Đó chính là điểm tựa để Việt Nam tăng tốc, phát triển trong không chỉ năm mới 2023, mà cả trong giai đoạn 2021 - 2025, dù nhiều dự báo và nhiều dấu hiệu cho thấy, khó khăn, thách thức phía trước còn lớn hơn rất nhiều.
Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, trong năm 2023, 143 nền kinh tế - chiếm 92% GDP thế giới sẽ yếu hơn dự kiến. Ba nền kinh tế lớn nhất thế giới (gồm Trung Quốc, khu vực đồng Euro và Hoa Kỳ) sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể. Nguy cơ suy thoái trong bối cảnh lạm phát tăng cao, bất ổn chính trị vẫn gia tăng… là hiện hữu.
Kinh tế Việt Nam sẽ không thể đứng ngoài vòng xoáy đó, nhất là khi độ mở nền kinh tế lên hơn 200% GDP. Nhưng dù khó khăn, thử thách, Việt Nam vẫn đang tự tin bước vào năm mới 2023 với những kỳ vọng mới.
Tự tin, bởi chúng ta có những điểm tựa vững chắc, có nền tảng để nền kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng tốc.
Đó là một nền kinh tế có quy mô hơn 400 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng lên tới 8,02% trong năm 2022, cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua.
Nếu như hai năm (2020 - 2021), kinh tế Việt Nam vật lộn trong khó khăn, cố gắng thích ứng để duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh song song với phòng, chống dịch, thì năm 2022 là bứt tốc và phục hồi mạnh mẽ.
Là quy mô thương mại hàng hóa đã vượt ngưỡng 700 tỷ USD, đạt hơn 730 tỷ USD trong năm 2022, thặng dư hơn 11,2 tỷ USD.
Là một ngân quỹ nhà nước với số thu đạt trên 1,78 triệu tỷ đồng, bằng 126,4% dự toán năm 2022 và tăng 13,8% so với năm 2021.
Là thu nhập bình quân đầu người năm 2022 tăng 9,5% so với năm 2021…
Và hơn hết, là nỗ lực, quyết tâm của một Chính phủ hành động, bản lĩnh, là sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, là vị thế của Việt Nam đang tiếp tục được khẳng định và củng cố một cách mạnh mẽ.
Rất nhiều điểm tựa và cũng rất nhiều cơ hội khi trong năm 2023 - năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, sẽ có một loạt giải pháp được thực hiện để “hóa giải” khó khăn, thách thức và tận dụng cơ hội phát triển. Các động lực tăng trưởng, bao gồm đầu tư, xuất nhập khẩu, tiêu dùng và cả cải cách thể thế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… cũng sẽ được thúc đẩy.
Để tạo nền tảng cho sự tăng tốc và phát triển của nền kinh tế trong năm 2023, Quốc hội đã quyết nghị chi hơn 700.000 tỷ đồng đầu tư công. Các dự án hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông trọng điểm, như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển, vành đai 4 TP. Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM, các dự án động lực về sân bay, đường sắt, đường thủy… cũng sẽ được triển khai. Điều này không chỉ tạo động lực tăng trưởng cho năm 2023, khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư, mà quan trọng hơn, sẽ góp phần từng bước đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng, tạo dựng các hành lang, không gian phát triển mới cho nền kinh tế.
Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2023 để góp phần tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng…
Cùng với đó, sẽ tiếp tục có các chính sách “trợ lực” cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, như giảm thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu… Rất nhiều đề xuất đã được đưa ra và cũng đã có đề xuất được thông qua, ngay tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây.
Cơ hội cũng đang được mở ra, khi Trung Quốc đang đã có những động thái ban đầu về việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Thương mại, đầu tư của Việt Nam, vì thế sẽ có những thuận lợi mới, nhất là khi Việt Nam đang là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của nhiều nền kinh tế lớn.
Khó khăn là rất lớn, nhưng thuận lợi, thời cơ cũng nhiều. Bằng kinh nghiệm trong 3 năm vượt qua thách thức từ đại dịch Covid-19, bằng sự kiên định và linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, bằng sự đoàn kết một lòng của cả hệ thống chính trị, cả nước đang vững vàng tiến bước vào năm 2023 với những thời cơ và vận hội mới.