Ngày 27/3, Tổng cục Thống kê chính thức công bố tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, giá dầu thô giảm mạnh, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Iran... và đặc biệt là dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu và cả ở Việt Nam.
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và lan rộng đã khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu (EU) đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Nhiều nước châu Âu đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đe dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng. Để hỗ trợ nền kinh tế, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phải liên tục cắt giảm lãi suất.
Trước bối cảnh đó, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đặt ưu tiên hàng đầu là phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Nền kinh tế nước ta do đó đã tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để đẩy lùi dịch bệnh, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08% (đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% (đóng góp 58,4%).
Khu vực công nghiệp và xây dựng quý I/2020 chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên đạt mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12% - mức tăng thấp nhất giai đoạn 2016 - 2020 nhưng vẫn đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế quý I năm nay.
Bên cạnh đó, sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô giảm mạnh.
Hoạt động thương mại, dịch vụ trong 3 tháng đầu năm 2020 diễn ra kém sôi động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực dịch vụ tăng 3,27% (đóng góp 41,4%), trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,69%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,19%.
Nguyên nhân là do người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2020 giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cơ cấu nền kinh tế trong quý đầu năm phân bổ như sau: khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 43,71%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,52%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,11%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,66%.
Trên góc độ sử dụng GDP quý I/2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,07% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư tăng 2,92% (cùng kỳ năm trước tăng 7,22%); tích lũy tài sản tăng 2,20%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,59%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,05%.