Aa

Đi tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng

Chủ Nhật, 21/07/2019 - 06:00

Hai ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong nền kinh tế là công nghiệp chế biến chế tạo và nông nghiệp tăng trưởng chậm lại là nguyên nhân chính khiến GDP giảm tốc.

GDP quý II tăng 6,71%, là mức tăng trưởng thấp nhất 8 quý. Hai ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong nền kinh tế là công nghiệp chế biến chế tạo và nông nghiệp tăng trưởng chậm lại là nguyên nhân chính khiến GDP giảm tốc.

Một số ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ và ngành xây dựng duy trì tăng trưởng ổn định cùng khai khoáng chuyển sang tăng trưởng dương đã giúp GDP không giảm sâu.

Nông nghiệp sụt giảm nhưng thủy sản khởi sắc

GDP Nông nghiệp quý II chỉ tăng 1,03%, thấp hơn nhiều quý I cũng như cùng kỳ 2018. Lý do khiến ngành nông nghiệp có tăng trưởng thấp bao gồm thời tiết và thị trường xuất khẩu không thuận lợi. Xuất khẩu gạo nửa đầu năm giảm 17,6%, trong đó Trung Quốc giảm nhập khẩu xuống chỉ còn ¼ và Indonesia gần như ngưng nhập gạo của Việt Nam.

Nếu như Indonesia có sản lượng và tồn kho lúa gạo trong nước đã đủ so với nhu cầu thì Trung Quốc giảm nhập gạo của Việt nam để tăng nhập từ quốc gia khác như Myanmar hay Cambodia. Trong quý I/2019, xuất khẩu gạo từ Cambodia sang Trung Quốc đã tăng +59%.

GDP Thủy sản quý II tăng 7,03%, xấp xỉ mức tăng của quý II/2018 là 7,05%. Tính chung 6 tháng, GDP thủy sản tăng 6,45%, nhỉnh hơn 6 tháng 2018 là 6,41%. Tuy nhiên, nhiều số liệu khác cho thấy ngành thủy sản khó có thể tăng trưởng bằng cùng kỳ.

Giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng 2019 giảm 0,8% trong khi cùng kỳ tăng 11,5%. Thị trường xuất khẩu chậm khiến giá cá tra và tôm cùng giảm. Giá cá tra đã rớt xuống xấp xỉ 20 nghìn/kg, mức thấp nhất 3 năm, xấp xỉ và dưới giá thành sản xuất gây nhiều khó khăn cho người nuôi. Giá tôm giảm xuống khoảng 87 nghìn/kg, mức thấp nhất 9 tháng.

Sản lượng thức ăn thủy sản 6 tháng tăng 14%, thấp hơn so với cùng kỳ là 17,8% và rất có thể còn thấp hơn trong những tháng tới nếu thị trường xuất khẩu không cải thiện.

Trong 5 nước nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chỉ có Nhật và Mỹ tiếp tục gia tăng nhập khẩu. Trung Quốc, Hàn Quốc và Thailand đều giảm nhập, trong đó Trung Quốc giảm nhiều nhất.

Công nghiệp chế biến chế tạo giảm tốc ngay cả khi điện tử đã có cải thiện

GDP Công nghiệp chế biến chế tạo tăng +10.9% trong quý II, thấp hơn so với quý I là +11.5%. Công nghiệp điện tử có sự cải thiện nhất định nhưng sự giảm tốc của một số ngành công nghiệp vốn có tốc độ tăng trưởng cao như Lọc hóa dầu, sản xuất xe có động cơ hay may mặc đã khiến GDP quý II tăng chậm lại.

Chỉ số công nghiệp lọc hóa dầu trong 6 tháng giảm xuống 69,1%, dù vẫn rất cao nhưng đã thấp hơn 3 tháng đầu năm là 96,7%. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động từ giữa năm 2018 nên đã tạo ra tăng trưởng cao so với nền thấp trước đó và điều này sẽ khó có thể lặp lại kể từ nửa cuối năm 2019.

Chỉ số sản xuất xe có động cơ 6 tháng tăng 11,7%, chỉ xấp xỉ một nửa mức tăng của 3 tháng đầu năm là 20,8%. Xe nhập khẩu tăng tốc vào Việt nam đã làm ngành sản xuất xe trong nước chậm lại.

Theo số liệu của VAMA, lượng xe sản xuất trong nước bán được trong 6 tháng đầu năm là 91,7 nghìn chiếc, giảm -14% theo năm, trong khi lượng xe nhập khẩu bán được là 63,2 nghìn chiếc, tăng 231%.

May mặc tăng chậm lại là một vấn đề đáng lưu tâm. Việt Nam được cho là có nhiều lợi thế để tăng tốc ngành dệt may, tuy vậy chỉ số công nghiệp May mặc lại liên tục giảm, từ 10,3% trong 3 tháng xuống còn 8% trong 6 tháng.

Tăng trưởng xuất khẩu dệt may cũng giảm xuống 9,9%, thấp hơn quý I (10,8%) và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ là 16,4%.

Ngành dược 6 tháng đã không còn tăng trưởng trong khi cùng kỳ tăng tới 16,2%. Ngược lại, một số ngành vẫn giữ hoặc cải thiện phong độ như kim loại, thiết bị điện, nội thất, sản phẩm từ cao su & plastic, qua đó kéo tăng trưởng toàn ngành công nghiệp.

Khai khoáng bất ngờ tăng trưởng dương dù khai thác dầu thô vẫn giảm

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp (65%), tiếp đến là khai khoáng (19%) và sản xuất phân phối điện, khí đốt (14%).

Dù tỷ trọng nhỏ nhưng nhờ có tăng trưởng dương của khai khoáng mà ngành công nghiệp nói chung đã không bị giảm theo đà giảm của công nghiệp chế biến chế tạo.

GDP khai khoáng quý 2 tăng 3,23%, kéo GDP khai khoáng 6 tháng tăng 1,78%, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý 1/2016. Sản lượng dầu thô giảm 6,7%, mức giảm thấp hơn so với cùng kỳ (10,9%) trong khi khai thác than đá và quặng kim loại tăng cao.

Sản lượng khai thác than 6 tháng tăng 11,8% nhỉnh hơn so với cùng kỳ là 11,1%. Đáng chú ý lượng than xuất khẩu giảm sâu 54% cho thấy thời tiết nóng và khô hạn đã làm tăng nhu cầu khai thác than để sản xuất nhiệt điện.
Với dự báo Elnino còn kéo dài, nhiều khả năng khai thác than sẽ tiếp tục đứng ở mức cao trong ít nhất quý III, từ đó có thể giúp ngành khai khoáng giữ được mức tăng trưởng dương.

Nhiều ngành dịch vụ tăng cao nhưng không thực sự chắc chắn

Ngược với xu hướng chậm lại và đi ngang của chỉ số bán lẻ, GDP ngành Bán buôn bán lẻ quý II lại cao hơn so với quý I, 8,27% và 7,91%.

Sự tương đồng giữa chỉ số bán lẻ, chỉ báo về sức cầu tiêu dùng, với tăng trưởng kinh tế. Trong khi tăng trưởng kinh tế quý II chậm lại thì việc ngành Bán buôn bán lẻ lại có tăng trưởng nhanh hơn là điều khó lý giải.

Tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý II đạt 8%, nhỉnh hơn so với quý I là 7%. Cùng với xu hướng này, GDP lưu trú ăn uống cũng có cải thiện rõ rệt, tăng 6,95%, cao hơn so với quý 1 là 5,91%.

Tuy vậy, với chỉ 1% tăng thêm của khách quốc tế thì khó có thể đẩy ngành lưu trú ăn uống tăng một cách rõ rệt. Năm 2018, tăng trưởng khách quốc tế lên tới 20% nhưng tăng trưởng GDP lưu trú ăn uống cũng chỉ là 6,78%.

Một lý giải cho sự cải thiện nhanh của lưu trú, ăn uống là du lịch trong nước với sự mở rộng của nhiều địa điểm du lịch cùng đường bay mới. Tuy vậy trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, chỉ số bán lẻ tăng thấp thì nhu cầu du lịch của người Việt Nam, một nhu cầu thuộc nhóm không thiết yếu, cũng khó có thể tăng trưởng cao.

Cũng liên quan đến khách quốc tế, khách Trung Quốc sau khi có sự hồi phục tốt trong tháng 5 đã lại sụt giảm mạnh trong tháng 6, 16,3%; kéo tổng lượng khách Trung Quốc tính từ đầu năm giảm 3,3%. Ngược lại, lượng khách Hàn Quốc duy trì tăng trưởng ổn định, đạt 21,3%.

GDP ngành Vận tải kho bãi tăng 8,16%, đẩy tăng trưởng 6 tháng lên 7,89%, là mức cao nhất 6 quý. Ngành vận tải kho bãi duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định có phần đóng góp lớn từ lưu chuyển hàng hóa nội địa, đặc biệt là lưu chuyển hàng hóa đường biển nội địa.

Trong khi tăng trưởng luân chuyển hàng hóa trong nước 6 tháng đầu năm là 10,2% thì luân chuyển quốc tế chỉ là 3,3%. Tăng trưởng luân chuyển hàng hóa đường biển liên tục tăng tốc và 6 tháng đầu năm đã đạt 6,7%, mức cao nhất nhiều năm.

Hoạt động kinh doanh bất động sản quý II tăng 4,13%, mức thấp nhất 3 quý và cũng thấp hơn so với cùng kỳ (4,56%).

Ngành bất động sản thực tế có thể tăng trưởng chậm hơn so với con số thống kê do nhiều nguyên nhân. Về phía cung, các thủ tục hành chính để hình thành và phát triển dự án đang có dấu hiệu chậm lại. Về phía cầu, đó là chính sách thắt chặt cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại. Cũng không loại trừ khả năng nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, Hong Kong giảm quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam vì lý do kinh tế.

Các số liệu vĩ mô quý II đã khẳng định dự báo trước đó của chúng tôi về sự giảm tốc của nền kinh tế. Điểm tích cực là các cân đối vĩ mô bao gồm lạm phát và tỷ giá vẫn được kiểm soát tốt. Nhìn sang các quý tiếp theo, khó khăn của ngành nông nghiệp cùng với động lực “lọc hóa dầu” giảm bớt sẽ kìm hãm tốc độc tăng trưởng chung. Khi tăng trưởng chậm lại, có 2 vấn đề cần lưu ý để có những chính sách kịp thời nhằm thúc đẩy tăng trưởng như sau:

Đối với giải ngân đầu tư công, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng tăng 10,3%, nhỉnh hơn so với cùng kỳ là 10,1% nhờ đầu tư của khối tư nhân và khối FDI.

Đầu tư từ khối nhà nước tăng thấp với 3%, trong đó vốn từ ngân sách tăng 3,7% (cùng kỳ tăng 9,4%). Chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách đến 15/6 mới đạt 26% kế hoạch năm cho thấy giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp đang không chỉ gây lãng phí mà còn làm lỡ cơ hội tạo tăng trưởng trong bối cảnh xuất khẩu chậm lại.

Về kiểm soát nhập khẩu: nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đang tăng rất nhanh, gấp 5 cùng kỳ lên 1,7 tỷ USD làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất ô tô trong nước. Việt Nam cần tiếp tục nâng các hàng rào bảo hộ song song với các chính sách ưu đãi sản xuất và tiêu dùng không chỉ với ô tô mà còn với nhiều mặt hàng công nghiệp có thể tự sản xuất trong nước. Xu hướng bảo hộ và thương mại công bằng cần được vận dụng, đặc biệt là với các quốc gia có trình độ phát triển gần với Việt Nam như nhóm nước Asean.

Trong bối cảnh các NHTW thế giới đều đang tính đến việc giảm lãi suất để kích thích kinh tế, Việt Nam cần phải rất tỉnh táo để tránh lặp lại những đổ vỡ do nới lỏng tiền tệ. Đầu tư công và bảo hộ chính là hai biện pháp kích cầu mà không cần phải nới lỏng tiền tệ. Trong khi các lựa chọn đó chưa được sử dụng thì việc nới lỏng tiền tệ là không cần thiết nhằm giữ lại một dư địa chính sách nhất định để đối phó với những diến biến thế giới rất khó lường trong tương lai.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top