Aa

Diễn biến mới nhất về dự án đường sắt hơn 200.000 tỷ kết nối Việt Nam với Trung Quốc

Thứ Tư, 05/02/2025 - 10:02

Địa phương đề nghị xây dựng phương án cụ thể để xử lý các điểm giao cắt với đường bộ hiện hữu, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông, kiểm soát vệ sinh môi trường, hạn chế khói bụi và tiếng ồn.

Mới đây, ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng lãnh đạo TP. Hải Phòng đã tiến hành khảo sát thực tế Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tại khu vực ga đường sắt Cảng Lạch Huyện.

Trong buổi khảo sát, đại diện lãnh đạo TP. Hải Phòng kiến nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xem xét đầu tư đoạn tuyến từ ga Nam Hải Phòng đến ga Nam Đồ Sơn. Đồng thời, địa phương đề xuất việc triển khai xây dựng công trình ga Nam Đồ Sơn trong giai đoạn 1 và hoàn thành trước năm 2030.

Lãnh đạo thành phố cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, nhằm đảm bảo tuyến đường sắt được thiết kế song song và bám sát các tuyến giao thông quan trọng như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể của thành phố. Điều này giúp tối ưu hóa quỹ đất, giảm thiểu các khu vực đất xen kẹt giữa các tuyến đường.

Toàn cảnh hướng tuyến của Dự án Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh chụp màn hình

Toàn cảnh hướng tuyến của Dự án Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh đó, thành phố đề nghị xây dựng phương án cụ thể để xử lý các điểm giao cắt với đường bộ hiện hữu, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông, kiểm soát vệ sinh môi trường, hạn chế khói bụi và tiếng ồn, nhất là ở những đoạn tuyến đi qua khu dân cư, góp phần duy trì ổn định đời sống cho người dân địa phương.

Được biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có nhà tài trợ vốn dự kiến là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank), với mục tiêu xây dựng mới tuyến đường sắt theo khổ tiêu chuẩn 1.435mm, điện khí hóa, kết nối Trung Quốc và cảng biển Hải Phòng.

Tuyến có điểm đầu tại kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Tổng chiều dài chuyến chính là 388,35km (đoạn ga Lào Cai - ga Cảng Lạch Huyện dài 383,24km; đoạn ga Lào Cai - điểm nối ray dài 5,11km); tuyến nhánh nối cảng Nam Hải Phòng và Nam Đình Vũ dài 7,89km; tuyến nhánh nối ga Yên Thường và ga Yên Viên dài 2,18km.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trên tuyến có 30 ga, với 3 ga lập tàu, 19 ga hỗn hợp và 8 ga kỹ thuật; đi qua 9 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Dự kiến, dự án có tốc độ thiết kế 160km/h trên đoạn chính tuyến ga Lào Cai - ga Cảng Lạch Huyện, 80km/h cho đoạn Lào Cai - điểm nối ray và các đoạn tuyến nhánh, 120km/h đối với đoạn đường sắt qua khu đầu mối Hà Nội, đi trùng đường sắt vành đai phía Đông.

Theo dự kiến, giai đoạn 1 (đến năm 2030) sẽ hoàn thành xây dựng toàn tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng theo quy mô đường đơn, giải phóng mặt bằng quy mô hoàn chỉnh. Giai đoạn II (sau năm 2050), hoàn thành xây dựng toàn tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng theo quy mô đường đôi và xây dựng đoạn tuyến nhánh Nam Hải Phòng - Nam Đình Vũ.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 211.030 tỷ đồng bao gồm 135.600 tỷ đồng vốn vay ưu đãi được sử dụng cho các hạng mục chi phí xây dựng; chi phí thiết bị, phương tiện; chi phí tư vấn thiết kế, giám sát thi công; chi phí dự phòng cho các hạng mục trên và khoảng 75.430 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam được sử dụng cho các hạng mục: chi phí quản lý dự án; thuế giá trị gia tăng; chi phí tư vấn khác và chi phí khác; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư; lãi vay và chi phí dự phòng.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh miền Bắc Việt Nam mà còn góp phần tạo ra cầu nối thương mại trực tiếp với Trung Quốc và cảng biển quốc tế. Đây được xem là dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm gia tăng năng lực vận tải hàng hóa và hành khách, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của hệ thống giao thông vận tải Việt Nam trong khu vực.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top