Aa

Điểm nhấn kinh tế - xã hội quý I/2020 và triển vọng thời gian tới

Thứ Năm, 02/04/2020 - 05:45

Đại dịch Covid-19 tác động ngày càng sâu đậm và toàn diện đối với Việt Nam, đặc biệt là làm đứt gãy và gián đoạn chuỗi cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra của một số mặt hàng, ngành chủ lực của Việt Nam.

TÌNH HÌNH KINH TẾ THẾ GIỚI QUÝ I/2020

Điểm nhấn nổi bật trên toàn thế giới trong quý I/2020 là sự bùng phát và lan rộng nhanh chóng gây nên một loạt hệ quả nặng nề cả về con người, kinh tế và xã hội của đại dịch Covid-19 cho cả thế giới cũng như mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ...

Tính đến sáng 30/3, dịch Covid-19 đã lây lan tới 199 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 722.196 ca mắc với 33.976 trường hợp tử vong. Việt Nam ghi nhận 194 ca mắc Covid-19, trong đó 52 ca đã được chữa khỏi và ra viện, 3.215 ca nghi nhiễm và đang được theo dõi cách ly tập trung...

Trong nghiên cứu toàn diện đầu tiên của mình về tác động của dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế lớn trên thế giới, được công bố ngày 2/3/2020, trên giả định trong quý I/2020 dịch Covid-19 sẽ đạt đỉnh tại Trung Quốc và hạ nhiệt tại các nước khác, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, gồm 36 thành viên) khẳng định, nền kinh tế toàn cầu đã có nguy cơ suy thoái rõ ràng trong quý I/2020 và đã hạ 0,5 điểm phần trăm mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 xuống còn 2,4%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009. Các thị trường chứng khoán toàn cầu đã lao dốc trong tuần trước, khi giới đầu tư tìm đến trái phiếu và các kênh đầu tư an toàn khác do lo ngại chi tiêu, tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp sẽ “đóng băng” do dịch bệnh, từ đó làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp.

OECD đã hạ 0,4 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Italy, Nhật Bản, Nga; hạ 0,3 điểm phần trăm đối với các nền kinh tế Canada, Pháp, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina; hạ 1,1 điểm phần trăm của Ấn Độ; hạ 0,6 điểm phần trăm của Nam Phi và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20); hạ 0,5 điểm phần trăm của Australia và Mexico. Tăng trưởng của khu vực sử dụng đồng euro được dự đoán vẫn ảm đạm ở mức trung bình khoảng 1% trong năm 2020 và 2021…

Cũng theo OECD, tăng trưởng toàn cầu có thể phục hồi lên 3,3% trong năm 2021 và tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tăng lên 6,4%.

Nhưng nếu dịch bệnh diễn biến trầm trọng và kéo dài hơn, lan rộng ra khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Nam Mỹ, điều này sẽ làm giảm đáng kể các triển vọng của kinh tế thế giới, khi đó tăng trưởng toàn cầu có thể giảm xuống còn 1,5% năm 2020, chỉ bằng một nửa mức dự báo trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

OECD khuyến nghị chính phủ các nước "hành động nhanh chóng và quyết liệt" để vượt qua dịch bệnh và có biện pháp bảo vệ thu nhập của các nhóm và doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng. Các chính phủ có thể cấp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hay chi trả các chi phí y tế liên quan đến dịch Covid-19; đồng thời, xem xét các biện pháp giảm hay hoãn thuế, nợ; giảm chi phí năng lượng cho các doanh nghiệp ở những vùng và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, cũng như giảm tạm thời tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng.

OECD khuyến nghị chính phủ các nước "hành động nhanh chóng và quyết liệt" để vượt qua dịch bệnh và có biện pháp bảo vệ thu nhập của các nhóm và doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng. (Ảnh: Internet)

Theo một số nghiên cứu của Goldman Sachs, Moody’s, Coface, BNP Paribas Cadif, International SOS…, dịch bệnh Covid-19 có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 0,3 - 0,7 điểm phần trăm năm 2020.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự báo dịch viêm phổi có thể làm giảm 0,1 - 0,2% tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020. Trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm xuống còn 5,6%, thấp hơn 0,4% so với dự báo được IMF đưa ra trong tháng 1/2020.

Theo Báo cáo đánh giá sơ bộ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về “Covid-19 và thế giới việc làm: Tác động và giải pháp”, cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do dịch Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu, so với số lượng người thất nghiệp sẵn có là 188 triệu trong năm 2019. Hàng triệu người lao động sẽ phải rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm giờ làm và tiền lương, và rớt xuống dưới chuẩn nghèo. 

Nhóm lao động tự làm ở các nước đang phát triển, vốn thường là tấm đệm giúp làm nhẹ bớt độ xung của những tác động do những thay đổi đột ngột mang lại, thì lần này sẽ không còn tác dụng vì những hạn chế di chuyển đối với con người và hàng hóa. Giảm số lượng việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập lớn cho người lao động, ước tính con số này tương đương từ 860 tỷ USD đến 3,4 nghìn tỷ USD trong năm 2020. 

ILO ước tính, sẽ có thêm từ 8,8 đến 35 triệu người lao động rơi vào đói nghèo trên khắp thế giới, so mức ước tính trước đây cho năm 2020 (là giảm 14 triệu người). Ngoài ra, tác động của cuộc khủng hoảng việc làm tới một số nhóm lao động sẽ không đồng đều và làm gia tăng bất bình đẳng. Những người bị ảnh hưởng lớn bao gồm những người được bảo vệ ít hơn và làm những công việc được trả lương thấp, nhất là lao động trẻ và lao động cao tuổi. Phụ nữ và lao động di cư cũng thuộc nhóm này. Lao động di cư dễ bị tổn thương vì họ thường không được hưởng đầy đủ quyền lao động và an sinh xã hội. Trong khi đó, phụ nữ thường chiếm số đông trong nhóm các công việc lương thấp và các ngành kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh.

ILO ước tính, sẽ có thêm từ 8,8 đến 35 triệu người lao động rơi vào đói nghèo trên khắp thế giới. (Ảnh: Internet)

ILO cũng kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp, quyết đoán, trên diện rộng và đồng bộ ở cả ba trụ cột: bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ việc làm và thu nhập. 

Những biện pháp này bao gồm: Mở rộng an sinh xã hội, hỗ trợ khả năng giữ việc làm (như giảm thời giờ làm việc, nghỉ phép có lương và các trợ cấp khác); giảm thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; hỗ trợ cho vay và hỗ trợ tài chính đối với một số ngành kinh tế cụ thể; tăng cường đối thoại xã hội - đối thoại giữa người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện của họ; xây dựng niềm tin của công chúng và các tiêu chuẩn lao động quốc tế cập nhật…

Trước sự cấp bách tầm toàn cầu, ngày 26/3, trong tuyên bố chung của cuộc họp trực tuyến, các quốc gia G20 tuyên bố sẽ cùng đóng góp 5.000 tỷ USD cho sự ổn định và duy trì tăng trưởng chung kinh tế thế giới, trong đó sẽ phối hợp với IMF lập một quỹ tài chính lớn hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với đại dịch từ virus corona chủng mới (Covid-19).

Dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra hàng loạt vụ phá sản ở mỗi quốc gia, cũng như trên toàn cầu; kéo theo đó là việc giảm tổng cầu xã hội và gia tăng nạn thất nghiệp, gây áp lực mạnh đến công tác bảo đảm an sinh, thu nhập, việc làm theo cả quy mô quốc gia và quốc tế.

Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã tung ra các gói cứu trợ trị giá hàng tỷ USD để giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn trước mắt.

Một điểm nhấn khác của thị trường dầu mỏ thế giới quý I/2020 là sự sụt giảm sâu giá dầu mỏ quốc tế, còn khoảng 24 USD/thùng, tức thấp hơn cả mức thấp nhất của năm 2016. Đây là kết quả từ sự đổ vỡ thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu giữa OPEC và Nga, được cộng hưởng thêm sự suy giảm tổng cầu thế giới, do “đóng băng” các nền kinh tế.

Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 là một thử thách lớn và đặc biệt cho mỗi quốc gia và doanh nghiệp cũng như từng người dân. Bởi vậy, cần sự đồng lòng và hợp tác chặt chẽ của tất cả các bên có liên quan nhằm triển khai đồng bộ những biện pháp đặc biệt, vượt qua những thách thức cả về tính mạng con người, cũng như sự suy giảm cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, gắn với sự đóng băng các giao thương, tiếp xúc xã hội quốc gia và quốc tế…

Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 là một thử thách lớn và đặc biệt cho mỗi quốc gia và doanh nghiệp cũng như từng người dân. (Ảnh: Internet)

ĐIỂM NHẤN KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG NƯỚC QUÝ I/2020

Đại dịch Covid-19 có tác động ngày càng sâu đậm và toàn diện đối với Việt Nam như: học sinh nghỉ học, tạm dừng hoặc thu hẹp các hoạt động lễ hội, tụ tập đông người; sự tăng giá một số vật tư y tế; suy giảm hoạt động du lịch, vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư và cả tài chính - ngân hàng. Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) cũng giảm sút, trong khi nhiệm vụ chi đột xuất cho chống dịch bệnh này ngày càng tăng lên. Đặc biệt, làm đứt gãy và gián đoạn chuỗi cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra của một số mặt hàng, ngành chủ lực của Việt Nam đang chịu phụ thuộc cao vào thị trường bên ngoài.

Trong quý I/2020, so với cùng kỳ năm trước, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 3,82%, thấp hơn dự kiến và thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; khai thác dầu thô giảm mạnh; khu vực dịch vụ tăng 3,27%. 

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát và dịch Covid-19. So cùng thời điểm tháng 3/2019, tổng đàn trâu giảm 2% và đàn lợn giảm 17,5%. Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I/2020 đạt 811 nghìn tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng đàn bò cả nước tăng 3,6%; tổng đàn gia cầm tăng 15%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tăng 17,6% và sản lượng trứng gia cầm tăng 14,1%. Sản lượng thủy sản ước tăng 2%.

Thu ngân sách Nhà nước giảm sút, trong khi nhiệm vụ chi đột xuất cho chống dịch bệnh này ngày càng tăng lên (Ảnh: Internet)

Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong quý I/2020, cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký và giảm 23,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Có 14,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,6% so với quý I/2019. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 903,8 nghìn tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26%; doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 12,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 20,6%, trong đó có 2.629 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu từ năm 2018; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I/2020 là 4,1 nghìn doanh nghiệp, tương đương với cùng kỳ năm trước.

Số lượng du khách quốc tế giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm ở hầu hết các thị trường, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm trước tăng 1,9%), cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán giảm 65% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 23/3/2020, chỉ số VN-Index đạt 657,43 điểm, giảm 25,5% so với cuối tháng trước và giảm 31,6% so với cuối năm 2019; mức vốn hóa thị trường đạt 3.302 nghìn tỷ đồng, giảm 24,7% so với cuối năm 2019; giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay đạt 4.676 tỷ đồng/phiên, tăng 0,04% so với bình quân năm 2019. 

Trên thị trường trái phiếu, hiện có 483 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.163 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với cuối năm 2019. Trên thị trường chứng khoán phái sinh, tính chung quý I/2020, khối lượng giao dịch bình quân đạt 122.436 hợp đồng/phiên, tăng 38% so với bình quân năm trước.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý I/2020 đạt mức tăng khá 13,2% kế hoạch năm, mặc dù kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 cao hơn 18% so với năm 2019 và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 theo giá hiện hành ước tính đạt 367,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31% GDP.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,6 tỷ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó dự án mới giảm 3,4% về số dự án và tăng 44,8% về số vốn đăng ký; số vốn tăng thêm giảm 18%; vốn góp và mua cổ phần giảm 65,6%.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2020 ước tính đạt 311,3 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước ước bằng 15,9% dự toán năm.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2020 đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7%; trong đó, xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 1,9%; xuất siêu đạt 2,8 tỷ USD. Có 14 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 72,9% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhập siêu dịch vụ trong quý I/2020 là 930 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 335 triệu USD), bằng 27,8% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 và bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, CPI bình quân quý I/2020 tăng 5,56% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 3/2020 tăng 0,34% so với tháng 12/2019 và tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2020 tăng 3,05% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Tỷ giá thương mại hàng hóa lần đầu tiên giảm trong 3 năm gần đây, phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không được thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam. Chỉ số giá vàng tháng 3/2020 tăng 11,37% so với tháng 12/2019 và tăng 25,31% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2020 tăng 0,51% so với tháng 12/2019 và tăng 0,17% so với cùng kỳ năm 2019.

Đại dịch Covid-19 có tác động ngày càng sâu đậm và toàn diện đối với Việt Nam. (Ảnh: Internet

Trong tháng Ba, cả nước có hơn 8,6 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với 36,3 nghìn nhân khẩu thiếu đói, gấp 9 lần số hộ thiếu đói, gấp 11 lần số nhân khẩu thiếu đói so với tháng trước và cùng gấp 5 lần số hộ và số nhân khẩu thiếu đói so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2020, cả nước có 12,4 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 56,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 49,7 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 52,8%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 243,3 tấn gạo. Theo báo cáo sơ bộ, tổng kinh phí cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 3 tháng đầu năm là hơn 4,8 nghìn tỷ đồng (trong đó quà cho đối tượng chính sách, người có công là 2,9 nghìn tỷ đồng; người nghèo là 1,3 nghìn tỷ đồng; cứu đói, cứu trợ khác là 0,6 nghìn tỷ đồng), hơn 17,5 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.

Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, trong 3 tháng đầu năm, thiên tai làm 9 người chết; 18 người bị thương; 39,3 nghìn ha lúa và gần 7 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 24 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; hơn 23 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong quý I ước tính gần 934,4 tỷ đồng, gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020 là khó khăn hơn so với cùng kỳ nhiều năm qua và cũng phản ánh xu hướng khó khăn chung của các nước trên thế giới gắn với đại dịch Covid-19. Thực tiễn triển khai các giải pháp chống dịch vừa qua cũng giúp Việt nam củng cố uy tín trên trường quốc tế, đặc biệt là cải thiện sự tin cậy, lòng biết ơn của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vào năng lực và trách nhiệm của đội ngũ bác sỹ và làm đẹp hơn hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong lòng dân...

TRIỂN VỌNG KINH TẾ VÀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI

Tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, với đỉnh điểm là khoảng tháng 4/2020.

Tình hình kinh tế - xã hội sẽ còn nhiều khó khăn, gắn với kết quả ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 cả ở phạm vi quốc gia và quốc tế. Khoảng 42% số doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn trong kinh doanh quý I/2020 và 25,9% số doanh nghiệp dự báo kinh doanh trong quý II sẽ khó khăn hơn quý I.

Trước mắt, Chính phủ chưa đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội 2020.

Ngày 21/3, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn số 11809-CV/VPTW thông báo kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó Bộ Chính trị khẳng định: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, tác động toàn diện tới kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân, có thể kéo dài, khó dự đoán chính xác thời gian kết thúc, tác động sâu, rộng tới sự phát triển kinh tế - xã hội trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và đời sống của người dân ở nhiều quốc gia. 

Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục tập trung phòng, chống dịch bệnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát; đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, duy trì sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho người dân, chủ động chuẩn bị các phương án phục hồi nền kinh tế; 

Động viên nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội, cùng tham gia phòng, chống dịch, ủng hộ các lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, chia sẻ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, những người lao động phải tạm ngừng việc, những người trong vùng dịch; 

Phối hợp với các nước hỗ trợ kịp thời người Việt Nam ở nước ngoài. bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân… Thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại, ngoại giao, đặc biệt là các hoạt động ngoại giao của ASEAN. Thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phòng, chống dịch bệnh; thông tin kịp thời, thường xuyên để các nước hiểu được chủ trương, chính sách của ta trong quá trình phòng, chống dịch bệnh…

Trước mắt, Chính phủ chưa đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội 2020. (Ảnh: Internet)

Về những giải pháp tiếp tục quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, theo tinh thần Chỉ thị 11 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 và Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, Chính phủ đề nghị huy động mạnh mẽ hơn nữa sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của nhân dân cả nước để thực hiện thành công nhiệm vụ kép: "Vừa chống dịch, kiên quyết không để lây lan, vừa đảm bảo các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra"; tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách cho 4 nội dung: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19, chuẩn bị tốt các điều kiện để phát triển trong thời gian tới, với những trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các giải pháp hạn chế tụ tập đông người, cách ly nghiêm ngặt đối với người từ vùng dịch hoặc qua vùng dịch về Việt Nam; tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ như bán lẻ, du lịch, nhà hàng, vận tải hành khách… Phải sẵn sàng mọi điều kiện, bảo đảm ứng phó ngay lập tức với tình huống xấu nhất như lương thực, thực phẩm, bệnh viện dã chiến, lực lượng dự phòng, kể cả khả năng tình trạng khẩn cấp và cao hơn.

Thứ hai, các bộ, ngành liên quan tiếp tục chuẩn bị kịch bản đối phó với diễn biến kinh tế thế giới, không để bị động, bất ngờ; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; theo dõi chặt chẽ biến động giá cả thị trường. Cải cách đổi mới, tạo nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng đảm bảo ổn định lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; cung ứng tín dụng đáp ứng yêu cầu sản xuất; cắt giảm lãi suất ngân hàng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đảm bảo an toàn hệ thống.

Từng bộ, ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hơn nữa để thu hút và thực hiện giải ngân các dự án đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài; nếu có vướng mắc về thẩm quyền thì báo cáo với Thủ tướng Chính phủ không được để chậm trễ trong xử lý.

Tập trung giải quyết nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho doanh nghiệp theo 4 hướng: Tiếp tục duy trì chuỗi cung ứng hiện có; tự cân đối trong nội bộ; tăng đa dạng hóa nguồn cung và tìm thị trường trong nước…

Các bộ, ngành khẩn trương đề xuất miễn, giảm, hoãn chậm nộp thuế phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế doanh nghiệp, tiền thuê đất... ; thực hiện chống thất thu, nợ đọng thuế, bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch; giảm chi tiêu công và trang thiết bị đắt tiền, tiết kiệm tối đa, bảo đảm cân đối nguồn để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết của Trung ương đi liền với sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh giản biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ ba, tiếp tục cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; xóa bỏ cơ chế “quyền anh, quyền tôi”, cơ chế xin cho.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình phương án tổng thể thúc đẩy xuất khẩu nông sản, giảm chi phí sản xuất nông nghiệp. Có phương án tăng cường chuỗi liên kết nhằm đẩy mạnh chế biến nông sản; trong đó tiếp tục đề xuất, nhất là giảm chi phí đầu vào cho nông nghiệp; đồng thời triển khai phòng, chống hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn; tích cực chuẩn bị đón mùa mưa. Tiếp tục chỉ đạo để gỡ bỏ thẻ vàng của EC với Việt Nam, "quyết liệt hơn nữa để xử lý dứt điểm vấn đề này"…

Đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm như Dự án sân bay Long Thành và một số công trình dở dang do cơ chế mà chưa được thông qua. Các ngành giao thông, văn hóa, thể thao du lịch có biện pháp cụ thể hỗ trợ, giảm kinh phí và lệ phí vận chuyển để thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ hàng không. Đẩy mạnh quảng bá xúc tiến, nhất là một số thị trường mới như EU, Canada.

Thứ tư, hỗ trợ các biện pháp cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động do dịch bệnh; tạm dừng cấp phép lao động mới cho lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch trong thời gian Việt Nam công bố dịch.

Ngành Giáo dục và Đào tạo cần có chủ trương hướng dẫn, kiểm soát các giải pháp để học sinh đi học trở lại; thực hiện tốt việc khử trùng lớp học, trường học.

Thứ năm, tăng cường áp dụng công nghệ, nhất là thanh toán điện tử, dịch vụ công để góp phần chống dịch bệnh. Truyền thông phải làm tốt việc tạo niềm tin cho nhân dân, tôn vinh những tấm gương trong phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Công an xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về thông tin, truyền thông.

Đặc biệt, phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: "Phải nâng gói hỗ trợ của các đơn vị được báo cáo nhiều hơn, “số hiện nay còn quá ít”. Phải làm sao nhân dịp này tái cơ cấu lại doanh nghiệp và nền kinh tế, tái cơ cấu thị trường, tổ chức lại sản xuất, đào tạo… Chúng ta lo phát triển sản xuất và phải lo cả đời sống nhân dân, làm sao bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng hóa cho người dân trong lúc diễn ra dịch và sau dịch…".

Đây là một chủ trương tỉnh táo, đúng đắn, quyết đoán, mang tầm chiến lược, bắt kịp xu hướng chung thế giới, đáp ứng trúng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân Việt Nam. Do đó, cần sớm được hiện thực hóa một cách nghiêm túc, khoa học và hiệu quả nhất, không được trục lợi và tham nhũng, như nghiêm lệnh của Thủ tướng Chính phủ…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top