Năm 2019 được coi là năm bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung hoàn thiện thể chế, triển khai thử nghiệm và đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử.
Các cơ quan chính phủ, địa phương tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh...
Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến hoàn chỉnh được xem là khâu quan trọng trong chương trình cải cách hành chính làm nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử.
Cùng vào cuộc
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết khi xây dựng các hệ thống chính phủ điện tử Việt Nam, cần tuân theo 4 nguyên tắc: thứ nhất là tương thích liên thông, thứ hai là có khả năng mở rộng, thứ ba là không trùng lắp tránh lãng phí và cuối cùng là vấn đề đảm bảo an toàn an ninh.
Mặt khác, khi xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, các bộ ngành, địa phương cần đặt lên hàng đầu mục tiêu "sử dụng dịch vụ công một cách thuận lợi."
Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp các sở, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực thuận tiện hơn. Do đó, tất cả các dịch vụ công đều hướng đến việc phục vụ người dân, việc thiết kế dịch vụ công phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nội dung hiển thị phải dễ hiểu, dễ dùng, thuận tiện.
Sau hơn 3 tháng triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP, về một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2010, định hướng đến 2025, việc xây dựng Chính phủ điện tử tại các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử từng bước được hoàn thiện; tháo gỡ được cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin; các hệ thống thông tin quan trọng được nghiên cứu, xây dựng khẩn trương.
Có 10/16 nhiệm vụ được giao đã cơ bản hoàn thành, trong đó một số hệ thống có ý nghĩa trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử đã được vận hành được như: trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước, thiết lập hệ thống thông tin phục vụ họp, xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), một số nội dung lớn của Cổng Dịch vụ công quốc gia đang được tiếp tục hoàn thiện...
Đã có 100% các bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; 100% các bộ, ngành và 32/63 địa phương ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP.
Các bộ, ngành, địa phương cũng đang nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh…
Các bộ, ngành, địa phương đang triển khai nâng cấp hệ thống này, trong đó có một số đơn vị đã hoàn thành hoặc đang thử nghiệm như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, các tỉnh Quảng Ninh, Đồng Nai, Tây Ninh...
Bộ Công Thương là đơn vị có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin năm 2018 (của Bộ Thông tin và Truyền thông). Trong 5 tháng đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã xử lý hơn 672.800 bộ hồ sơ điện tử qua các cổng dịch vụ công trực tuyến (tương đương 99% tỷ lệ hồ sở xử lý); kết nối 11 dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết hiện nay, tất cả 292 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên. Đã có gần 3.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương.
Theo báo cáo đánh giá Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, năm 2018, Việt Nam xếp vị trí thứ 88/193 quốc gia, tăng 1 bậc so với năm 2017.
Để đạt được kết quả này, nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử, giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý Nhà nước.
Tại Thừa Thiên - Huế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết công việc tại các cơ quan Nhà nước không chỉ giúp hiện đại hoá cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, mà còn tạo điều kiện nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ cho người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh đã hình thành cơ bản các hệ thống thiết yếu phục vụ cho việc vận hành chính quyền điện tử, triển khai hệ thống phần mềm dùng chung, đặc biệt là hệ thống một cửa.
Tỉnh cũng chuyển đổi thành công mô hình phân tán qua mô hình tập trung về dịch vụ hành chính công. Thông qua đó, từ tỉnh đến xã đã triển khai được hệ thống thông tin dịch vụ công xuyên suốt, thống nhất, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân tham gia sử dụng dịch vụ hành chính công...
Kinh nghiệm từ Quảng Ninh
Là địa phương nhiều năm đứng trong nhóm 10 các địa phương xếp hạng cao trong Báo cáo chỉ số công nghệ thông tin và truyền thông, tỉnh Quảng Ninh có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng chính quyền điện tử cũng như khuyến khích sự tham gia sử dụng của người dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Đặng Duy Hậu chia sẻ sau 5 năm triển khai chính quyền điện tử, hệ thống công nghệ thông tin của tỉnh Quảng Ninh đã đáp ứng được nhu cầu điều hành của bộ máy và giao dịch dân sự giữa người dân với chính quyền hết sức bài bản.
Trong quá trình thực hiện Đề án xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh Quảng Ninh đã tạo được môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp, qua đó tiết kiệm được thời gian, chi phí, từng bước nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Quảng Ninh đang là tỉnh tiên phong đi đầu trong cả nước trong việc giải quyết văn bản liên thông 4 cấp từ Chính phủ đến cấp xã.
Việc giải quyết các thủ tục hành chính tại các trung tâm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay theo phương châm 4 tại chỗ tức là việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả đều tiến hành tại trung tâm.
Ngoài ra, việc cải cách các thủ tục hành chính đã giảm 50-60% thời gian để giải quyết, công khai minh bạch toàn bộ các thủ tục hành chính; đảm bảo nhanh gọn để không còn tình trạng nhũng nhiễu hoặc tiêu cực trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính từ cấp xã đến cấp tỉnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết tỉnh tăng cường công tác giám sát, kiểm tra đặc biệt là kiểm tra đột xuất không báo trước; rút kinh nghiệm theo từng quý để tìm ra cách vận hành hệ thống điện tử một cách tốt nhất.
Hoàn thiện hệ thống dịch vụ công là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đơn vị công nghệ thông tin, điều quan trọng nhất là khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ công. Về việc này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu khẳng định: "Việc làm này phải hết sức kiên trì."
Điều đầu tiên là các cơ quan chức năng phải thường xuyên bồi dưỡng nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin trong đội ngũ cán bộ công chức và người dân; giúp người dân nắm rõ sự tiện lợi khi thao tác tốt công nghệ thông tin sẽ giúp giản tiện rất nhiều thời gian, công sức...
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó nhấn mạnh để thành công, lãnh đạo tỉnh phải có quyết tâm và tạo được sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị.
Ngoài ra, các địa phương cần triển khai đồng bộ hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến có hiệu quả, gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã để tập trung, thống nhất việc giải quyết thủ tục hành chính.
Tiếp đến, việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông hiện đại phải đi trước một bước; tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức toàn thể cán bộ công chức, doanh nghiệp và người dân.
Việc phát triển nhân lực cả về cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật vận hành, cán bộ công chức trực tiếp phục vụ người dân tại các Trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đạị cần được quan tâm đào tạo, tập huấn và phát triển./.