Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn "giậm chân tại chỗ"
Năm 2025 được đánh giá là thời điểm tạo bước chuyển mạnh mẽ để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Là tỉnh miền núi, biên giới với điều kiện phát triển còn hạn chế, song Điện Biên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt trên 10,5%; góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước đạt từ 8% trở lên.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh yêu cầu đổi mới tư duy lãnh đạo, phát huy sức mạnh hệ thống chính trị, huy động tối đa nguồn lực và triển khai các giải pháp quyết liệt. Trong đó, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công được xác định là nhiệm vụ then chốt, cần sự vào cuộc đồng bộ, linh hoạt và hiệu quả từ các cấp, các ngành. Đặc biệt là trong bối cảnh Điện Biên đang thực hiện chủ trương không tổ chức cấp huyện và tiến hành sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, việc đảm bảo tiến độ đầu tư công không bị ảnh hưởng lại càng trở thành nhiệm vụ cấp thiết.

Trái ngược với đà tăng trưởng GRDP, tình hình giải ngân vốn đầu tư công của Điện Biên vẫn "giậm chân tại chỗ". (Ảnh minh hoạ)
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chi cục Thống kê tỉnh Điện Biên, quý I/2025, GRDP của tỉnh theo giá hiện hành đạt 6.961,99 tỷ đồng, tăng 13,02% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng trưởng GRDP, tình hình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn "giậm chân tại chỗ". Năm 2025, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao 3.196.678 triệu đồng, nhưng tính hết 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh mới giải ngân được 515.488 triệu đồng, đạt 16,13% kế hoạch vốn giao. Tỷ lệ giải ngân vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia mới đạt 19,29%.
Giải thích về vấn đề này, UBND tỉnh Điện Biên cho biết, điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư công hiện nay vẫn là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cụ thể, vướng mắc trong công tác xác minh nguồn gốc đất, quy chủ, do lịch sử quản lý sử dụng đất qua các thời kỳ phức tạp; khó khăn trong công tác kiểm kê số lượng nhà, công trình, cây trồng, vật nuôi và tài sản khác bị thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất của từng chủ sở hữu tài sản. Những thay đổi liên tục trong cơ chế, chính sách cũng khiến việc triển khai thêm phần lúng túng.
Cùng với đó, khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn, các cơ quan và địa phương phải tạm dừng khởi công mới một số dự án hoặc đang trong quá trình rà soát để điều chỉnh quy mô, phạm vi đầu tư dự án, dẫn đến không tiếp tục bố trí vốn thực hiện dự án để tránh lãng phí. Đồng thời, việc thay đổi trong trách nhiệm, quyền hạn, quy trình quản lý dự án tại địa phương do không duy trì cấp huyện và các cơ quan chức năng mới sau sắp xếp, sáp nhập cũng là nguyên nhân làm cho công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; công tác thanh toán, quyết toán kéo dài.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND tỉnh Ðiện Biên Lê Thành Đô còn thẳng thắn chỉ rõ, việc chậm giải ngân đầu tư công có phần trách nhiệm từ sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của một số sở, ngành, địa phương thiếu quyết liệt, sâu sát; vai trò người đứng đầu chưa được phát huy tối đa; công tác lập kế hoạch của một số đơn vị, chủ đầu tư còn yếu; năng lực của một số chủ đầu tư hạn chế dẫn đến chậm hoàn thiện hồ sơ, chất lượng hồ sơ dự án không bảo đảm phải sửa nhiều lần…
"Trong giai đoạn tổ chức sắp xếp lại bộ máy hành chính, tâm lý e dè, thận trọng khi xử lý thủ tục tại một bộ phận cán bộ đã dẫn đến sự chậm trễ trong triển khai các dự án. Việc lo ngại thay đổi về chủ đầu tư, trách nhiệm thanh toán hoặc chuyển giao công việc sau sáp nhập khiến nhiều khâu triển khai bị đình trệ. Một số nhà thầu cũng tỏ ra chần chừ, lo ngại việc tổ chức lại bộ máy ảnh hưởng đến khâu nghiệm thu, thanh toán", Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhận định.
Quyết liệt hơn trong thực hiện giải ngân
Trên cơ sở đó, để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch vốn giao, UBND tỉnh Điện Biên đã đề ra lộ trình cụ thể. Theo đó, đến hết quý II/2025, tỉnh phấn đấu giải ngân đạt trên 40% kế hoạch vốn với các dự án khởi công mới; đạt trên 60% kế hoạch vốn với các dự án chuyển tiếp và các chương trình, nhiệm vụ khác. Đến hết quý III/2025, giải ngân đạt trên 60% kế hoạch vốn với các dự án khởi công mới; đạt trên 80% kế hoạch vốn với các dự án chuyển tiếp và các chương trình, nhiệm vụ khác. Sang đến quý IV/2025, giải ngân đạt trên 80% kế hoạch vốn với các dự án khởi công mới; đạt trên 90% kế hoạch vốn với các dự án chuyển tiếp và các chương trình, nhiệm vụ khác. Tỉnh đặt mục tiêu đến hết ngày 31/1/2026 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2025.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương phải rà soát, tổng hợp đầy đủ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, cụ thể đến từng dự án. Đối với các vướng mắc liên quan đến thể chế, cần nêu rõ điều, khoản của các văn bản pháp luật gây khó khăn. Ngoài ra, quá trình tổ chức thực hiện cũng cần chỉ rõ vướng mắc trong từng khâu như: lập chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thanh quyết toán... làm cơ sở để đề xuất phương án xử lý theo đúng thẩm quyền.
Riêng đối với các cơ quan, đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp, sáp nhập, UBND tỉnh giao các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ổn định tổ chức hoạt động, đảm bảo tất cả thủ tục liên quan tới thẩm định, phê duyệt, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, nghiệm thu, thanh toán... được thực hiện liên tục, không đình trệ cho đến khi cấp có thẩm quyền quyết định việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tuyệt đối không gián đoạn công tác với lý do "chờ sáp nhập" hay "bỏ cấp hành chính". Tăng cường kiểm tra, giám sát; những trường hợp trì hoãn thủ tục, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân sẽ bị giám sát, xử lý nghiêm.
Đối với các chương trình, dự án chuyển tiếp sau khi không tổ chức cấp huyện và sáp nhập cấp xã, cuối tháng 4/2025, UBND tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương rà soát, tổng hợp đầy đủ danh mục các chương trình, nhiệm vụ, dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm cả dự án dở dang, chuyển tiếp, chưa quyết toán, còn tạm ứng hoặc đang triển khai, nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ và duy trì tiến độ giải ngân. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư tổ chức rà soát, tập hợp, sắp xếp đầy đủ hồ sơ dự án (hồ sơ pháp lý, hợp đồng, hồ sơ thanh quyết toán, hồ sơ nghiệm thu khối lượng, quản lý chất lượng...), đảm bảo quản lý chặt chẽ, an toàn hồ sơ tài liệu dự án trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
"Các ngành, địa phương cần phải coi công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tuyệt đối không được để chậm trễ vì lý do chủ quan", Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đề nghị.
Trước đó, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Chỉ thị số 735/CT-UBND về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các Ban quản lý dự án chuyên ngành cấp tỉnh và các đơn vị chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, tham mưu thực hiện nhiệm vụ; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ hai, phân bổ, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng chương trình, nhiệm vụ, dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, quý.
Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án.
Thứ tư, tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án.
Thứ năm, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, vật liệu xây dựng, đảm bảo phục vụ nhu cầu của các dự án đầu tư công.
Thứ sáu, tập trung huy động mọi nguồn lực triển khai thi công các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng, quy mô lớn; thường xuyên đôn đốc, kịp thời phát hiện, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, không để tồn đọng kéo dài.
Thứ bảy, đảm bảo nguồn vốn ngân sách địa phương cho đầu tư phát triển; điều hành linh hoạt, hiệu quả kế hoạch vốn đầu tư công.
Thứ tám, thực hiện tốt công tác thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Thứ chín, triển khai hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; thực hiện chuyển giao kịp thời các nhiệm vụ, dự án trong quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy.
Thứ mười, đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các cơ quan Thường trực chủ động, thường xuyên phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.