Năm 2017, thị trường bất động sản Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực về cả số lượng và chất lượng. Tại TP. Hà Nội, bên cạnh những dự án chung cư mới được triển khai, nhiều dự án đình trệ trước đó được khởi động trở lại.
Tuy nhiên, nhiều dự án chung cư đã “chết yểu” do chủ đầu tư hết tiền, vướng vào lao lý... Và hàng nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi những “điểm đen” bất động sản này vẫn mòn mỏi đòi quyền lợi chính đáng.
Nằm trong chuỗi bài tổng kết về thị trường bất động sản năm 2017, Reatimes xin điểm lại 5 dự án chung cư đang là “nghĩa địa” của thị trường bất động sản Hà Nội:
1. Dự án USilk City
Dự án Khu đô thị Văn Khê mở rộng - Usilk City (Hà Đông, Hà Nội) gồm 4 cụm công trình từ CT1 - CT4 với 9 khối nhà 25-50 tầng. Dự án có khoảng 2.800 căn hộ chung cư cao cấp, kèm theo hệ thống công trình dịch vụ công cộng, tiện ích xanh và hiện đại với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.
Được khởi công từ năm 2008, dự án Usilk City do Công ty CP Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư. Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư đã biến dự án "đáng sống bậc nhất quận Hà Đông" thành một "nghĩa địa bất động sản" ngay giữa Hà Nội. Hàng nghìn người rơi vào cảnh khó khăn, bức xúc suốt nhiều năm qua.
Theo con số những khách hàng phản ánh, đã có hơn 2.000 người mua căn hộ tại dự án USilk City là nạn nhân của chủ đầu tư Sông Đà Thăng Long. Mặc dù, đã thu hơn 4.000 tỷ đồng nhưng điều mà Sông Đà Thăng Long làm được cho dự án này là xây dựng xong và bàn giao các tòa nhà CT1-101, 102, 103. Các tòa CT1-104, CT3-106, 107, CT4-108, 109 đang trong hiện trạng đình trệ, trơ móng, sắt thép hoen gỉ.
Cuối tháng 2/2016, UBND TP. Hà Nội giao Thanh tra thành phố thanh tra toàn diện đối với dự án Usilk City theo đề xuất của Sở Xây dựng. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, tại thời điểm đó, nhiều nhóm khách hàng mua nhà tại dự án này liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng của thành phố tố cáo Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long có các dấu hiệu vi phạm pháp luật như huy động vốn tại dự án không đúng; không sử dụng đúng mục đích số tiền huy động, tiến độ bị chậm trong nhiều năm.
Sở Xây dựng khẳng định, đây là dự án có quy mô đầu tư lớn, chủ đầu tư đã bán và thu rất nhiều tiền của khách hàng. Vì vậy, mức độ ảnh hưởng đối với xã hội là nghiêm trọng nếu chủ đầu tư không hoàn thành dự án.
Tuy nhiên, đến nay, kết luận thanh tra toàn diện dự án này vẫn chưa được công khai tới các khách hàng đang là nạn nhân khi mua căn hộ tại dự án. Cả nghìn khách hàng chót tin lời “đường mật” của Sông Đà Thăng Long đang ngậm ngùi chờ đợi cơ quan chức năng vào cuộc, bảo vệ quền lợi.
Thông tin liên quan xem: Tại đây
2. Dự án Hanoi Time Towers Văn Phú
Dự án CT10-11 (Hanoi Time Towers), thuộc Khu đô thị mới Văn Phú, (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty CP Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVCR) làm chủ đầu tư.
Theo hợp đồng góp vốn, chậm nhất cuối năm 2013, các khách hàng sẽ được Công ty PVCR bàn giao nhà nhưng nay đã hết quý IV/2017, dự án mới chỉ thi công đến tầng 8 và hiện đang “đắp chiếu” cả năm nay.
Được biết, dự án Hanoi Time Towers gồm 02 khối nhà lớn, mỗi khối cao 39 tầng, tổng cộng có 637 căn hộ và khu trung tâm thương mại. Dự án được triển khai từ tháng 10/2010.
Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2010 đến năm 2012, Công ty PVCR đã thực hiện các giao dịch liên quan đến dự án Hanoi Time Towers với khách hàng thông qua 03 hợp đồng là: hợp đồng mua bán căn hộ, hợp đồng góp vốn và thỏa thuận đặt cọc.
Theo hợp đồng góp vốn, chậm nhất đến cuối năm 2013, phía chủ đầu tư PVCR sẽ bàn giao nhà cho khách hàng. Theo hợp đồng mua bán, chậm nhất đến cuối năm 2014, khách hàng sẽ được nhận bàn giao nhà. Tổng số căn hộ chủ đầu tư đã thực hiện giao dịch là 531/639 căn, với số tiền huy động là hơn 240 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến hết quý I/2013, dự án Hanoi Times Tower vẫn chưa thi công xong phần móng; đến tháng 10/2016, dự án mới xây dựng đến sàn tầng 8 và đã tạm dừng thi công từ đó đến nay.
Theo phản ánh của khách hàng, một mặt, chủ đầu tư không thực hiện triển khai dự án, mặt khác lại liên tục gửi thông báo đề nghị khách hàng phải tiếp tục đóng tiền đợt tiếp theo của hợp đồng, nếu không sẽ bị phạt tính lãi và thực hiện các quyền của chủ đầu tư theo quy định trong hợp đồng.
Nhận thấy quyền và lợi ích của khách hàng mua nhà tại dự án Hanoi Times Tower đã bị Công ty PVCR xâm phạm nghiêm trọng, nhóm khách hàng viết đơn kêu cứu khẩn thiết gửi đến các cơ quan có thẩm quyền như Thanh tra Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội, Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hà Nội đề nghị làm rõ các sai phạm của Công ty PVCR như: Huy động vốn trái phép, vi phạm về việc sử dụng vốn ứng trước từ khách hàng không đúng mục đích, quản lý tài chính theo quy định của pháp luật của Công ty PVCR tại dự án tại dự án Hanoi Time Towers.
3. Dự án B5 Cầu Diễn
Dự án B5 Cầu Diễn thuộc Phường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một phần trong tổng thể quy hoạch Khu đô thị Thành phố Giao lưu. Dự án được thiết kế với 6 tòa nhà hiện đại, trên 40 tầng với số lượng gần 2.000 căn hộ… Dự án được thông báo triển khai từ năm 2008 nhưng đến nay, vẫn là “điểm đen” trên thị trường bất động sản.
Ngày 1/7/2015, bà Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group), đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội bị bắt về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng mua nhà tại dự án B5 Cầu Diễn. Theo cáo trạng của VKSNDTC, Housing Group được thành lập năm 2000 do bà Châu Thị Thu Nga sở hữu 100% cổ phần, một số cá nhân khác được bà Nga nhờ đứng tên cổ phần để công ty này hoạt động như công ty cổ phần. Mọi hoạt động của Housing Group do bà Nga quyết định.
Kết luận của cơ quan Công an xác định, mặc dù biết dự án chưa được phê duyệt quy hoạch điều chỉnh và chưa được cấp giấy phép xây dựng, chưa được phép huy động vốn của khách hàng có nhu cầu mua căn hộ tại dự án B5 Cầu Diễn, nhưng bị cáo Châu Thị Thu Nga đã chỉ đạo đưa thông tin lên cổng thông tin điện tử của công ty Housing Group là liên danh công ty Housing Group và công ty HAIC là chủ đầu tư dự án B5 Cầu Diễn.
Tất cả thông tin đưa lên cổng thông tin điện tử là sai sự thật về thực trạng pháp lý, tiến độ của dự án, thuê lập mô hình theo quy hoạch điều chỉnh chưa được phê duyệt. Ngoài ra, chủ đầu tư còn cho thi công cọc khoan nhồi tại khu đất dự án B5 Cầu Diễn để khách hàng tin tưởng nộp tiền mua căn hộ trong tương lai.
Với thủ đoạn nêu trên, trong thời gian từ ngày 9/1/2009 đến ngày 30/7/2013, bà Châu Thị Thu Nga và cộng sự tại Housing Group đã ký 752 hợp đồng góp vốn, thu hơn 377 tỷ đồng của khách và cam kết sẽ chuyển nhượng quyền sử dụng đất 752 căn hộ từ tầng 2 đến tầng 33 của các tòa nhà trong dự án. Châu Thị Thu Nga đã chiếm đoạt và sử dụng hết, đến nay không còn khả năng chi trả cho khách hàng.
Cũng theo kết luân của cơ quan điều tra, hành vi của bà Châu Thị Thu Nga đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 7/1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Nga.
Ngày 16/10 vừa qua, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Châu Thị Thu Nga án tù chung thân.
Hiện nay, tại dự án không có bất cứ động thái xây dựng nào đang được thực hiện. UBND phường Phú Diễn cũng chỉ đạo cán bộ phường, tổ dân phố thường xuyên kiểm tra, giám sát nếu có vi phạm về xây dựng phải lập hồ sơ xử lý theo quy định, bất kể phát sinh mới nào đều phải cưỡng chế, phá dỡ ngay. UBND phường đã 2 lần thành lập đoàn cưỡng chế việc dựng lán, mái tôn vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017.
Thông tin liên quan xem: Tại đây
4. Dự án Sky View Trần Thái Tông
Nằm trong chuỗi Sky View của Tập đoàn Trí Tuệ Việt, dự án Sky View Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) được xây dựng trên diện tích 3.203m2, có quy mô xây dựng gồm 21 tầng nổi, 3 tầng hầm, bao gồm 6 tầng trung tâm thương mại, văn phòng, 14 tầng căn hộ cao cấp và tầng penthouse. Dự án do Công ty TNHH Phú Mỹ An làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư của dự án là 1.000 tỷ đồng.
Dự kiến, dự án sẽ bàn giao nhà vào quý I/2014. Tuy nhiên, đến nay, đã chậm tiến độ hơn 3 năm, dự án vẫn chưa hoàn thiện, các hạng mục đều dang dở, trơ khung thép đã mòn rỉ sau nhiều năm "đắp chiếu”.
Gần trăm khách hàng “sống dở chết dở” vì bỏ ra hàng tỷ đồng để mua căn hộ dự án Sky View suốt 6 năm qua. Gần đây, lại như “ngồi trên đống lửa” khi bỗng nhiên dự án thay tên đổi họ và được rao bán rầm rộ trên mạng với cái tên hoàn toàn khác là Vic Tower.
Không những thế, dự án Vic Tower này được các trang tin quảng cáo "vẽ" thêm 12 tầng so với 21 tầng của dự án Sky View.
Ngoài việc hoang mang dự án bỗng được thay tên "khoác áo mới", điều khách hàng tại Sky View lo lắng hơn là sau chừng ấy năm huy động vốn, dự án chưa có giấy phép xây dựng, thậm chí chưa có văn bản chủ trương chấp nhận đầu tư của UBND TP. Hà Nội.
Thông tin liên quan xem: Tại đây
5. Dự án Sky Garden Towers Định Công
Dự án Sky Garden Towers nằm trong ngõ 115 phố Định Công, phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty TNHH Định Công làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích lên đến 7.000m2 với quy mô: 28 tầng, 1 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái, 2 tầng hầm, 360 căn hộ.
Dự án khởi công ngày 14/1/2012, dự kiến hoàn thành quý 3/2014. Thế nhưng, từ năm 2013 đến nay, dự án đã dừng thi công khi xây tới phần thô 8 tầng nổi và 2 tầng hầm.
Nguyên nhân dự án này dừng thi công nêu tại văn bản số 6015/SXD-TTr mà Sở Xây dựng Hà Nội gửi UBND TP. Hà Nội: “Theo phản ánh từ cơ sở, nguyên nhân chủ đầu tư không tiếp tục thực hiện dự án là do hiện tại cán bộ, nhân viên của Công ty và các cơ quan đơn vị không thể liên hệ được với Giám đốc Công ty TNHH Định Công”.
Sau khi kiểm tra, rà soát các dự án chậm tiến độ gây mất mỹ quan đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội cũng kiến nghị với UBND TP. Hà Nội thu hồi chứng nhận đầu tư hoặc thay đổi chủ đầu tư thực hiện dự án để dự án được tiếp tục triển khai.
Nhưng đến nay, rỉ sắt bám thành từng mảng tại các thanh sắt chờ tầng 8, các tấm che vật liệu xây dựng thì tơi tả, công trường không còn hoạt động thi công. Cỏ mọc um tùm trong khuôn viên dự án, cánh cổng đi vào công trường luôn đóng chặt./.