Aa

Đi qua "vùng nhiễu động" 2020, kinh tế Việt Nam 2021 đứng trước kịch bản nào?

Thứ Bảy, 31/10/2020 - 06:00

Kết thúc năm 2020, các chỉ số kinh tế đã biến chuyển theo một hướng mới. Trong khi đó, kịch bản kinh tế của năm 2021 vẫn đang là một ẩn số khó dự báo.

Khởi phát từ đầu năm 2020, đến đầu tháng 4/2020, đại dịch Covid-19 đã lan rộng đến nhiều quốc gia, kéo theo sự gia tăng đột biến của những ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh. Tất cả các quốc gia trên toàn cầu đều không có dự báo chính xác về sự xuất hiện đột ngột cũng như khả năng tàn phá nền kinh tế mạnh mẽ của Covid-19. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, các nền kinh tế bước vào giai đoạn phong toả, cách ly và đóng cửa. Nỗi lo dịch bệnh bao trùm đã đóng băng mọi hoạt động của nền kinh tế.

Tại Việt Nam, dẫu cho dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn không nằm ngoài sự ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Bước qua 10 tháng của năm 2020, và chỉ còn 2 tháng nữa, một năm đầy biến động của nền kinh tế sẽ kết thúc. Bức tranh kinh tế toàn cầu và Việt Nam năm 2021 sẽ ra sao là một ẩn số khó đoán định.

Cà phê cuối tuần xin giới thiệu chia sẻ của TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới xoay quanh những dự báo về kinh tế Việt Nam và tác động đến thị trường bất động sản năm 2021 sau khi xuyên qua "vùng nhiễu động" 2020.

PV: Đại dịch đã khiến tất cả các dữ liệu của nền kinh tế quốc gia biến chuyển theo một hướng mới. Thưa TSKH. Võ Đại Lược, ông thấy gì ở những chỉ số kinh tế hiện tại?

TSKH. Võ Đại Lược: Thứ nhất, kinh tế Việt Nam năm nay được kỳ vọng có thể tăng trưởng 2,8%. Việt Nam được đánh giá là một trong rất ít các nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng dương. Năm 2019, mức tăng trưởng của Việt Nam dù có sụt giảm nhẹ so với năm 2018, nhưng Ngân hàng Thế giới đã đưa ra nhận định: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”.

Năm nay, nhận định này vẫn đúng vì các nền kinh tế khác thậm chí còn tệ hơn năm ngoái. Nhiều dự báo đưa ra rằng, kinh tế thế giới tăng trưởng âm khoảng 4 - 5%. Những dự báo gần đây bắt đầu thay đổi theo chiều hướng tích cực. Dẫu vậy, tăng trưởng dương là một tín hiệu tốt. Các nền kinh tế được dự báo tăng trưởng dương có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có thể nói, đến hiện tại, dựa trên dự báo, Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới.

Thứ hai, thành công lớn mà thế giới ca ngợi Việt Nam, đó là việc kiểm soát dịch rất tốt. Đặc biệt là đợt bùng phát tại Đà Nẵng, một khu trung tâm du lịch lớn nhất Việt Nam với lượng khách du lịch là hàng vạn người, nhưng chúng ta vẫn kiểm soát được. Tôi cho rằng, khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được đánh giá rất cao trên thế giới, cũng được xếp vào một trong số rất ít nước làm được điều này.

Thứ ba, trong bối cảnh thương mại thế giới bị đình đốn do Covid-19, kinh tế thế giới gặp khó khăn về nguồn cung lẫn cầu, nhưng xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng, không bị âm. Nên, tôi đánh giá đây là thành tựu cố gắng trong điều hành chính sách của Chính phủ.

Thứ tư, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng, giữ được mức độ tăng trưởng ổn định. Nhờ dịch bệnh kiểm soát tốt, môi trường đầu tư được cải thiện, đổi mới, an toàn và an ninh tốt, Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

Hiện nay, Chính phủ các nước Anh, Mỹ, Nhật khuyến khích doanh nghiệp chuyển khỏi Trung Quốc, để không lệ thuộc vào chuỗi cung ứng của đất nước hơn 1,4 tỷ dân. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc đang có những thay đổi, năng lực cạnh tranh sụt giảm. Ví dụ, tiền lương công nhân Trung Quốc cao hơn hẳn Việt Nam. Nước ta còn được Chính phủ các nước khác khuyến khích doanh nghiệp của họ vào đầu tư. Đây là một điểm sáng đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, dù đạt được nhiều kết quả tốt, chúng ta vẫn đang đối mặt nhiều thách thức. Đầu tiên là thiệt hại mưa lũ của miền Trung và cơn bão số 9 đã tàn phá nhiều tỉnh ghê gớm. Thiên tai là điều mà chúng ta khó dự tính được.

Tiếp đến, chương trình tái cơ cấu kinh tế triển khai còn chậm. Số lượng doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chưa đạt được như kế hoạch đặt ra. Tình hình thế giới còn đang và sẽ đối mặt với sự tàn phá nặng nề của Covid-19 và chắc rằng nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam.

Dù khó khăn và thách thức nhưng nền kinh tế Việt Nam có một đặc điểm là: Khả năng chống chịu rất tốt, càng khó khăn thì sức bật càng mạnh.

PV: Đâu là yếu tố làm nên “đặc tính” về khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?

TSKH. Võ Đại Lược: Nền kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu tốt có nhiều lý do. Thứ nhất, thành phần doanh nghiệp tư nhân và kinh tế hộ gia đình chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu thành phần kinh tế, với khoảng 40%. Đương nhiên đây là khu vực chống chịu tốt hơn cả với biến động của nền kinh tế.

Thứ hai là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu thành phần kinh tế. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư của chúng ta cũng có sức hấp dẫn. Đóng góp vào GDP, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khá lớn với con số tương đương là 18%, 70% và 50%. Doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ, cơ chế quản lý tốt, kết hợp với địa, chiến lược, nguồn nhân lực của Việt Nam,… dẫn tới có tiềm lực và sức chịu đựng dẻo dai.

Thứ ba, về mặt chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh được Chính phủ quan tâm, cải tiến rất nhiều. Không chỉ tháo gỡ vướng mắc về luật, Chính phủ còn sát sao trong cải tiến thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi.

Tất cả những yếu tố trên cộng lại đã tạo ra sức chống chịu tốt của Việt Nam.

PV: Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua là cứu trợ doanh nghiệp vượt bão mùa Covid-19. Ông đánh giá như thế nào về những chính sách cứu trợ doanh nghiệp trong thời gian vừa qua?

TSKH. Võ Đại Lược: Gói cứu trợ mà Chính phủ dành cho doanh nghiệp lên tới 62.000 tỷ đồng. Để đánh giá hiệu quả của gói cứu trợ này, chúng ta cần phải có một cuộc khảo sát, điều tra cụ thể.

Thứ nhất, gói cứu trợ này đang phân bổ đến đâu, được dùng như thế nào, cơ chế phân bổ có hợp lý không, cần cải tiến gì. Một cuộc đánh giá toàn diện mới có thể đưa ra được kết quả chính xác và trên cơ sở đó mới tìm ra giải pháp mới.

Tổng quan, tôi cho rằng, Chính phủ đã có phản ứng nhanh, kịp thời để ứng cứu doanh nghiệp bằng gói cứu trợ lớn.

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp, doanh nghiệp chưa tiếp cận được thì nguyên nhân có thể là do bộ máy phân bổ. Cơ chế phân bổ cũng là vấn đề rất quan trọng như để cứu một số doanh nghiệp dậy, sống sót rồi bứt phá hay là tiến hành phân chia đồng đều.

Tôi nhắc lại, chúng ta cần khảo sát và đánh giá toàn diện mới có thể đưa ra kiến nghị khác. Nhưng, với bối cảnh hiện nay, một cuộc khảo sát được tiến hành không hề dễ dàng.

Tuy nhiên, có thể nói, đợt Covid-19 đã giúp Việt Nam sàng lọc được các doanh nghiệp. Khủng hoảng là một phép thử để đo lường, sàng lọc sức khỏe của doanh nghiệp. Khủng hoảng làm cho một loạt các doanh nghiệp yếu kém phá sản, phải tự đào thải và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có sức sống bứt phá.

PV: Chỉ còn 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2020, với tình hình như hiện tại, ông dự báo như thế nào về những xu hướng, sự dịch chuyển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021?

TSKH. Võ Đại Lược: Tất cả các kênh dự báo hiện nay đều cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 là trên 7%. Một con số tương đối cao. Tăng trưởng năm 2020 thấp thì năm 2021 cao là điều dễ thấy. Song đến năm 2022, tốc độ tăng trưởng sẽ không thể vượt lên quá mạnh.

Dự báo là vậy nhưng thực tiễn, năm 2021 vẫn là một ẩn số khó định đoán khi dịch Covid-19 chưa rõ kiểm soát ra sao và cũng không lường được nền kinh tế có bất thường gì xảy ra.

Năm 2019 và 2020, không có một chuyên gia nào dự đoán được cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lại xảy ra và Covid-19 xuất hiện. Nền kinh tế thế giới đang được dự báo tăng trưởng âm, cả GDP, đầu tư nước ngoài, giá trị thương mại cũng sụt giảm. Một mức âm thấp nhất trong vòng 80 - 90 năm vừa qua. Các dự báo của các cơ quan quốc tế đã đưa ra như vậy.

Với Việt Nam, rất nhiều kịch bản cần phải đặt ra. Con số mà các Chính phủ cứu trợ nền kinh tế rất lớn và chưa có tính toán chính xác để đánh giá đúng.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang loay hoay trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Tác động của công nghệ đến đời sống người dân chưa tạo ra thay đổi đáng kể và thực tế cũng không dễ thực hiện.

Việt Nam còn đang chịu tác động từ cuộc xung đột Mỹ - Trung. Chúng ta còn chưa biết rõ, cuộc xung đột đó đi đâu về đâu. Rồi biến đổi khí hậu đang nảy sinh quá nhiều vấn đề.

Hơn nữa, cơ chế quản trị toàn cầu hiện nay xem như là bất cập. Ví như với WHO, Mỹ xem như không có giá trị và xin rút. Quyết định của ông Trump là điều có lý vì rõ ràng, một tổ chức thế giới cần phải đổi mới. Không chỉ WHO mà nhiều tổ chức khác cũng đang phải thay đổi. Bởi cơ chế quản trị toàn cầu đã không phù hợp. Phải có một cơ chế mới để các tổ chức này có thể phục vụ cho lợi ích toàn cầu, lợi ích nhân loại chứ không phải phục vụ lợi ích cho riêng nước nào, điều mà chúng ta chưa thực hiện được.

Hay riêng trong từng quốc gia, cơ chế quản trị khác nhau cũng tạo ra khả năng ứng biến khác nhau. Như Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh rất tốt nhờ cơ chế quản trị phù hợp trong khi các nước phương Tây lại có phần loay hoay, vỡ trận.

Hiện tại, quỹ đạo kinh tế của thế giới và Việt Nam rất khó đoán định các biến số có thể xảy ra. Do vậy, để tìm một kịch bản rõ nét cho nền kinh tế cũng thực sự không hề dễ dàng.

PV: Thưa ông, với tình hình kinh tế vĩ mô được dự báo như hiện tại, thị trường bất động sản sẽ chịu tác động như thế nào?

TSKH. Võ Đại Lược: Mỗi quốc gia, bất động sản là thị trường quan trọng nhất. Bất động sản có mức độ mật thiết gắn liền với nền kinh tế. 

Nếu kinh tế vĩ mô không tốt thì mọi thị trường đều bất ổn. Trong kinh tế vĩ mô, quan trọng nhất là thị trường tiền tệ. Bất ổn của kinh tế vĩ mô là tiền tệ, tỷ giá hối đoái, xuất nhập khẩu… Nhưng yếu tố đó bất ổn thì chắc chắn bất động sản không thể ổn định được.

Trong biến động tiền tệ, tài chính, sẽ dễ nảy ra đầu cơ tích trữ, dẫn tới có lúc giá bất động sản lên cao, người dân đổ dồn vào mua hàng khi lãi suất hạ. Và chỉ cần lãi suất tăng, giá bất động sản hạ xuống, bong bóng vỡ, thị trường bất động sản vỡ, hệ thống ngân hàng sẽ tan theo.

Các chỉ số vĩ mô như lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế thấp… sẽ khiến thị trường bất động sản càng kém phát triển. Trong hoàn cảnh dịch bệnh như vậy, người có tiền cũng chưa muốn mua sắm, đầu tư. Họ cần tích trữ tiền để đề phòng. Do vậy, cầu của bất động sản sẽ hạn chế, còn các nhà đầu tư bất động sản vào các dự án mới cũng cần cân nhắc. 

PV: Liệu có những tín hiệu tươi sáng từ thị trường bất động sản hiện nay, thưa ông?

TSKH. Võ Đại Lược: Như tôi đã nói, Việt Nam đã kiểm soát cơ bản dịch bệnh, nền kinh tế dù suy giảm nhưng vẫn có tín hiệu khả quan. Vì thế, bất động sản vẫn còn nhiều cơ hội tốt. Với nền kinh tế hiện nay, bất động sản lại là kênh trữ tiền an toàn.

Chưa kể, thị trường bất động sản đang còn nhiều dư địa tăng trưởng tốt. Đây là cơ hội cho thị trường bất động sản được kỳ vọng vẫn tiếp tục tăng chuyển động tích cực.

PV: Với một kịch bản được dự báo có nhiều khả quan như vậy, theo ông, đâu là phân khúc dẫn dắt thị trường? 

TSKH. Võ Đại Lược: Một phân khúc đang phát triển mạnh là bất động sản khu công nghiệp, khu kinh tế. Tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trước đó đã dẫn tới làn sóng di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Dịch bệnh Covid-19 cũng là nhân tố kéo theo làn sóng đến Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài.

Tôi cho rằng, nếu dịch được kiểm soát, đầu tư nước ngoài tốt, các doanh nghiệp nước ngoài đều được khuyến khích vào Việt Nam. Đây là một tín hiệu rất tốt cho bất động sản khu công nghiệp và khu kinh tế.

Cảm ơn những chia sẻ của ông!

"Tôi tin chắc rằng, khi dịch được kiểm soát, các yếu tố pháp lý từng bước được hoàn thiện, thị trường bất động sản 2021 sẽ bước vào chu kỳ phát triển mới với những sinh khí mới. Do đó, các nhà đầu tư không nên bi quan quá trước những khó khăn hiện tại của thị trường mà bỏ lỡ cơ hội đầu tư. Với những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, những nhà đầu tư đủ tự tin kiểm soát tài sản và tiềm lực tài chính sẽ có cơ hội tốt để tiếp cận với nguồn cung dồi dào và giá tốt hơn trong tương lai".

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh

"Tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng điều đầu tiên có thể nhận thấy là giá bất động sản Việt Nam vẫn giữ đà tăng trưởng. Nhưng, tôi hy vọng rằng, sang năm 2021, các nhà đầu tư vẫn giữ giá thuê ổn định để thu hút nhà đầu tư.

Mức giá sẽ phụ thuộc vào cầu và cung, nhu cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng, còn nguồn cung cũng đang có những bước đi nhất định, mở rộng các quỹ đất tại nhiều nơi. Theo đó, cung tăng thì sẽ góp phần bình ổn mức giá".

Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp, Công ty CBRE Việt Nam


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top