Bài viết "Đơn độc, bức bối trong những tòa cao ốc sừng sững giữa Thủ đô" được đăng tải trên Reatimes ngày 5/4 đã phản ánh một bức tranh đô thị Hà Nội với những toà nhà ken đặc, xếp chồng lên nhau đầy ngột ngạt và bí bách. Cư dân các khu đô thị, chung cư tự giam mình trong những "bao diêm" kín mít, thiếu sự giao lưu và kết nối giữa con người với con người. Việc xây dựng "phần mềm" cho các khu chung cư, không đơn thuần chỉ là xây dựng một nếp sống mới. Bởi chảy trong huyết quản mỗi người Việt đã là ý thức văn hoá cộng đồng rất sâu sắc và phong phú. Nhưng chính lối thiết kế những toà chung cư, khu đô thị "lệch chuẩn" đã "bẻ gãy" tính cách và giá trị tốt đẹp của con người.
Reatimes đã có cuộc trò chuyện với KTS Lê Tuấn Long – Giám đốc Công ty CP Kiến trúc Phong cảnh Việt Nam (Eden Landscape) về vai trò của thiết kế cảnh quan trong quá trình tạo lập một không gian sống thực sự để hiểu thêm về những thiếu hụt của các đô thi Việt.
PV: Các khu đô thị, chung cư của Việt Nam được nhiều chuyên gia nhìn nhận là "vô cảm" bởi gần như chỉ là những khối bê tông chồng lên nhau, chính vì thế thiếu đi sự kết nối giữa con người với con người. Là một kiến trúc sư có nhiều năm nghiên cứu về thiết kế cảnh quan, anh nghĩ sao về thực trạng trên, thưa KTS. Lê Tuấn Long?
KTS. Lê Tuấn Long: Kiến trúc cảnh quan có vai trò tạo nên môi trường sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được điều đó. Vào thời điểm tôi mới bắt đầu đi theo nghiệp thiết kế cảnh quan, người ta không hiểu thiết kế cảnh quan là gì và đơn thuần họ cho rằng, thiết kế cảnh quan là thiết kế sân vườn hoặc là trồng cây. Suy nghĩ đó hoàn toàn dễ hiểu bởi sự phát triển kinh tế đến đâu, thì nhu cầu về cảnh quan sẽ tới đó.
Đến bây giờ, mặc dù có rất nhiều khu đô thị xuất hiện, các tòa chung cư được dựng lên nhưng tôi cho rằng, nền kinh tế của mình vẫn đang ở mức độ thấp, nhu cầu của các doanh nghiệp bất động sản cũng như của người dân chưa thực sự cao nên tầm hiểu biết chung về thiết kế cảnh quan còn hạn chế.
Song không thể phủ nhận được rằng, so với thời điểm trước đây, thì thời gian gần đây, nhận thức về cảnh quan xung quanh đã dần được thay đổi trong suy nghĩ của các nhà đầu tư và người dân. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải có rất nhiều thời gian trải nghiệm để những chủ thể góp phần tạo nên một khu đô thị hiểu rõ được vai trò của cảnh quan xung quanh có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống hiện tại.
PV: Nghị định 38 của Bộ Xây dựng về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị đã được ban hành từ năm 2010 quy định về tiêu chí thiết kế kiến trúc cảnh quan tại các khu đô thị. Song nhìn lại quy hoạch đô thị ở Việt Nam thì rõ ràng, các chủ đầu tư dường như mới quan tâm đến phần cứng mà bỏ qua "phần mềm" của các khu đô thị. Theo KTS. Lê Tuấn Long, đâu là nguyên nhân sâu xa dẫn tới điều này?
KTS. Lê Tuấn Long: Như tôi vừa trao đổi thì do trình độ phát triển kinh tế còn thấp nên nhu cầu về thiết kế cảnh quan sẽ còn hạn chế. Quay trở lại với vấn đề về quy hoạch kiến trúc cảnh quan, thực tế cho thấy, những quy hoạch ngày xưa khá là tốt dù cơ sở vật còn rất thô sơ. Tuy nhiên, mọi quy hoạch trước đây đều có sự tính toán kỹ lưỡng, cẩn thận. Đến hiện tại, các quy hoạch của chúng ta cũng có tính toán hết nhưng trong quá trình thực thi thì tính toán đó có bị đổi chiều hay việc giữ đúng quy hoạch đó có đảm bảo hay không lại là việc khác? Vô hình chung, những khu đô thị, chung cư thiếu đi không gian cảnh quan chung, những tiện ích như khu vui chơi dành cho trẻ em, khu giao lưu cộng đồng gần như bị “xóa sổ”.
Hiện nay có rất nhiều chung cư không đảm bảo về mặt yếu tố hạ tầng. Việc cấp phép một đằng, quy hoạch một nẻo dẫn tới tình trạng “xôi đỗ” và mọi thứ trở nên lổn nhổn, không đồng bộ về mặt hạ tầng, cảnh quan, tiện ích.
PV: Để kiến tạo nên một khu đô thị đáng sống, rõ ràng yếu tố con người phải được đưa lên làm trung tâm. Và vì thế, không thể đưa những mô hình thiết kế của nước ngoài đặt y nguyên vào Việt Nam. Theo KTS. Lê Tuấn Long với đặc điểm cư dân đô thị của Việt Nam, khi thiết kế các khu đô thị cần lưu ý đến điều gì?
KTS. Lê Tuấn Long: Đến thời điểm bây giờ có rất nhiều những mô hình, xu hướng thiết kế cảnh quan khác nhau. Một số nơi chạy theo trào lưu lắp ghép mô hình cảnh quan ở nước ngoài về Việt Nam nhưng với công ty Eden Landscape của chúng tôi lại đi theo một tiêu chí hoàn toàn khác và tuân chỉ theo những triết lý mà mình đã đặt ra. Và tôi nghĩ rằng đây là một xu hướng thiết kế cảnh quan thiết yếu ở Việt Nam. Trong các chữ cái của từ Eden, chúng tôi đề cập tới các yếu tố: môi trường sinh thái, sự khác biệt, yếu tố cảm xúc và giá trị bản địa.
Đối với trẻ nhỏ khi được hòa mình trong không gian thiên nhiên, được vui chơi thì sẽ có cơ hội phát triển về thể chất lẫn trí tuệ. Với người già, họ cảm nhận được sự gần gũi, tươi mát và hạnh phúc. Đối với người đi làm, sau những giờ làm mệt mỏi, được trở về với ngôi nhà của chính mình, họ sẽ thấy bình yên và nhận ra nhà thực sự là nơi để về. Nhà ở đây không chỉ khép lại với nghĩa là căn hộ mà còn rộng hơn là cả khu đô thị, là một quần thể sống.
Hệ sinh thái là vấn đề không thể chối bỏ mà KTS buộc phải tôn nó lên. Khi con người sống hài hòa trong hệ sinh thái thì bản thân mỗi con người mới phát triển được.
Sự khác biệt trong từng nét vẽ, trong mỗi dự án sẽ mang đậm cá tính của kiến trúc sư và đặc biệt là sự khác biệt đấy sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới phong cách sống trong các đô thị.
Thiết kế cảnh quan còn là thiết kế cảm xúc. Mỗi công trình chỉ là thân xác và thiết kế cảnh quan sẽ may cho thân xác ấy một bộ cánh, tô điểm cho thân xác ấy, giúp nó trở nên sinh động và hòa nhập với xã hội hơn. Một công trình được đặt ra trong bối cảnh nào thì chính bối cảnh đó là cảnh quan. Mình phải yêu thích nó, thích thú nó thì mới đem cảm xúc của mình vào, để tạo lập nên một không gian đúng nghĩa còn không, những tòa nhà đó sẽ chỉ như sự vật vô tri.
Hiện nay, chủ nghĩa quốc tế hóa kiến trúc ở Việt Nam vẫn rất mạnh và việc sao chép, chắp vá xảy ra khắp nơi. Nếu chúng ta không biết chọn lọc thì chúng ta đang biến xã hội của mình thành một bãi rác với sự chắp ghép lộn xộn, như thế thì đó là sự thiệt hại nặng nề cho con cháu của mình sau này.
Đặt trong bối cảnh ở Việt Nam, nghề thiết kế cảnh quan buộc KTS phải nghiên cứu sâu về văn hóa truyền thống cũng như các đặc trưng khác. Chúng ta cần phải xử lý khí hậu cho hài hòa, sử dụng tài nguyên vốn có, biết chắt chiu, nâng niu nó. Mỗi lãnh thổ có một bản sắc riêng và chúng ta phải vận dụng nó. Hiện tại có nhiều mô hình cảnh quan của nước ngoài du nhập vào Việt Nam nhưng không nên áp dụng bởi điều đó chỉ khiến chúng ta mờ nhạt, thiếu đi thương hiệu quốc gia. Đó cũng chính là tính nhận diện của kiến trúc.
PV: Thiết kế cảnh quan còn là thiết kế cảm xúc, nhưng vì yếu tố lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư đã cố tình bỏ quên yếu tố này, chỉ cốt sao xây những khối nhà thật cao và tận dụng tối đa thật nhiều diện tích. Chính điều này đã dẫn đến bị kịch của những khu đô thị Việt: đơn độc, ngột ngạt và bí bách. Theo ông, có cách gì để cân bằng được bài toán lợi ích giữa chủ đầu tư và cư dân?
KTS. Lê Tuấn Long: Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận rằng, chính người dân hay khách hàng của chủ đầu tư phải là người đòi hỏi một không gian xanh. Nếu chủ đầu tư không đáp ứng được điều đó thì người ta không đến ở. Cách đây 5 – 7 năm, người dân nghĩ chỉ cần “có một suất để mua là tốt” nhưng bây giờ “có thì phải như thế nào”. Không gian xanh và các tiện ích có phù hợp với mình ở hiện tại và tương lai không. Người dân đã biết quan tâm tới các tiện ích xung quanh đủ điều kiện để đáp ứng sức khỏe, cảm xúc của mình.
Về phía chủ đầu tư, để cân bằng được bài toán lợi ích, hoàn toàn phải xuất phát từ nhận thức và chiến lược. Tôi gọi thiết kế cảnh quan là một chiến lược Landscape Marketing. Khi chủ đầu tư nhận ra tầm quan trọng của thiết kế cảnh quan, biết đầu tư thì tính thanh khoản sẽ tốt hơn, việc bán hàng sẽ diễn ra nhanh chóng thuận lợi hơn.
Nhiều chủ đầu tư đã biết biến thiết kế cảnh quan trở thành mũi nhọn marketing và coi đó là hoạt động đầu tư sinh lời. Nhưng vẫn còn rất nhiều người không nghĩ như vậy và họ cho rằng thiết kế cảnh quan rất tốn kém, trồng lên rồi dọn đi còn tốn kém hơn. Thực tế nếu hiểu sâu, biết tính toán thì lợi ích mà mình nhận được sẽ nhiều hơn là chi phí bỏ ra.
PV: Theo KTS, làm thế nào để "thổi hồn" vào những khu đô thi, chung cư "vô tri" hiện nay của Việt Nam?
KTS. Lê Tuấn Long: Tôi có thể ví công trình như một cô gái và cảnh quan sẽ khiến cô gái ấy có duyên hơn. Một cô gái có duyên chắc chắn sẽ được nhiều người yêu quý. Điều đó có nghĩa rằng nếu thiết kế cảnh quan thông minh sẽ khiến cho cư dân đô thị cảm thấy yêu thiên nhiên hơn, được kết nối với nhau nhiều hơn. Đối với trẻ nhỏ khi được hòa mình trong không gian thiên nhiên, được vui chơi thì sẽ có cơ hội phát triển về thể chất lẫn trí tuệ. Với người già, họ cảm nhận được sự gần gũi, tươi mát và hạnh phúc. Đối với người đi làm, sau những giờ làm mệt mỏi, được trở về với ngôi nhà của chính mình, họ sẽ thấy bình yên và nhận ra nhà thực sự là nơi để về. Nhà ở đây không chỉ khép lại với nghĩa là căn hộ mà còn rộng hơn là cả khu đô thị, là một quần thể sống.
Bởi thế ý nghĩa của cảnh quan rất quan trọng, nó trở thành thước đo uy tín của một doanh nghiệp bất động sản. Thiết kế cảnh quan không đơn thuần chỉ công cụ để bán hàng. Nếu doanh nghiệp có tâm, hướng tới những cư dân đô thị thì chắc chắn họ sẽ có tầm để có chiến lược đầu tư hợp lý.
- Cám ơn KTS. Lê Tuấn Long về cuộc trò chuyện này!