Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản quý III của Batdongsan.com.vn công bố mới đây cho biết, mức độ quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường miền Bắc cao hơn miền Trung và Nam.
Theo đó, mức độ quan tâm đối với Hà Nội tăng 5%, Quảng Ninh tăng 9%, Vĩnh Phúc tăng 15% và Hải Phòng tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019. Xét về mức độ quan tâm theo loại hình, dự án đất nền tăng 15%, đất thổ cư tăng 10%, nhà riêng giảm 12%.
Riêng đối với phân khúc đất thổ cư, khu vực có mức độ quan tâm đặc biệt bao gồm: Thuận Thành (Bắc Ninh) tăng 52% so với quý trước và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, Vân Đồn (Quảng Ninh) tăng lần lượt 111% và 66%, Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) tăng lần lượt 30% và 87%, Dương Kinh (Hải Phòng) tăng lần lượt 25% và 19%.
Theo nhận định của đơn vị này, lượng tin đăng ở khu vực miền Bắc có xu hướng tăng cao, kể cả trong giai đoạn dịch cho đến hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư tại khu vực miền Nam đang có xu hướng Bắc tiến do thị trường bất động sản khu vực miền Bắc có nhiều sự lựa chọn hơn.
Tuy nhiên, một báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam lại cho thấy có những thị trường mặc dù là thị trường lớn và có quãng thời gian sôi động trước đó, nhưng đang có dấu hiệu chậm phát triển và ít giao dịch.
Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các nhà đầu tư có tâm lý e ngại, thăm dò, chờ đợi cơ hội và sự giảm giá. Theo quan điểm của các chủ đầu tư, nếu đưa hàng ra thị trường trong giai đoạn này kể cả giảm giá cũng rất khó bán. Vì vậy, các hoạt động chào bán trong 9 tháng đầu năm 2020 cũng rất hạn chế.
Điển hình là tại Hạ Long chỉ ghi nhận khoảng 10 dự án có hoạt động bán hàng. Riêng tại khu vực huyện Hoành Bồ là nơi có hoạt động chào bán đất đai sôi động hơn nhưng các nhà đầu tư mới dừng lại ở mức đi tìm hiểu.
Còn tại Bắc Ninh, Bắc Giang, giao dịch chủ yếu là hoạt động mua đi bán lại, lượng sản phẩm mới rất hạn chế. Có hiện tượng các môi giới và một số nhà đầu tư thổi giá, lướt sóng. Thống kê cho thấy có khoảng 90% giao dịch trên thị trường Bắc Ninh là đầu cơ nên thị trường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, khó lường. Vì vậy, các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường cần hết sức thận trọng. Còn phân khúc chung cư vẫn đứng giá, giao dịch chậm không đáng kể. Không có dự án mới và sản phẩm mới chào bán ra thị trường.
Mặc dù có những diễn biến trái chiều song giới chuyên gia vẫn kì vọng từ cuối năm 2020 tới năm 2021, thị trường bất động sản nói chung sẽ dần phục hồi.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản cho biết, khủng hoảng của thị trường hiện nay khác với những giai đoạn trước. Trước là thừa cầu, thiếu cung, còn nay thì ngược lại. Do khan hiếm nguồn hàng chính thống, thủ tục thực hiện dự án ngày càng khó khiến giá căn hộ các phân khúc đều đang ở ngưỡng trần.
Bên cạnh đó, giá đất ở những địa phương trước đây phát triển nóng, nhanh, dẫn đến đẩy giá đất tăng mạnh, nhiều nơi vượt ngưỡng giá trị thật của thị trường. Giá đất đai tại các địa phương bị đẩy lên cao đã làm chùn bước sự quan tâm của các nhà phát triển bất động sản. Bởi lẽ, giá đất quá cao khiến việc đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Ông Đính dự báo: “Trong năm nay, nguồn hàng tại các dự án bất động sản do các doanh nghiệp triển khai, tiếp tục không có nhiều thay đổi, khan hiếm nguồn hàng mới tại các đô thị lớn vẫn diễn ra. Nhìn chung, dịp cuối năm, làn sóng đầu tư, mua sắm có thể sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản cả nước. Các địa phương, đặc biệt là các chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản hiện cũng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút và khai thác hiệu quả trong giai đoạn cuối năm này”.
Chia sẻ nguyên tắc đầu tư bất động sản ở giai đoạn hiện nay, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho hay:“Nguyên tắc đầu tư bất động sản là phải có tầm nhìn trung hạn. Tất nhiên, những nhà đầu tư nhạy bén sẽ nhìn được khu vực nào có tiềm năng “lướt sóng” nhưng rủi ro cũng rất cao. Những nhà đầu tư kỹ tính hơn sẽ tìm những khu vực có tiềm năng và tăng trưởng bền vững, nếu có lướt sóng hụt thì vẫn có thể chờ đất tăng theo giá trị vị trí.
Còn những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, chỉ chạy theo xu thế, sẽ bị “đuối” vì việc bán lại là không dễ. Bây giờ, những ai lỡ “ôm” đất, nếu có tiền thì tiếp tục gồng gánh, còn nếu phải vay ngân hàng thì nên chấp nhận giảm giá”.