Aa

Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Chủ Nhật, 05/09/2021 - 11:07

Tính chung 8 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 244.900 tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 48% và tăng 28%).

Tổng cục Thống kê cho biết các biện pháp giãn cách xã hội để kiểm soát, khống chế sự lây lan của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc thực hiện các dự án đầu tư công.

Theo đó, tháng 8/2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tính đạt 34.900 tỷ đồng, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước và giảm 7,1% so với tháng trước.

Tính chung 8 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 244.900 tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 48% và tăng 28%). Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 41.600 tỷ đồng, bằng 49,6% kế hoạch năm và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 203.300 tỷ đồng, bằng 51,5% kế hoạch năm và giảm 1,6%.

Dự án cầu Thủ Thiêm có vốn đầu tư 3.082 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức Hợp đồng BT, dự kiến hoàn thành vào Quý 2/2022
Dự án cầu Thủ Thiêm có vốn đầu tư 3.082 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức Hợp đồng BT, dự kiến hoàn thành vào quý 2/2022. (Ảnh: Trung Tuyến/TTXVN)

Về địa phương, Hà Nội đạt 27.462 tỷ đồng, bằng 54% kế hoạch năm và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; Thành phố Hồ Chí Minh đạt 13.267 tỷ đồng, bằng 37,1% và giảm 27,4%; Quảng Ninh 11.695 tỷ đồng, bằng 66,1% và tăng 22,2% và Thanh Hóa 6.504 tỷ đồng, bằng 63,1% và tăng 2,3%...

Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra, nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ngân sách Nhà nước là do việc triển khai phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương còn thiếu thống nhất, có nơi ban hành quy định cứng nhắc làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng, chậm tiến độ triển khai dự án.

Một số bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những nơi không thực hiện giãn cách xã hội thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân.

Bên cạnh đó, công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, do liên tục tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về phòng chống dịch bệnh, ít dự án có đủ điều kiện "3 tại chỗ" được tiếp tục thi công, các dự án gặp nhiều khó khăn, hầu hết tạm ngưng hoặc thi công cầm chừng như dự án cầu Thủ Thiêm 2, cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới, dự án xây dựng hầm chui đường Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7)… Bên cạnh đó, giá vật tư xây dựng tăng, việc đấu thầu, chọn thầu chậm trễ, một số nhà sản xuất bêtông tạm ngưng hoạt động, ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu cho các công trình.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 biến phức tạp làm suy giảm các động lực tăng trưởng từ các nguồn vốn khác, tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần nhận diện đúng và xử lý kịp thời các điểm nghẽn trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Nhằm nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.

Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương cần đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công; kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra; kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top