khác. Đơn cử như 109 cây xanh trên tuyến phố Kim Mã phải cần đến hơn 90 kỹ sư, thợ kỹ thuật di chuyển về vườn ươm chăm sóc. Hàng ngày 15-20 kỹ sư, công nhân của công ty thường xuyên theo dõi, chăm sóc vườn ươm để đảm bảo cây đạt tỷ lệ sống cao nhất. Dù vậy, theo quan sát của tôi những cây này vẫn chưa phát triển trở lại”.
“Cần xem quy hoạch thế nào, nếu đúng thì chặt thôi nhưng phải chọn lựa cây, cây nào đáng cứu được thì cứu. Đừng có mắc lại những sai lầm trước đây. Bứng cây đi trồng lại rồi đợi xem sau đó nó có sinh trưởng, phát triển được không, tốn kém tiền mà nếu không hiệu quả thì có đáng làm không?. Quan điểm của tôi là phải khảo sát, cái gì giữ được thì giữ. Giữ được cây nào là quý cây đó”, TS Hiệp nhấn mạnh.
Về công nghệ, kỹ thuật di chuyển cây cổ thụ, TS. Hiệp cho rằng vẫn còn khá lạ lẫm ở Việt Nam. Ông cũng chỉ ra một số hạn chế khi di chuyển và trồng lại cây xà cừ kích thước lớn. “Xà cừ trên đường phố Hà Nội có bộ rễ khá nông, bứng bầu không mấy khó khăn. Khi bứng sẽ phải chặt bớt một số rễ, trồng lại dễ phục hồi nhưng phải rất lâu sau bộ rễ mới có thể đỡ được thân cây đồ sộ. Hy vọng công nghệ cho ra rễ nhanh sẽ khắc phục được điều này”, TS Hiệp phân tích, đồng thời tỏ ra lo ngại về kinh phí di chuyển những cây cổ thụ này sẽ rất lớn.
Theo TS Hiệp, cây xà cừ trồng trên tuyến đường Phạm Văn Đồng có nguồn gốc từ châu Phi, tuổi đời từ 20-30 năm. Đặc biệt, cây xà cừ rễ không bám được sâu nên khi gặp thời tiết xấu ngọn và cành dễ đổ, gây tốn kém nhiều. Tuy nhiên điều vị chuyên gia lưu ý, đó là Hà Nội cần thận trọng, tránh chặt cây, di dời một cách ồ ạt như thời gian trước, gây nên sự bức xúc trong dư luận.