Aa

Điểm sáng bất động sản địa phương nửa đầu năm 2022

An Vũ (thực hiện)
An Vũ (thực hiện) pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 24/02/2022 - 06:10

Xu hướng dịch chuyển của các chủ đầu tư dự án và nhà đầu tư cá nhân đang tạo luồng sinh khí mới cho thị trường bất động sản các địa phương vùng ven.

Các địa phương vùng ven đang sở hữu quỹ đất rộng, lại có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế, mở rộng mạng lưới giao thông liên kết vùng, phát triển đồng bộ hạ tầng, tiện ích. Đặc biệt, giá đất ở các địa phương còn khá “mềm”, dư địa tăng giá còn lớn, có nhiều tiềm năng sinh lời. Đây chính là những yếu tố tạo sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư.

Xu hướng dịch chuyển này sẽ tiếp tục diễn biến ra sao trong năm 2022, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Phan Việt Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

PV: Ông đánh giá thế nào về thị trường bất động sản tại các tỉnh vùng ven trong những tháng cuối năm 2021? Những cơn sốt đất nền, sốt đất ven khu công nghiệp dường như cũng đã cho các nhà đầu tư thấy tốc độ phát triển của các thị trường này, thưa ông?

Ông Phan Việt Hoàng: Trong những tháng cuối năm 2021 các sản phẩm bất động sản đất nền tại các tỉnh vùng ven được xem là “điểm sáng” của thị trường nói chung, cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen về phương diện quy mô và số lượng giao dịch.

Bởi giai đoạn 2021 - 2030 là thời điểm lập quy hoạch chung của mỗi tỉnh thành, theo đó sẽ có những thông tin nghiên cứu đầu tư các dự án lớn vào địa phương nhằm phục vụ chu kì phát triển mới. Cùng với đó, các nhà đầu tư đã có những động thái mạnh mẽ bằng việc rót vốn vào những địa phương tiềm năng nhằm tìm cơ hội gia tăng tài sản.

Mặc dù chỉ mới có thông tin nghiên cứu nhưng theo thống kê cho thấy tình trạng sốt đất nền đã bùng lên mạnh mẽ và chưa có điểm dừng. Tại những điểm nóng có khoảng hàng nghìn lô đất được tung ra thị trường và sức hấp thụ của nhà đầu tư F0 đạt 90% mỗi giỏ hàng. Những cơn sốt đất nền tại vùng ven khu dân cư và khu công nghiệp cho thấy mặc dù nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng cho thấy sức hút dòng tiền vào lĩnh vực đất đai còn rất lớn.

ông Phan Việt Hoàng
Ông Phan Việt Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

PV: Trên thực tế, xu hướng dịch chuyển về các thị trường tỉnh đã hình thành và phát triển mạnh trong nhiều năm trở lại đây. Ông nhìn nhận thế nào về diễn biến của xu hướng này trong khoảng thời gian vừa qua và dự báo trong nửa đầu năm 2022?

Ông Phan Việt Hoàng: Trong khi giá đất tại các đô thị lớn hiện đang khá cao không phải chủ đầu tư nào cũng “kham nổi” thì sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của một bộ phận nhà đầu tư về các tỉnh vùng ven có tiềm năng phát triển là tất yếu. Thực tế sự dịch chuyển đã mang lại nhiều thành quả cho chủ đầu tư, như: Hưng Thịnh (tại Bình Định, Khánh Hòa), Novaland (Bình Thuận), Đất Xanh và Danh Khôi (tại Đồng Nai)…

Trong kinh doanh giá thành nguyên liệu đầu vào là yếu tố quan trọng quyết định đến lợi nhuận. Hiện nay, quỹ đất phát triển dự án mới tại các tỉnh vùng ven vẫn còn khá lớn, nhiều nơi còn có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và quan trọng là hạ tầng giao thông hiện đang khá tốt nên việc đi lại rất nhanh và thuận tiện dựa. Dựa trên 3 yếu tố này, có thể nhận định rằng thị trường bất động sản vùng ven trong năm 2022 sẽ tiếp tục phát triển trên các nền tảng của năm trước.

PV: Các doanh nghiệp phát triển dự án, các nhà đầu tư cá nhân đang thực hiện "đánh bắt xa bờ", theo ông làn sóng dịch chuyển này liệu có phải là trào lưu và sẽ có lúc bão hoà?

Ông Phan Việt Hoàng: Có thể nhận thấy hạ tầng giao thông quốc gia hiện đang rất tốt, có tính liên kết vùng rất cao và cộng hưởng của sự bùng nổ công nghệ nên khái niệm "đánh bắt xa bờ" gần như không còn là vấn đề của người kinh doanh. Nơi nào có tiềm năng nơi đó sẽ hình thành sân chơi cho nhà đầu tư khắp cả nước. Vị trí địa lý cũng không còn là rào cản đối với làn sóng di chuyển đầu tư.

Nguyên tắc “nước chảy về chỗ trũng” đã trở thành quy luật, dòng tiền bất động sản thường chảy từ chỗ có mặt bằng giá cao sang nơi có mặt bằng giá thấp để vừa tận hưởng được các cơ hội đầu tư hấp dẫn, vừa giúp thị trường phát triển cân bằng, ổn định hơn vì vậy dòng vốn đầu tư cũng buộc phải dịch chuyển theo.

Nhìn lại các năm qua, nhờ được quan tâm đầu tư hạ tầng chuẩn chỉnh, ở nhiều địa phương đã chứng kiến mức tăng giá bất động sản nhanh đến không tưởng. Sau những vi phạm về lĩnh vực đất đai trong thời gian qua thì hiện nay thủ tục pháp lý dự án được kiểm soát chặt hơn. Theo đó, mọi sự chú ý trên thị trường bất động sản tiếp tục đổ dồn về khu vực vùng ven trong năm 2022.

Đất nền tại các tỉnh vùng ven được xem là “điểm sáng” của thị trường (Ảnh minh hoạ)

PV: Theo ông, thị trường bất động sản 2022 sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn và có những thuận lợi nào? Những thuận lợi và khó khăn này tác động thế nào đến thị trường bất động sản địa phương ?

Ông Phan Việt Hoàng: Mặc dù thị trường bất động sản những năm trước đã trải qua nhiều cơn “đại hạn” từ vấn đề pháp lý đến tác động của đại dịch Covid-19… nhưng chúng ta đều nhận thấy thị trường không suy giảm mà đang thanh lọc nhằm mang lại nhiều giá trị cốt lõi cho người mua.

Hiệu ứng FOMO (Fear Of Missing Out - sợ bị bỏ lỡ) sẽ là áp lực lớn cho thị trường bất động sản 2022. Khác với làn sóng FOMO trên thị trường chứng khoán, nơi mà các nhà đầu tư bị cuốn vào hiệu ứng này vì sợ mất đi cơ hội, có thể đưa ra các quyết định đầu tư sai lầm, hiệu ứng FOMO trên thị trường bất động sản lại đang định hướng các quyết định của các nhà đầu tư giúp họ lựa chọn đúng sản phẩm và thời điểm. Nói cách khác, giúp họ không bỏ lỡ cơ hội để chọn mặt gửi vàng.

Năm 2022 là năm bản lề trong việc chuyển trạng thái kinh tế từ “đối phó” đại dịch sang thích nghi, kiểm soát đại dịch. Nhà nước cũng có những động thái thực hiện chính sách thay đổi toàn diện rất tốt cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng. Nền kinh tế sẽ đi vào giai đoạn phát triển mới, vì vậy thị trường bất động sản cũng sẽ có định hướng mới. Năm 2022 thị trường bất động sản sẽ có nhiều thuận lợi hơn từ việc nút thắt trong các chính sách đang dần gỡ bỏ, cùng với đó, hàng loạt dự án hạ tầng mới sẽ tạo thúc đẩy lớn cho thị trường bất động sản.

PV: Thưa ông, có một số doanh nghiệp cho rằng, vướng mắc lớn nhất khi đầu tư tại các địa phương chính là thủ tục hành chính. Ông nhìn nhận thế nào về câu chuyện này? Để thu hút đầu tư, các địa phương sẽ cần tháo gỡ các rào cản thủ tục pháp lý thế nào để hút đầu tư về địa phương?

Ông Phan Việt Hoàng: Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thì cải cách hành chính là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phục hồi kinh tế. Cải cách hành chính giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp … 

Theo nghiên cứu của VCCI, sử dụng dữ liệu từ 10.197 doanh nghiệp tham gia khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 (8.663 doanh nghiệp tư nhân, 1.564 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; gồm 1.823 doanh nghiệp có công trình xây dựng trong vòng 2 năm gần nhất), về việc đánh giá thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng và liên quan, cho thấy: 50% số doanh nghiệp nói chung gặp khó khăn về các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 40,9% gặp khó về quyết định chủ trương đầu tư; 48% vướng mắc về các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; 41,4% gặp khó trong thực hiện thủ tục thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy; 42,9% gặp khó khăn về thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường… 

Những hạn chế nêu trên cho thấy tầm quan trọng của việc cần tiếp tục thực hiện những cải cách sâu rộng và toàn diện hơn nữa đối với các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường… để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trong tình hình mới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top