Bất động sản Quảng Ninh, Hải Dương sẽ chững lại trong 21 ngày
Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 đã làm lung lay hầu hết mọi doanh nghiệp và bất động sản có lẽ là một trong những ngành có nhiều thay đổi lớn. Thiệt hại từ các tòa nhà văn phòng, khách sạn và trung tâm mua sắm im ắng trong thời gian hạn chế đi lại và giãn cách xã hội đã trở thành đề tài của các cuộc trò chuyện kinh doanh. Mở đầu năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát trở lại khiến xuất hiện nhiều dự báo sẽ thêm một đòn giáng vào thị trường bất động sản. Tác động đầu tiên sẽ là hai thị trường Quảng Ninh, Hải Dương - vùng tâm dịch.
Tính đến ngày 20/11/2020, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (FDI) đạt 26,4 tỷ USD (thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Rất đáng chú ý khi nhiều địa phương phía Bắc có mặt trong danh sách thu hút đầu tư có thể kể ra như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương,… Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, sau khi phát hiện hàng trăm bệnh nhân dương tính với chủng virus mới tại Hải Dương, Quảng Ninh và có nguy cơ lan rộng ra toàn quốc, nhiều đánh giá lo ngại thị trường bất động sản toàn quốc, đặc biệt Hải Dương và Quảng Ninh sẽ bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), nếu dịch bệnh bùng phát, Chính phủ sẽ không áp dụng việc giãn cách xã hội toàn quốc giống như hồi đầu năm 2020, có thể chỉ giãn cách tại một số địa phương có nhiều ca nhiễm. Hiện tại, Chí Linh (Hải Dương) và Quảng Ninh đã có quyết định giãn cách xã hội, thị trường bất động sản của 2 địa phương này có thể “đứt đoạn” trong 21 ngày (thời hạn giãn cách xã hội kéo dài lên 21 ngày). Trong khi đó, các địa phương khác như Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An;... thị trường bất động sản vẫn hoạt động và phát triển bình thường.
Vị chuyên gia này cho rằng, sau một năm sống chung với Covid-19, Việt Nam đã cho cả thế giới thấy được cách phòng dịch hiệu quả. Bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng đã có kinh nghiệm ứng phó. Vì vậy, dù dịch bệnh có quay trở lại một lần nữa, thị trường vẫn sẽ không “ngủ đông”. Phải có sản phẩm không bán được thì mới gọi “ngủ đông”. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 chỉ làm tiến độ triển khai, thực hiện dự án bị gián đoạn cục bộ do việc giãn cách xã hội.
Theo ông Thanh: “Bất động sản phát triển phải có cả một quá trình lâu dài từ khâu xin phê duyệt dự án, tới lúc đưa ra thị trường mở bán. Người mua không có tiền mới bị ảnh hưởng, còn sản phẩm có tính thanh khoản được vẫn bán bình thường. Nên tôi cho rằng khái niệm bất động sản 'ngủ đông' không bao giờ có. Tôi hy vọng với kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam, chúng ta sẽ có những giải pháp giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực từ dịch Covid-19”.
Dù vậy, Phó Chủ tịch VARs cảnh báo: Trong trường hợp giãn cách toàn xã hội, nhân viên môi giới sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất. Vì thế, Chính phủ nên có những hỗ trợ xã hội để các doanh nghiệp, nhân viên môi giới bất động sản sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã làm tốt công tác chống dịch nên bất động sản vẫn còn những cơ hội phát triển ở một số phân khúc. Riêng với Quảng Ninh và Hải Dương, hai thị trường này vẫn có rất nhiều tiềm năng về các yếu tố vĩ mô, hạ tầng và vẫn nằm trong top những thị trường bất động sản nổi bất của phía Bắc nên cơ hội phục hồi nhanh chóng sau dịch là tất yếu.
Trước đó, đại diện VARs cũng nhận định: “Nhìn chung, năm 2021 khó có thể xảy ra nguy cơ “bong bóng” bất động sản vì kinh tế tăng trưởng ở mức tốt, lực cầu vẫn mạnh, giá có thể kiểm soát được. Một số địa phương đã phát triển nóng, thị trường bất động sản bị ngưng trệ thời gian qua như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Quốc... sẽ sôi động trở lại. Đất đai gần các khu công nghiệp sẽ biến động tăng mạnh. Tại các tỉnh thành khác, cơ bản đều có mức tăng giá nhà ở mức 5 - 7% so với 2020. Một số địa phương có thể tăng trên 10% như: Đồng Nai, Bình Dương, TP. Phú Quốc, Vân Đồn (Quảng Ninh), Móng Cái (Quảng Ninh)”.
Các kế hoạch của doanh nghiệp rục rịch triển khai
Ghi nhận thực tế, mặc dù cận kề tết Tân Sửu, song thị trường bất động sản vẫn đang tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng trở lại. Theo đó, thời điểm những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp đã rục rịch khởi động các kế hoạch kinh doanh mới trong năm 2021.
Ví như, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Quần thể đô thị du lịch nghỉ dưỡng Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa cho Tập đoàn Flamingo. Theo đó, dự án có diện tích lập quy hoạch khoảng 432,5 ha; dự kiến quy mô dân số khoảng 20.000 người. Doanh nghiệp cho biết, ý tưởng quy hoạch phân khu tạo lập nên một quần thể đô thị đa dạng. Đồng thời, hình thành nên tổ hợp công viên chuyên đề Safari và công viên vui chơi giải trí sôi động. Trong quần thể khu đô thị nghĩ dưỡng này sẽ có những phân khu chức năng riêng biệt, khu thương mại, khu dân cư ở,...
Cùng thời điểm này, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En, huyện Như Thanh cho Tập đoàn Sun Group. Định hướng của dự án là sẽ giữ nguyên hiện trạng môi trường tự nhiên của vùng đất. Về giao thông trong khu du lịch, ngoài hệ thống đường bộ nối liền Khu du lịch sinh thái Bến En với Cảng hàng không Thọ Xuân - Khu kinh tế Nghi Sơn và TP Thanh Hóa sẽ hình thành các loại hình giao thông mới như cáp treo, tàu lượn, taxi trên mặt nước,...
Văn Phú - Invest mới đây cũng cho biết, trong năm 2021, doanh nghiệp này dự kiến khởi công các dự án giàu tiềm năng là Vlasta Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng (30,71 ha), dự án Khu đô thị mới Cồn Khương - Cần Thơ, dự án Yên Phong - Bắc Ninh (6,65 ha); nhận giao đất ở dự án Grandeur Palace - Phạm Hùng (2,27ha) và các dự án đối ứng của dự án BT Phạm Văn Đồng - Gò Dưa.
Trong đó, dự án quy mô 6,65 ha tại huyện Yên Phong - Bắc Ninh là công trình đầu tay của Văn Phú - Invest trong lĩnh vực đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân và thương mại, dịch vụ khu công nghiệp.
Ở lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, công ty đang triển khai hai dự án với tổng quy mô 120 ha Bắc Ninh kèm cả dịch vụ thông quan. Với năng lực triển khai dự án của mình, Văn Phú - Invest cũng tiếp tục đẩy nhanh tốc độ lấy các dự án đô thị tại khắp các tỉnh thành khác như Quảng Ninh, Phú Yên, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Vũng Tầu, Hưng Yên…
Cũng có xu hướng đẩy mạnh vào bất động sản công nghiệp, cầu cảng mới đây đại diện Sunshine Group cho biết năm 2021 được xác định là năm bùng nổ của Tập đoàn này. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai loạt dự án nhà ở, nghỉ dưỡng, secondhomes với tổng quy mô lên đến cả nghìn ha trong năm 2021 Tập đoàn Sunshine Group sẽ lấn sân sang mảng bất động sản khu công nghiệp, cầu cảng và đặc biệt là xây dựng dân dụng với Công ty CP Xây dựng Smart Construction Group (SCG).
Đánh giá về sự chuẩn bị tốt của các doanh nghiệp bất động sản cho năm 2021, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam nhận định: “Bản thân doanh nghiệp có thể tận dụng thời gian dịch bệnh như một cơ hội để tái cơ cấu và thay đổi chiến lược đầu tư, hướng tới phân khúc bất động sản có tiềm năng lớn như bất động sản công nghiệp hay nhà ở giá bình dân. Đồng thời, hoàn thành các thủ tục liên quan đến đất đai, cấp phép nhằm đón đầu cho chu kỳ phát triển bất động sản tiếp theo trong vòng 1 - 2 năm tới”.