Diễn đàn Banking Vietnam 2019 sẽ diễn ra vào ngày 30/5
Ngày 16/6 hằng năm được chọn là ngày không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Thông tin này được đưa ra tại buổi họp báo về Diễn đàn Banking Vietnam 2019 với chủ đề “Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt” diễn ra sáng 20/5 với sự phối hợp của Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Vụ truyền thông NHNN, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) và Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas).
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước cho biết, Banking Vietnam là sự kiện công nghệ ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) phối hợp tổ chức từ năm 2013 đến nay đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các ngân hàng thương mại, chuyên gia tài chính, công nghệ.
Sự kiện được triển khai với hai phần hoạt động chính: triển lãm giới thiệu những thành tựu mới về công nghệ số và ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động hội thảo chuyên sâu nhằm trao đổi những vấn đề lớn của hệ thống ngân hàng, từ đó đề xuất những giải pháp về công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra.
"Banking Vietnam được coi là diễn đàn lớn nhất về công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng. Tiếp nối thành công của những năm trước, Ngân hàng Nhà nước và IDG dự kiến phối hợp tổ chức Banking Vietnam 2019 vào ngày 30/5/2019 tại Hà Nội với chủ đề “Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt”, chủ đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu những năm gần đây”, bà Hòa nói.
Cũng theo bà Hòa, với mục tiêu nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp, tài chính toàn diện đã được triển khai rộng rãi trên hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Các tổ chức quốc tế đã khẳng định, tài chính toàn diện là một trong những giải pháp hết sức quan trọng để phát triển bền vững.
Để tiến tới đạt được mục tiêu tài chính toàn diện, vấn đề nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng và phát triển nền kinh tế không dùng tiền mặt có sự gắn kết chặt chẽ và tạo tiền đề cho nhau.
“Chính phủ đã chỉ đạo NHNN làm đầu mối xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trong năm 2019 và tích cực áp dụng các biện pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt”, bà Hòa thông tin thêm.
Cơ hội cho các nhà quản lý ngân hàng trải nghiệm... sản phẩm
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, những điểm khác biệt của Banking Vietnam 2019 so với những năm trước sẽ được thể hiện căn bản trong nội dung của 1 phiên báo cáo chính và 2 phiên chuyên đề chuyên sâu.
Cụ thể, phiên báo cáo chính của hội thảo có chủ đề “Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt” dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh sẽ tập trung vào thực trạng, thách thức trong triển khai chiến lược tài chính toàn diện tại Việt Nam; mở rộng dịch vụ tài chính và hướng tới một nền kinh tế không dùng tiền mặt; góc nhìn của các ngân hàng thương mại Việt Nam về tài chính toàn diện; kinh nghiệm quốc tế về triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng hệ thống định danh điện tử.
Phiên chuyên đề 1 về “Quản trị rủi ro trong cung ứng dịch vụ tài chính nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển nền kinh tế không dùng tiền mặt” gồm các nội dung như ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ quản trị rủi ro trong quá trình triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam; những vấn đề an toàn bảo mật trong cung cấp, sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính...
Phiên chuyên đề 2 về “Đa dạng hóa tổ chức và kênh cung ứng dịch vụ tài chính nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện” tập trung vào các giải pháp đa dạng hóa tổ chức và kênh cung ứng dịch vụ tài chính nhằm tăng cường tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp; giải pháp phát triển thanh toán điện tử; củng cố phát triển các định chế tài chính vi mô; đa dạng hóa và phát triển mạng lưới kênh cung ứng; ứng dụng công nghệ trong đa dạng hóa dịch vụ tài chính...
Ngoài ra, hoạt động triển lãm tại Banking Vietnam 2019 hướng tới mục tiêu giới thiệu các hoạt động của một số ngân hàng tiêu biểu trong phát triển kênh phân phối, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng trên nền tảng công nghệ hiện đại, hướng tới mở rộng độ phủ dịch vụ tài chính và thúc đẩy tài chính toàn diện. Đồng thời, triển lãm cũng tạo cơ hội để các nhà quản lý ngân hàng tìm hiểu và trực tiếp trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng trên nền tảng công nghệ hiện đại.
Kỳ vọng thúc đẩy tiêu dùng... hơn cả Black Friday Việt Nam
Ngày không dùng tiền mặt tại Việt Nam 16/6 là một trong những hoạt động nằm trong mục tiêu thúc đẩy xã hội không tiền mặt tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.
Vào ngày này, người tiêu dùng được khuyến khích sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm, giao dịch thanh toán và sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ. Đây cũng là thời điểm vào mùa du lịch, mua sắm giữa năm.
Đại diện Vecom, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết, sự kiện là cơ hội để các nhà bán lẻ thương mại điện tử hưởng lợi lớn, người tiêu dùng sẽ đón những chương trình khuyến mại ưu đãi lớn từ các đối tác. “Kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng mạnh mẽ có thể so sánh và vượt cả ngày Black Friday tại Việt Nam”, ông Dũng cho hay.
Theo khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2018 của PwC đối với 27 nước/vùng lãnh thổ, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, Việt Nam đang vượt mặt Singapore, Malaysia trong cuộc đua tăng trưởng giao dịch không tiền mặt.
“Mặc dù Việt Nam đi sau nhưng tất cả công nghệ mới nhất trong lĩnh vực thanh toán đều được ứng dụng bao gồm QR code, POS và thanh toán di động. Trong đó thanh toán di động đang là xu hướng giao dịch chủ đạo. Làm sao để người tiêu dùng bước từ ngưỡng không dùng sang dùng thanh toán di động, họ sẽ khó quay trở lại dùng tiền mặt”, ông Dũng nói.
Theo số liệu của NHNN, tính riêng trong quý I/2019, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý trên 37 triệu giao dịch với giá trị gần 21 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 23% về số giao dịch và 17% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2018, trung bình mỗi ngày có 13 tỷ USD giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, giá trị xử lý qua hệ thống gấp 13 lần so với giá trị GDP cả nước.
Theo đó, số lượng thẻ phát hành và giá trị giao dịch tăng qua từng năm. Năm 2018, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt khoảng 229,2 triệu lượt với tổng giá trị giao dịch khoảng 592 nghìn tỷ đồng.
Cũng trong năm 2018, thanh toán qua internet có tốc độ tăng trưởng 33,6% về số món hàng và 19,5% về giá trị giao dịch so với năm 2017. Đáng chú ý, thanh toán qua di động đạt mức tăng trưởng ấn tượng với hơn 41% tăng trưởng về số lượng món hàng và 169% về giá trị giao dịch so với năm 2017.
Hiện cả nước có khoảng 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có thanh toán qua internet (internet payment) và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment). Tính đến thời điểm hiện tại cả nước có gần 5 triệu ví điện tử đang hoạt động. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán không tiền mặt cũng liên tục được tăng cường và mở rộng.
Đến cuối năm 2018, toàn quốc có 18.587 ATM, 243.123 máy POS phần lớn lắp đặt tại các điểm bán lẻ của trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, mở rộng tới nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công như cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, dịch vụ công ích…