Aa

Nghệ An: Đi tìm sự thật mang tên “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” của Lâm trường Đồng Hợp

Thứ Ba, 30/11/2021 - 13:50

Việc UBND tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp tồn tại những khoảng trống pháp lý khó hiểu, làm nảy sinh tranh chấp chưa có hồi kết giữa người dân và doanh nghiệp.

Cấp Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất chồng lấn lên đất khai hoang của người dân?

Thời gian qua, hàng chục hộ dân xóm Long Thành, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đã ký đơn tập thể gửi cơ quan có thẩm quyền, đề nghị làm rõ việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp – diện tích đất rừng đang có tranh chấp với các hộ dân…

Theo phản ánh của người dân, năm 1980, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc di dân đi làm kinh tế, nhiều hộ dân tại xã Quỳnh Liên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã xung phong lên xã miền núi Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An khai phá vùng đất hoang vu này.

Ông Phạm Văn Quý (hơn 60 tuổi) vẫn nhớ như in những khó khăn, vất vả khi đặt những bước chân đầu tiên đến chốn “rừng thiêng, nước độc” từ những năm 80 của thế kỷ trước.

“Lúc đó, xóm Long Thành không một bóng người. Chúng tôi cứ ngỡ rằng sẽ không thể bám trụ lâu dài ở xứ sở xa lạ này. Nhưng rồi, “có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”. Sống giữa bộn bề khó khăn, người dân càng đùm bọc nhau, san sẻ từng bữa ăn, miếng nước. Chúng tôi khai hoang, lập làng và coi nơi này là quê hương thứ hai của mình. Thế hệ này đến thế hệ khác cứ thế thế nương tựa nhau mà sống, tạo lập cơ nghiệp”, ông Phạm Văn Quý, một người dân xóm Long Thành cho biết.

Ông Quý nói thêm: “Những khó khăn, thử thách, chông gai và cả những cạm bẫy đủ để người yếu bóng vía chùn bước nếu không có nghị lực và lòng can đảm”.

Thế rồi, hưởng ứng chủ trương của Trung ương về việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, từ năm 1993 – 1997 chính quyền tỉnh Nghệ An đã giao cho Công ty TNHH MTV Lâm – Nông nghiệp Sông Hiếu (gọi tắt là Công ty Sông Hiếu) xuống từng hộ dân vận động trồng rừng trên chính mảnh đất được cho là của các hộ dân khai hoang từ những năm 1980. Theo đó, hai bên ký hợp đồng liên doanh ăn chia theo tỷ lệ 49% (người dân hưởng) và 51% (thuộc về lâm trường). Tỷ lệ ăn chia có sự thay đổi theo chu kỳ sản xuất.

Tuy nhiên, mâu thuẫn trở nên gay gắt khi người dân biết được thông tin, năm 2003, UBND tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp với diện tích 728ha tại xã Tam Hợp trong đó bao gồm cả diện tích đất khai hoang của người dân xóm Long Thành từ năm 1980.

Ông Phạm Văn Quý, người dân xóm Long Thành.

Anh Hồ Văn Thắng (36 tuổi, xóm Long Thành) cho rằng, việc xác định diện tích đất thuộc sở hữu của Lâm trường Đồng Hợp tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho đơn vị này năm 2003 là không phù hợp và không đúng quy định của pháp luật: “Diện tích đất đang tranh chấp với Lâm trường Đồng hợp là của người dân khai hoang, nhưng chính quyền địa phương cho rằng, đây là đất của Lâm trường đã được giao quản lý và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên người dân không có quyền can thiệp. Điều này là không hợp lý bởi, từ khi người dân đặt chân lên mảnh đất này không hề có bóng dáng của cán bộ quản lý Lâm trường. Mãi đến năm 1993, khi hai bên hợp tác sản xuất (người dân và Lâm trường) và ăn chia theo tỷ lệ) thì dân mới biết sự có mặt của lâm trường”.

Ông Thắng cũng cho rằng, cần xem xét lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Lâm trường Đồng Hợp: “Đây là đất của người dân khai hoang, sinh sống, sản xuất ổn định từ năm 1980 đến trước khi Lâm trường Đồng Hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc cấp sổ đỏ này có dấu hiệu không minh bạch, không đúng thực tế và không đúng theo quy định của Luật Đất đai".

Mặc dù từ xã đến tỉnh đã có nhiều văn bản trả lời công dân về việc xác định nguồn gốc đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định loại đất cụ thể tại khu vực do Lâm trường Đồng Hợp quản lý nhưng người dân vẫn không đồng tình với cách giải quyết của chính quyền địa phương. Người dân cũng cho rằng, diện tích đất đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm Trường Đồng Hợp là do họ khai hoang.

Những điều khó hiểu khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp

Hồ sơ phóng viên có được cho thấy, Lâm trường Đồng Hợp là đơn vị con thuộc Công ty Sông Hiếu. Việc sử dụng đất của Lâm trường Đồng Hợp thuộc Công ty Sông Hiếu, đã được quy hoạch giao quản lý rừng và đất từ năm 1965 đến nay là liên tục. Do đó, nhiều người dân xóm Long Thành, xã Tam hợp đang sử dụng trong phạm vi đất của lâm trường được giao quản lý là thuộc quyền quản lý, sử dụng đất của Lâm trường Đồng Hợp.

Năm 2003, Lâm trường Đồng Hợp được UBND tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định số 694/QĐ-UBND.ĐC ngày 29/8/2003; trong đó, tại xã Tam Hợp huyện Quỳ Hợp là 728ha và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số phát hành X327472. Riêng xóm Long Thành, diện tích đất thuộc quản lý của Lâm trường Đồng Hợp là hơn 140ha. Diện tích đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp, bao trùm lên toàn bộ diện tích đất (đất ở, đất sản xuất, đất khai hoang, đất ao, hồ).

Liên quan tới những nội dung khiếu nại của người dân xung quanh việc xác định nguồn gốc sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 2746/STNMT-QLĐĐ báo cáo UBND tỉnh và trả lời những phản ánh, kiến nghị của người dân. Theo đó, đơn vị này cho rằng, các nội dung mà người dân xóm Long Thành phản ánh, kiến nghị là không có cơ sở.

Nhiều người dân xóm Long Thành đưa ra năm căn cứ cho rằng, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp tồn tại những vấn đề pháp lý cực kỳ khó hiểu khiến vụ việc tranh chấp đất đai tồn tại qua nhiều năm vẫn chưa được giải quyết triệt để, cụ thể:

Thứ nhất, về căn cứ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp, cơ quan có thẩm quyền cho rằng, việc cấp này được thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai. Thế nhưng, tại thông báo số 553/TB-UBND của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ngày 4/10/2021, thì cơ quan được giao trách nhiệm lại thừa nhận rằng “chưa rõ việc Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp là dựa vào bản đồ nào”.

Như vậy, bản đồ địa chính là một trong những giấy tờ, tài liệu đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai, nhưng việc cấp quyền sử dụng đất cho Lâm trường mà chưa rõ dựa vào bản đồ gì thì lấy căn cứ nào (hiện trạng khu đất) để cấp sổ đỏ? Mặt khác Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Lâm trường Đồng Hợp được cấp năm 2003 không ghi đầy đủ thông tin (bỏ trống phần vào sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

lâm trường đồng hợp
Ông Hồ Ngọc Vui (79 tuổi) chỉ tay vào phần đất được cho là của người dân khai hoang.

Thứ hai, về diện tích đất khai hoang của người dân. Sau khi Lâm trường Đồng Hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì UBND tỉnh Nghệ An lại ban hành hàng loạt quyết định thu hồi một phần diện tích đã cấp cho đơn vị này để giao lại cho địa phương quản lý.

Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ: “Trên thực tế có một phần diện tích (đất) đã được các xã và nhân dân các xã (trong đó có nhân dân xã Tam Hợp, xã Đồng Hợp) quản lý, sử dụng, ổn định lâu năm. Từ năm 2004 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 9 quyết định thu hồi đất trước đây đã giao cho Lâm trường Đồng Hợp”. Ngoài ra, theo hồ sơ phóng viên có được, trong tổng diện tích đất giao cho lâm trường quản lý có phần diện tích đất khai hoang của người dân xóm Long Thành. 

Điều này cũng đặt ra câu hỏi: Trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp, cơ quan có thẩm quyền đã không tiến hành rà soát, kiểm kê, thu hồi đất khai hoang của người dân? Trong khi đó, người dân xóm Long Thành cũng khẳng định rằng, họ không nhận được bất kỳ quyết định thu hồi đất, hỗ trợ, bồi thường đất và tài sản trên đất ở phần diện tích đất khai hoang bỗng dưng “sáp nhập” vào đất của Lâm trường Đồng Hợp. Như vậy, việc thực hiện quy trình, thủ tục liên quan tới cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp có đúng quy định pháp luật? Việc cơ quan có thẩm quyền ban hành 9 quyết định thu hồi đất trước đây đã giao cho Lâm trường có phải là sửa sai cho việc Cấp sổ đỏ cho đơn vị này?

Thứ ba, tại Thông báo số 553/TB-UBND của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ: Diện tích đất thu hồi của Lâm trường trả về cho địa phương quản lý (sau khi đã cấp sổ đỏ cho Lâm trường Đồng Hợp - PV) không được đo đạc bản đồ địa chính mà chỉ dựa vào kết quả rà soát của các Lâm trường (không có bản đồ giấy và bản đồ thu hồi đất)… Như vậy, nếu việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm Trường Đồng Hợp chưa rõ dựa vào bản đồ nào thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào đâu để trả lại đất cho địa phương quản lý? Hay nói cách khác, nếu việc cấp đất cho Lâm trường Đồng Hợp đúng thì tại sao cơ quan có thẩm quyền lại ban hành nhiều quyết định thu hồi đất sau khi đã cấp sổ đỏ? 

Thứ tư, về việc quản lý, sử dụng đất của Lâm trường Đồng Hợp (trước đó là Công ty Sông Hiếu). Tại một số văn bản trả lời công dân, cơ quan có thẩm quyền tỉnh Nghệ An khẳng định, việc sử dụng đất của Lâm trường đồng Hợp thuộc Công ty Sông Hiếu đã được quy hoạch giao quản lý rừng và đất rừng từ năm 1965 đến nay là liên tục. Câu hỏi đặt ra là, từ năm 1965 đến nay, đơn vị được giao đất trồng cây gì, cách thức tổ chức sản xuất ra sao, làm mô hình gì trên diện tích đất được giao quản lý nói chung và xóm Long Thành nói riêng?

Về việc này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh này có ý kiến như sau, vì Sở không quản lý trực tiếp do đó không có đủ cơ sở dữ liệu để trả lời ý kiến công dân về thông tin quá trình sản xuất kinh doanh của Lâm trường Đồng Hợp trên địa bàn xóm Long Thành. Nguyên nhân là do Công ty Sông Hiếu (đơn vị quản lý trực tiếp Lâm trường Đồng Hợp) từ khi thành lập cho đến nay trải qua nhiều lần thay tên và chuyển đổi cơ quan quản lý…

Trong văn bản trả lời của một số cơ quan chức năng thuộc tỉnh Nghệ An cũng không không hề đề cập cụ thể đến quá trình sử dụng đất, quá trình tổ chức hoạt động sản xuất của Lâm trường Đồng Hợp, Công ty Sông Hiếu liên tục như thế nào?

Mặt khác, đơn vị được giao quản lý, tổ chức sản xuất lấy căn cứ nào để chứng minh rằng, họ đã thực hiện trách nhiệm được giao (sử dụng đất liên tục, thực hiện kế hoạch sản xuất...) khi mà  ngay cả cơ quan có thẩm quyền cũng không biết rõ việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp là dựa vào bản đồ nào? Hay nói cách khác, trong khoảng thời gian từ 1965 đến khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích đất thuộc Lâm trường Đồng Hợp nằm ở vị trí nào, thể hiện ở bản đồ nào?

Như vậy, câu hỏi đặt ra là, có đủ căn cứ nào để khẳng định diện tích đất nói trên được Công ty Sông Hiếu, Lâm trường Đồng Hợp sử quản lý, sử dụng rừng liên tục từ 1965 đến nay?

Hiện trạng khu vực đang có tranh chấp.

Thứ năm, về nguồn gốc đất khai hoang. Tại biểu số 5, Công văn số 102 của UBND xã Tam Hợp ngày 05/11/2020 về việc báo cáo giải trình và cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan cho Tổ công tác liên ngành có nêu, rất nhiều diện tích đất của các hộ dân có nguồn gốc là đất tự khai hoang năm 1980, với diện tích hàng chục ha, đến năm 2010 hợp đồng trồng rừng liên doanh 49/51 với Lâm trường Đồng Hợp.

Như vậy, phần diện tích đất mà người dân xóm Long Thành, xã Tam Hợp đang sử dụng có nguồn gốc là đất tự khai hoang, nhưng được cơ quan có thẩm quyền Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp chồng lấn lên. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành quyết định giao lại diện tích đất trên cho người dân.

Trao đổi về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất và tính pháp lý của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Lâm trường Đồng Hợp, ông Lê Sỹ Hào, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Quỳ Hợp cho biết: “Việc cấp giấy chứng nhận cho Lâm trường Đồng Hợp là do UBND tỉnh Nghệ An cấp. Còn vấn đề xác minh nguồn gốc đất là do UBND xã Tam Hợp, nên tôi không trả lời về vấn đề này".

Luật sư nói gì?

Người dân xóm Long Thành cho rằng, việc UBND tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp chồng lấn lên diện tích đất của người dân đang sử dụng nhưng ban hành quyết định thu hồi, bồi thường là không đúng quy định.

Trả lời công dân về vấn đề này, tại văn bản số 252/TB-UBND ngày 12/9/2019 UBND huyện Quỳ Hợp khẳng định, Diện tích đất của Lâm tường Đồng Hợp là diện tích đất của Công ty Sông Hiếu được nhà nước giao từ năm 1965. Năm 2003, khi lập lại hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật đất đai năm 1993 cho Lâm trường Đồng Hợp thì nhà nước chưa có chủ trương rà soát những diện tích đất mà nhân dân đã sử dụng của Lâm trường để xử lý (thu hồi giao cho địa phương quản lý.

Về việc này Luật sư Lê Phượng (Giám đốc Công ty Luật Lê Phượng Hoàng) cho rằng, giải đáp này chưa đủ thuyết phục: "Khoản 2, Điều 14, Luật Đất đai năm 1993 quy định: "Uỷ ban nhân dân chỉ đạo cơ quan quản lý đất đai trực thuộc và Uỷ ban nhân dân cấp dưới quản lý theo dõi sự biến động về diện tích, loại đất, người sử dụng đất, kịp thời chỉnh lý các tài liệu về đất đai cho phù hợp với hiện trạng sử dụng đất ở địa phương mình".

Như vậy, trong quá trình quản lý hành chính nhà nước về đất đai và khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp cơ quan có thẩm quyền phải rà soát lại nguồn gốc, diện tích đất, các biến động trong quản lý, sử dụng đất, người đang trực tiếp quản lý, sử dụng đất ổn định để ban hành các quyết định hành chính phù hợp với hiện trạng sử dụng đất tại địa phương. Việc cơ quan có thẩm quyền cho rằng, "nhà nước chưa có chủ trương rà soát những diện tích đất mà nhân dân đã sử dụng" là không phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 1993".

luật sư
Luật sư Lê Phượng, Giám đốc Công ty Luật Lê Phượng Hoàng.

Cũng theo Luật sư Phượng, phía cơ quan có thẩm quyền cho rằng, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường không dựa vào bản đồ nào nhưng lại đưa ra nhận định nhiều người dân xóm Long Thành, xã Tam hợp đang sử dụng trong phạm vi đất của lâm trường được giao quản lý là đang tồn tại nhiều mâu thuẫn.

"Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp chưa biết dựa vào bản đồ nào nhưng cơ quan có thẩm quyền lại khẳng định diện tích đất của người dân đang sử dụng là đất của Lâm trường là kết luận vội vàng." Ngoài ra, nếu như diện tích đất mà người dân khai hoang sử dụng thuộc một phần diện tích đất có trong bản đồ giao đất cho Công ty Sông Hiếu và Lâm trường Đồng Hợp thì vấn đề cần làm rõ là, từ khi được giao đất, Công ty Sông Hiếu (sau này là Lâm trường Đồng Hợp) quản lý, sử dụng đất này như thế nào? Cơ quan được giao quản lý đất có khai thác, sử dụng đất liên tục không? Doanh nghiệp có tạo ra nguồn thu và tạo việc làm cho người dân trên diện tích đất được giao hay để hoang hóa và nhà nước phải vận động người dân đến khai hoang?

Xuyên suốt trong các chính sách đất đai từ trước đến nay nhà nước luôn khuyến khích người dân khai hoang, phục hóa, đưa đất vào sử dụng hiệu quả. Do đó, khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cần thiết phải xem xét, đánh giá vai trò và quyền lợi của người dân khai hoang đất đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân", Luật sư Phượng nói.

Từ những phân tích trên, Luật sư Phượng cho rằng, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp trên diện tích đất người dân khai hoang mà chưa làm rõ về nguồn gốc đất, biến động về quyền sử dụng đất, về quyền lợi của người khai hoang đang trực tiếp quản lý sử dụng đất là chưa phù hợp với quy định của Luật đất đai./.

Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan có thẩm quyền tỉnh Nghệ An giải quyết.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top