Aa

Dịch bệnh do virus Corona gây ra tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?

Thứ Sáu, 07/02/2020 - 10:42

Trên cơ sở dữ liệu của tháng 1/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những tính toán dự kiến mức độ tác động của dịch bệnh do virus Corona gây ra đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị và phối hợp với các Bộ, ngành tổng hợp thông tin, số liệu để xây dựng báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (dịch nCoV) tới tăng trưởng kinh tế.

Về kịch bản phát triển kinh tế - xã hội mới do ảnh hưởng của dịch nCoV, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, từ năm 2016 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải xây dựng một kịch bản tăng trưởng kinh tế để phục vụ cho công tác điều hành, can thiệp chính sách…

Kịch bản tăng trưởng GDP là kịch bản dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế theo quý, 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm… Trong trường hợp các điều kiện tốt hơn thì tốc độ tăng trưởng cao hơn. Trong điều kiện có những tác động tiêu cực thì tốc độ tăng trưởng có thể sẽ thấp hơn. Tùy theo các cấp độ cập nhật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu, kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ những giải pháp thích hợp theo từng điều kiện để cố gắng phấn đấu thực hiện được kịch bản đã đề ra.

Kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 theo Nghị quyết 01/NQ-CP

Trên cơ sở dữ liệu của tháng 1/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những tính toán dự kiến mức độ tác động của dịch bệnh do virus corona gây ra đối với tăng trưởng kinh tế. Và theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh do virus corona gây ra đối với tăng trưởng kinh tế là rất nghiêm trọng. 

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong 2020.

Ở kịch bản 1, nếu dịch bệnh được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27%, thấp hơn 0,53% so với Nghị quyết 01/NQ-CP. Trong đó, quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%.

Ở kịch bản 2, nếu dịch bệnh không được khống chế kịp thời và kéo dài sang quý II/2020 thì tăng trưởng GDP ước tính sẽ đạt 6,09% so với năm trước - thấp hơn 0,71% so với Nghị quyết 01/NQ-CP. Trong đó, GDP quý I tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đây chỉ là con số ước tính, dự báo, còn thực tế tùy thuộc vào dịch được kiểm soát ở thời điểm nào cũng như những chính sách, tác động, sự điều hành của Chính phủ đối với nền kinh tế. 

"Đây cũng là phương án để theo dõi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thường xuyên cập nhật thông tin, rà soát phương án kịch bản để báo cáo kịp thời Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Về chỉ số giá tiêu dùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh có thể làm tăng giá thuốc y tế, giá điện sinh hoạt. Tuy nhiên, giá thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà, thịt bò, rau xanh; giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình; giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí có thể sẽ giảm trong ngắn hạn do nhu cầu giảm. 

Trường hợp dịch virus corona kết thúc ở quý I/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng giá các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ sẽ tăng cao hơn ở quý II. Trong trường hợp dịch diễn biến sang quý II, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống sẽ tăng cao hơn do hoạt động sản xuất giảm sút và tăng vào các tháng cuối năm.

Theo kịch bản 1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 3,96%. Theo kịch bản 2, cơ quan này dự báo CPI tăng 4,86%.

Ngoài ra, về gói hỗ trợ kinh tế trong trường hợp dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp đến quý II/2020, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, đây là một trong những chính sách để khắc phục tác động của dịch cúm đến tăng trưởng. Trong kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 2 nhóm giải pháp. Một là, trong giai đoạn phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, các Bộ, ngành và địa phương cần chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm túc các biện pháp, chủ động phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan rộng và tiến tới dập dịch thành công theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Đồng thời, chú trọng truyền thông, khuyến cáo cách phòng, chống dịch bệnh nhằm nâng cao hiểu biết, ổn định tâm lý của người dân. Đấu tranh quyết liệt với những thông tin thất thiệt, thiếu chính xác, nhất là trên môi trường mạng để củng cố niềm tin, tạo đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng lòng, tham gia phòng, chống, kiểm soát thành công dịch bệnh.

Hai là, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị nhóm giải pháp tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, ổn định giá cả hàng hóa, ổn định đời sống Nhân dân và thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các gói hỗ trợ cũng là những phương án cần phải tính đến, tuy nhiên còn tùy thuộc vào một số yếu tố như: nguồn lực, đối tượng hỗ trợ. Trước mắt, có một số đối tượng đang chịu thiệt hại như người nông dân trồng thanh long, dưa hấu… Do vậy, cũng giống như hỗ trợ đối với dịch tả lợn châu Phi, cần có những tính toán cụ thể về đối tượng, mức độ và phương thức hỗ trợ. Đây là những dự kiến trong gói giải pháp sau khi dịch bệnh đi qua và khẩn trương phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đánh giá về dịch bệnh do virus Corona gây ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ xác định, việc chống dịch nCoV là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay nhưng chúng ta tuyệt đối không được lơ là việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra; phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển. Đồng thời, sau khi kiểm soát, dập dịch thành công phải tập trung để khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, giá cả hàng hóa, đời sống Nhân dân và thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top