Mảng xanh bị gọt xén
Hiện nay diện tích cây xanh trên đất tự nhiên đô thị Việt Nam thấp so với khu vực và thế giới. Riêng tại Hà Nội, cây xanh cũng đạt khoảng xấp xỉ 2m2/người, tức là mới bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các TP hiện đại trên thế giới.
Trong khi, cây xanh, thảm cỏ, bề mặt thấm nước và mặt nước có vai trò rất lớn để giảm “hiệu ứng đảo nhiệt đô thị”. Nói như vậy để thấy sự cấp bách về nhu cầu công viên và cây xanh đô thị với người dân Thủ đô đã hết sức rõ ràng.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam phân tích, theo quan điểm của thế giới, mật độ cây xanh càng lớn thì càng có lợi cho sự phát triển của đô thị. Quan điểm này dành cho đô thị nén. Đó là tận dụng tối đa xây cao tầng, để dành cho không gian xanh. Nhưng điều này phải song song với hệ thống giao thông công cộng được xây dựng hoàn thiện và thuận lợi. Tuy nhiên, Hà Nội không làm được, bởi việc mở rộng mang tính chất hợp nhất trên cơ sở đô thị cũ, đã xây dựng.
“Có một vấn đề là chúng ta đang bị đánh tráo khái niệm, hiện nay tỷ lệ đất đô thị và cây xanh hiện hữu đang thiếu. Trong khi Hà Nội là một trong bảy thành phố có diện tích lớn nhất thế giới. Hà Nội trước đây có rất nhiều sông hồ, mặt nước, trải qua quá trình đô thị hoá thì bị mất dần đi. Hiện nay sông không chảy mà hai bên là nước thải và rác. Chúng ta đang lúng túng kinh phí, tư duy”, ông Tùng nói.
Nhìn lại thực tế hiện nay, chỉ tiêu công viên, vườn hoa, cây xanh đô thị theo tiêu chuẩn cần 7m2/người, nhưng trong nội đô Hà Nội hiện chỉ đạt khoảng 2m2/người. Nghĩa là chưa đến 1/3 so với quy chuẩn. Để xảy ra tình trạng này, lỗi lớn là phần quản lý thực hiện quy hoạch như thế nào chứ không phải do quy hoạch.
Trong Quy hoạch chung Thủ đô năm 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt năm 2011, câu chuyện chăm chăm làm nhà, rồi 5 năm sau mới tính chuyện từ nhà đi ra đường như thế nào đã được các chuyên gia mổ xẻ. Nguy cơ đã được nhìn thấy, đó là tình trạng chạy theo bất động sản, nhà cao tầng xuất hiện nhiều, trong khi đó môi trường sống không được quan tâm nhiều.
Hậu quả là đường chưa xây xong, nhà đã bán hết. Nhiều tuyến đường chưa kịp làm xong đã xuất hiện hàng chục toà cao ốc, gây nên tình trạng kẹt xe, nhất là vào khung giờ cao điểm. Đáng chú ý, trong những dự án cao ốc đó, người ta không thấy xuất hiện diện tích dành cho công viên, vườn hoa, trường học mà đất được chủ đầu tư tận dụng tối đa để làm nhà bán.
Ông Tùng nhấn mạnh: “Trong nguyên tắc phát triển đô thị, chỉ cho xây dựng 40%, còn 60% là cây xanh, hồ điều hoà, mặt nước… Tuy nhiên, các nhà đầu tư xây nhà trước để có tiền, còn không gian công cộng làm sau, bởi lợi nhuận bất động sản vô cùng lớn”.
“Tiền tấn” đầu tư đã đáp ứng đúng nhu cầu người dân?
Từ năm 2014, Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với tinh thần đó, nhiều công viên diện tích lớn đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động như Công viên Hòa Bình rộng hơn 20ha hay Công viên Yên Sở 300ha…
Ngoài ra, nhiều dự án công viên lớn đã được quy hoạch và dần hoàn thiện như: Khu công viên và hồ điều hòa CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy; Dự án khu công viên - hồ điều hòa phía Bắc và phần mở rộng phía Nam Mai Dịch; Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang; Công viên hồ điều hòa Nhân Chính; Khu công viên thể thao cây xanh Hà Đông…
Tuy nhiên, có một thực tế là hệ thống công viên, vườn hoa chính thống ở Hà Nội vốn thiếu về số lượng nay lại còn kém chất lượng, chưa được sử dụng đúng mục đích đề ra. Mặt khác, trong khi những khu vực được đầu tư “tiền tấn” này hoặc còn lưa thưa khách, hoặc còn mãi chưa hình thành thì những khu vực công viên tự phát, những vườn hoa ở bãi đá Sông Hồng lại thu hút rất đông lượng khách đến tham quan, chụp ảnh.
TS. Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam nhận định: “Điều này cho thấy cư dân thành phố quá thiếu thốn mảng xanh, quá khát nhu cầu sử dụng công viên. Do đó, tư nhân tổ chức được dịch vụ hướng tới nhu cầu của cư dân thì đương nhiên cư dân cũng đón nhận.
Điều này cũng để nhấn mạnh rằng, đầu tư vào làm công viên không phải đầu tư một cách tuỳ tiện, tuỳ hứng, nếu xuất phát từ hưởng lợi thì mục tiêu phát triển mảng xanh cho Thủ đô sẽ méo mó”.
TS. Trịnh Hoà Bình cũng cho rằng, dẫu là vai trò của đầu tư tư nhân có quan trọng đến mấy, thì vai trò của nhà kiến trúc vẫn có ý nghĩa quyết định chứ không phải để cho mạnh ai người ấy làm. Vai trò của kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch là làm sao để quy hoạch chung hài hoà, phải bài bản và phù hợp với tình hình thực tiễn.
KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, công viên ở Hà Nội giống như kho dự trữ, để khi nào đói thì lấy ra dùng. Như công viên Cầu Giấy, chúng ta đã chắt chiu được công viên, hồ nước, nhưng sau một đêm đã tính làm bãi xe ngầm ở đó rồi. Hay như không gian trong khu đô thị Ciputra, theo quy hoạch là để xây công trình công cộng, nhưng công viên của chúng ta luôn nằm trong tình trạng "bất an". Quy hoạch luôn điều chỉnh, mà sự điều chỉnh chỉ hướng đến lợi ích kinh tế chứ không hướng đến lợi ích cộng đồng.
“Tư duy 1m2 bất động sản, khi đưa lên bàn cân kinh tế, không bao giờ có sự phát triển không gian xanh. Đến cả rừng phòng hộ, còn nhảy lên xây dựng, để thấy nhu cầu của con người vô cùng lớn, trong khi đó nhu cầu của xã hội hạ thấp đi”, ông Tùng nhận định.
Một vấn đề mà ông Tùng kỳ vọng là nếu các nhà đầu tư tư nhân là đơn vị triển khai các không gian cây xanh mặt nước thì cần có sự hỗ trợ của Nhà nước bằng kỹ thuật, công nghệ và quản trị. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần có những hội thảo để đánh giá về tầm quan trọng của không gian công cộng đóng góp cho con người, cho xã hội như thế nào.
Để biến mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới và 7 khu công viên đặc thù trở thành hiện thực, theo ông Tùng, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, các nhà đầu tư, các chuyên gia tư vấn phản biện.