Chia sẻ này được ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), bày tỏ trong cuộc trao đổi với Reatimes trước thềm diễn ra Diễn đàn bất động sản Việt Nam lần thứ nhất (sự kiện do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng Kênh truyền hình Kinh tế - Tài chính VITV tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng).
PV: Với vai trò là một trong những lãnh đạo của VNREA, thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với các doanh nghiệp, tổ chức bất động sản nước ngoài, nếu để so sánh với thị trường bất động sản của các nước, ông cho rằng lĩnh vực bất động sản của Việt Nam đang đứng ở đâu, thưa ông?
Ông Đỗ Viết Chiến: Rất nhiều nước trên thế giới có nền tảng tổ chức hàng trăm năm, đơn cử như Mỹ, Hiệp hội bất động sản của nước này có tuổi đời 110 năm thành lập. So với Hiệp hội các nước, tuổi đời của Hiệp hội bất động sản Việt Nam còn quá non trẻ (15 năm) và rất cần lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm từ những nước đã bỏ xa mình.
Điều kiện cần và đủ cho một thị trường phát triển tại Việt Nam còn thiếu rất nhiều. Ngay từ việc hoạch định chính sách của cơ quan quản lý nhà nước, nền tảng của dự báo thị trường là cơ sở dữ liệu ban đầu còn ít. Ở các nước, cơ sở dữ liệu thông tin thị trường của họ có khi cả hàng chục năm chỉ cần một thao tác sẽ hiển thị đầy đủ, nên việc dự báo hướng đi của thị trường khá chuẩn xác. Trong khi đó, chúng ta đang vừa đi, vừa làm, vừa dò dẫm từng bước.
Muốn thị trường phát triển phải có đội ngũ tư vấn môi giới, sàn giao dịch chất lượng nhưng đội ngũ này của chúng ta hiện vừa thiếu vừa yếu cả về tính chuyên nghiệp và đạo đức hành nghề. Trong khi đội ngũ này của nhiều nước lại rất hùng mạnh, đầy đủ và có cả chương trình đào tạo, không chỉ trang bị kiến thức cho nhân viên làm việc trong lĩnh vực môi giới mà còn định hướng, đào tạo cả về đạo đức trong nghề nghiệp, không có chuyện làm ăn chộp giật, lừa đảo, bởi chỉ cần vi phạm 1 lần là sẽ bị đào thải khỏi đội ngũ.
Tại một số nước, giữa những người môi giới với nhau nếu có xung đột lợi ích sẽ có bộ phận xử lý ngay, bên thua phải nộp phạt. Như vậy để thấy rằng đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ của họ được giáo dục ngay từ đầu. Đó là yếu tố quan trọng mà thị trường rất cần để đảm bảo sự bền vững, làm nghề ngoài đòi hỏi tính chuyên nghiệp phải có cái tâm và tầm.
Đối với Việt Nam, thị trường hiện đang phát triển theo kiểu người này nghe của người kia, nhặt nhạnh những thông tin chưa chính thức gây nhiễu loạn.
Tuy nhiên, cũng phải khách quan nhìn nhận rằng, thị trường bất động sản Việt Nam trong suốt những năm vừa qua cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Các doanh nghiệp đã bước ra khỏi phạm vi trong nước để vươn ra thế giới, có cơ hội lắng nghe trực tiếp bài học kinh nghiệm từ các nước để học hỏi, định hướng hướng đi, lựa chọn mô hình trong tương lai cho doanh nghiệp mình, đồng thời bắt tay với các doanh nghiệp ngoại để phát triển.
Trong chuyến công tác của đoàn đại biểu VNREA tại Hoa Kỳ vừa rồi, chúng tôi có dịp dự lễ động thổ đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam tại Hoa Kỳ. Mặc dù quy mô dự án không quá lớn, cũng không phải là một doanh nghiệp tên tuổi nhưng đã mạnh dạn tham gia một thị trường lớn trên thế giới, đó là điều rất đáng tự hào.
PV: Vào ngày 15/11 sắp tới, VNREA phối hợp cùng Kênh truyền hình Kinh tế - Tài chính VITV dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng sẽ tổ chức Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất. Từ thực tế thị trường mà ông nhận định ở trên, mục tiêu hướng đến và kỳ vọng của VNREA tại Diễn đàn này là gì, thưa ông?
Ông Đỗ Viết Chiến: Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất sẽ mang đến cái nhìn toàn cảnh về thị trường bất động sản năm 2017 và cập nhật các dự báo, xu hướng mới nhất về thị trường bất động sản năm 2018.
Đây là cơ hội để chúng ta nhìn lại thị trường bất động sản sau 1 năm, xem xét những gì đã làm được để phát huy, tồn tại vướng mắc thì phải có giải pháp để khắc phục. Nhất là trong thời điểm thị trường lên xuống như hiện nay, phải tìm được nguyên nhân, từ đó có can thiệp kịp thời.
Bên cạnh đó, dự báo khuynh hướng thị trường tại diễn đàn là cơ sở để điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp, định hướng thị trường theo nhu cầu thực tế và khuynh hướng chung quốc tế... Qua đó, giới truyền thông cũng nắm bắt tốt hơn thông tin để truyền tải tới doanh nghiệp và người dân.
Thông qua diễn đàn lần này, VNREA hy vọng có thể lắng nghe tiếng nói của tất cả các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động vướng mắc gì. Nếu vướng mắc về cơ chế chính sách phải phản ánh kịp thời từ thực tiễn để các nhà hoạch định chính sách biết được và có cơ chế tháo gỡ, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới hoặc thay thế. Đó là điều hết sức cần thiết tạo sự thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Nói một cách bao quát, làm sao để hoạch định hướng đi của thị trường, đảm bảo sự phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, bền vững của thị trường trong thời gian tới, đó là mục tiêu của diễn đàn lần này.
PV: So với những Hội nghị thường niên do VNREA tổ chức trước đây, điểm mới của Diễn đàn bất động sản Việt Nam lần thứ nhất là gì và những nội dung quan trọng nào sẽ được đề cập đến thưa ông?
Ông Đỗ Viết Chiến: Đầu năm 2017, VNREA có tổ chức Hội nghị thường niên gặp mặt hội viên lần thứ nhất. Thời gian qua, một số hội nghị liên quan đến thị trường bất động sản cũng đã diễn ra. So với những Hội nghị trước đó, Diễn đàn lần này sẽ đầy đủ hơn, bao quát hơn về mặt nội dung, thông tin thị trường cũng như tập hợp được nhiều hơn các đối tượng tham gia từ cơ quan quản lý nhà nước, đến các doanh nghiệp, sàn giao dịch, tư vấn và cơ quan báo chí, truyền thông.
Dự kiến, kế hoạch chương trình sẽ có 4 phiên báo cáo chính được trình bày tại lễ khai mạc. Theo đó, Bộ Xây dựng có tham luận tổng quan tình hình bất động sản Việt Nam; Bộ Tài chính có tham luận cải cách thuế cho thị trường bất động sản; Bộ Tài nguyên và Môi trường có bài phát biểu chính sách và thủ tục đất đai – định hướng và sửa đổi; Ngân hàng Nhà nước có tham luận chính sách tín dụng cho thị trường bất động sản và cuối cùng là đề xuất, kiến nghị từ phía doanh nghiệp do ông Đoàn Văn Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị CEO Group trình bày.
Ngoài phần toạ đàm cấp cao do bà Bùi Thị Phương Chi – Giám đốc Kênh truyền hình Kinh tế Tài chính VITV điều phối, diễn đàn sẽ liên tục tiếp nối với các chuyên đề nóng diễn ra song song. Về cơ cấu chương trình, sau mỗi chuyên đề “Nhà ở nhà thương mại giá rẻ và Nhà ở xã hội”, "Cải tạo chung cư cũ" hay chuyên đề về “Công trình xanh”, “Bất động sản nghỉ dưỡng” là các phiên thảo luận. Sự kiện được đồng hành bởi các cơ quan truyền thông báo chí như Báo Xây dựng, Đài Tiếng nói Việt Nam...
Hiện VNREA đã là thành viên của Hội các nhà đầu tư bất động sản ở Đông Nam Á và của tổ chức bất động sản thế giới. Chính vì vậy, Diễn đàn lần này không chỉ gói gọn sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước mà còn có cả các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài.
Dự kiến khoảng gần 1.000 nhà đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản trong nước và quốc tế sẽ tham dự diễn đàn này. Sự có mặt của các doanh nghiệp, tổ chức bất động sản quốc tế sẽ góp thêm tiếng nói, là cơ hội để chúng ta nắm bắt sự tương đồng của các nước để học hỏi và phát triển. Đồng thời rút kinh nghiệm từ những thất bại của họ để tránh.
PV: Theo ông, diễn đàn này có ý nghĩa và tác động như thế nào đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như thị trường bất động sản Việt Nam?
Ông Đỗ Viết Chiến: Diễn đàn là 1 sân chơi mà Hiệp hội là cầu nối giữa các doanh nghiệp, nhà tư vấn, sàn giao dịch, môi giới với các cơ quan quản lý Nhà nước, tạo thành cuộc giao lưu, trao đổi giữa các đơn vị với nhau, tìm ra những thuận lợi, mô hình hay, thành công để tiếp tục nhân rộng. Những vướng mắc thì cùng nhau chia sẻ, tìm tiếng nói chung, và đưa ra kiến nghị.
Trong diễn đàn, sẽ có nhiều cơ hội để các nhà đầu tư hiện nay còn phân vân lựa chọn đầu tư phân khúc được tham khảo, học hỏi lẫn nhau.
Chính quyền các cấp cũng được dịp lắng nghe những vướng mắc về chính sách, cơ chế do doanh nghiệp phản ánh để giúp tháo gỡ ách tắc... Như vậy, có thể nói diễn đàn là hết sức cần thiết và bổ ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trong đó truyền thông đóng vai trò là cầu nối hết sức quan trọng.
- Xin cảm ơn ông!