Aa

Điểm mặt những “đại gia” bất động sản lấn sân sang nông nghiệp

Thứ Tư, 03/04/2019 - 16:03

Dù lợi nhuận từ bất động sản nông nghiệp vẫn còn khiêm tốn so với hàng tỷ đồng đầu tư song nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn tự tin lấn sân vào nông nghiệp.

Đi đầu trong xu hướng đặt chân sang nông nghiệp, đó là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Năm 2008, nhận thấy lĩnh vực bất động sản có khả năng mang lại lợi nhuận đột biến nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và theo chu kỳ, ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) đã quyết định sang Lào, Campuchia tìm đất trồng cao su, sau đó là mía, cọ dầu và ngô. Năm 2014, bầu Đức tiếp tục bắt tay vào kế hoạch phát triển đàn bò 100.000 con.

Nhắc đến xu hướng lấn sân sang nông nghiệp, không thể không kể đến Vingroup. Năm 2015, Tập đoàn Vingroup cũng chính thức công bố gia nhập lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu VinEco. Chỉ sau 36 tháng, VinEco đã xây dựng và phát triển 14 nông trường quy mô và hiện đại bậc nhất, phân bổ rộng khắp trên toàn quốc.

VinEco, thành viên của Vingroup được thành lập với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng có mặt tại nhiều địa phương, tập trung trồng trọt, áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến để cung cấp rau quả hữu cơ và rau quả sạch cho thị trường theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Công ty áp dụng mô hình sản xuất tập trung, khép kín, sẽ cung cấp rau củ quả sạch cho người dân đồng thời nhắm đến xuất khẩu.

Hệ thống Vinmart là điểm cuối, khép kín chu trình từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển đến bán lẻ không chỉ tối ưu về giá thành mà còn đảm bảo về chất lượng cho nông sản.

Có thể nói, năm 2015 được ghi nhận là thời điểm mà ngành nông nghiêp đón nhận nhiều tên tuổi lớn gia nhập, Hòa Phát là một ví dụ. Sau khi thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát vốn điều lệ 300 tỷ đồng, doanh nghiệp đã nhập 500 con lợn giống vận chuyển bằng đường hàng không từ Đan Mạch về Việt Nam để thực hiện kế hoạch mảng chăn nuôi. 

Đầu năm 2016, tập đoàn này đã góp vốn thành lập Công ty cổ phần Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát có vốn điều lệ dự kiến 2.500 tỷ đồng. Khi đó lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng mảng thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi sẽ góp 30% vào lợi nhuận của tập đoàn.

Cuối năm 2017, Tập đoàn FLC cũng công bố thông tin về việc sẽ triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, với quỹ đất dự kiến vào khoảng 4.000 ha, cùng tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2018 - 2020 ước tính lên tới 1,5 tỷ USD.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Bước sang năm 2018, Tập đoàn T&T của bầu Hiển cũng tuyên bố tiến sâu vào lĩnh vực nông nghiệp. Hiện, doanh nghiêp này sở hữu chi phối hàng loạt thương hiệu ngành nông nghiệp như: Vigecam, Vinafor, Vegetexco, Unimex, Vinafoods... với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đầu năm 2018, doanh nghiệp ra mắt thương hiệu T.Vita - thương hiệu nông nghiệp công nghệ cao của tập đoàn này với một số sản vật như: chè Vigecam, rau muống tiến vua Vegetexco... .

Và gần đây nhất, Tập đoàn GFS - một trong những tên tuổi hàng đầu ở lĩnh vực đầu tư bất động sản tại Việt Nam cũng đã tuyên bố lấn sân sang nông nghiệp cùng hàng loạt các hoạt động như tập trung nhiều tài lực, vật lực vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao.

Theo đó, mục tiêu chiến lược mà tập đoàn này đặt ra trong 5 năm tới là sản phẩm từ khoa học, công nghệ sẽ đóng góp 70% doanh thu của Tập đoàn và 30% còn lại đến từ các dự án bất động sản và các lĩnh vực đầu tư khác.

Hiện tại, Tập đoàn GFS đã đầu tư phát triển Viện Công nghệ chuyên nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiệm vụ kết nối và tích hợp khoa học, công nghệ nhằm thực hiện các dự án nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top