Aa

Điện gió ở Bình Định: Nỗi lo phá sản vì chờ ngày vận hành thương mại

Thứ Tư, 02/11/2022 - 13:57

Chưa được công nhận ngày vận hành thương mại (Commercial Operation Date - COD), một công ty điện gió ở Bình Định sau gần 1 năm hoàn thành dự án chịu thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội - Giai đoạn 2 do Công ty Cổ phần Năng lượng FICO Bình Định làm chủ đầu tư có 6 trụ turbine xây dựng trên bán đảo Phương Mai (TP. Quy Nhơn), công suất 5 MW/turbine, tổng vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng.

Đoàn khảo sát các trụ điện gió của FICO.

Theo ông Huỳnh Văn Luận, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng FICO Bình Định, Nhà máy phong điện Nhơn Hội 1, Nhơn Hội 2 có tổng công suất 60MW, quy mô 12 trụ turbine gió, mỗi trụ có công suất 5MW. Dự án chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn có 6 trụ turbine gió. Giai đoạn 1 của dự án đã phát điện thương mại với công suất 30MW.

Không thể làm gì khác ngoài… đợi

Ông Huỳnh Văn Luận chia sẻ với PV Reatimes, công ty cũng đã gửi đầy đủ các giấy tờ đến Bộ Công Thương, ngành điện từ nhiều tháng trước và hiện vẫn chờ thông tin mới. Ngoài chờ đợi, tập thể lãnh đạo và nhân viên công ty cũng không biết làm gì khác hơn với 6 trụ turbine đã được hoàn thành trong giai đoạn 2 này. Việc chậm đưa dự án vào khai thác khiến đơn vị chủ đầu tư thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và ngân sách địa phương cũng mất 19 tỷ đồng/năm.

Theo ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương Bình Định, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này. Đến hết ngày 31/10/2021, dự án đã hoàn thành toàn bộ khối lượng xây dựng, lắp đặt thiết bị; đã được Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cấp Giấy phép hoạt động điện lực; đã hòa lưới, phát điện lên hệ thống lưới điện quốc gia và đã được ghi nhận trên cơ sở dữ liệu của ngành điện. Tuy nhiên, dự án chưa được công nhận ngày vận hành thương mại, do chưa hoàn thành hết các quy trình thử nghiệm theo quy định của ngành điện. Đây là ngày mà các nhà máy điện nhận được chứng nhận thử nghiệm cuối cùng và đã vượt qua các thử nghiệm vận hành thành công.

Còn 6 trụ điện gió đã sẵn sàng đi vào hoạt động từ một năm nay nhưng vẫn phải đứng…đợi.

Mặc dù đã rất cố gắng thực hiện mọi cách để đáp ứng các tiêu chí về thời gian, chất lượng công trình… nhưng FICO Bình Định vẫn không hoàn thành được các quy trình nghiệm thu, thử nghiệm để đưa dự án vào vận hành phát điện thương mại trước ngày 1/11/2021. Đây là dấu mốc quan trọng mà nếu kịp tiến độ, Công ty sẽ được hưởng cơ chế hỗ trợ giá bán điện theo quy định tại Quyết định số 39/2018/ QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 39). Sự chậm trễ này đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, lý do chính là năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến còn quá phức tạp, làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển thiết bị, huy động lao động và các chuyên gia nước ngoài để triển khai thi công. Ngoài ra, thời tiết không thuận lợi với nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới ập đến thời điểm cuối năm 2021 cũng khiến cho tiến độ dự án bị lùi lại.

Nguy cơ phá sản

Với mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng ở 2 giai đoạn, riêng dự án ở giai đoạn 2 với 6 trụ turbine hiện tại vẫn chưa thể hoạt động để sinh lời thì thời gian tới sẽ thực sự khó khăn với công ty này. Theo đánh giá từ Sở Công Thương Bình Định, dự án không được đưa vào vận hành phát điện khiến công ty gặp rất nhiều bất ổn, tranh chấp, kiện tụng và có nguy cơ phá sản. Các thiết bị của nhà máy đã lắp đặt nhưng không hoạt động có thể bị hư hỏng, bên cạnh sự khắc nghiệt vốn có của thời tiết đặc trưng vùng biển.

Toàn cảnh các trụ điện gió trên núi Phương Mai.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Công Thương Bình Định đã có các Công văn số 1593/ SCT-QLNL ngày 2/11/2021; số 441/SCT-QLNL ngày 1/4/2022 tham mưu đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo cho phép công nhận COD đối với Dự án và Công văn số 618/SCT/KHCTTH ngày 4/5/2022 về việc phản ánh ý kiến, kiến nghị với kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đã kiến nghị Quốc hội xem xét chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho phép công nhận COD đối với Dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội - Giai đoạn 2 do FICO Bình Định làm chủ đầu tư; tạo điều kiện cho dự án được vận hành, hòa lưới điện để duy trì các trạng thái kỹ thuật của nhà máy trong thời gian chờ được công nhận COD. Ngay sau đó, UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét sớm đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chuyển tiếp để tạo điều kiện cho các dự án đã hòa lưới nhưng chưa được phát điện thương mại; tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục để đưa dự án vào vận hành phát điện thương mại, phát huy hiệu quả của dự án và tránh lãng phí.

Bình Định ưu tiên thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch

Là mảnh đất có nhiều thuận lợi cho việc phát triển năng lượng sạch như điện gió, điện năng lượng mặt trời, Bình Định đang là cái tên thu hút với các nhà đầu tư. Với bờ biển dài hơn 134km, địa phương này có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển điện gió ngoài khơi. Theo quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Định đã quy hoạch khu vực phát triển phong điện nằm trong Khu kinh tế Nhơn Hội, với 4 dự án: Nhà máy phong điện Phương Mai 1, Nhà máy phong điện Phương Mai 3, Nhà máy phong điện Nhơn Hội 1, Nhà máy phong điện Nhơn Hội 2.

Trong năm 2021, dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội 1, Nhơn Hội 2 do Công ty Cổ phần Năng lượng FICO Bình Định làm chủ đầu tư được xây dựng trên bán đảo Phương Mai chính thức đi vào vận hành, phát điện lên lưới điện quốc gia ở cấp 110 kV; Nhà máy phong điện Phương Mai 1 cũng chính thức đi vào vận hành thương mại, phát đủ toàn bộ công suất 26,4 MW lên lưới điện quốc gia qua đường dây 110 kV. Theo Công ty Cổ phần Phong điện Phương Mai, Nhà máy phong điện Phương Mai 1 có 11 tổ máy, mỗi tổ có công suất 2,4 MW. Dự án khai thác hiệu quả tiềm năng về nguồn năng lượng tái tạo, cung cấp năng lượng điện với sản lượng 80 triệu kWh/năm, góp phần làm giảm phát thải CO2 khoảng 50.000 tấn/năm. Trước đó, Nhà máy điện gió Phương Mai 3 do Công ty Cổ phần Phong điện miền Trung làm chủ đầu tư với quy mô 6 trụ turbine gió, tổng công suất 21MV đã vận hành thương mại từ tháng 1/2020. Đây là dự án điện gió đầu tiên trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động, phát điện lên lưới điện quốc gia với sản lượng 70 triệu kWh/năm.

Kiểm tra các thông số kỹ thuật

Đến tháng 4/2022, UBND tỉnh Bình Định đề xuất Bộ Công Thương cho phép đầu tư dự án trang trại điện gió có công suất 2.000MW với tổng vốn khoảng 6 tỷ USD. Dự án do Tập đoàn PNE (Đức) đầu tư có quy mô công suất 2.000MW, được chia làm ba giai đoạn gồm: Giai đoạn thí điểm, công suất 700MW, dự kiến vận hành năm 2025; giai đoạn mở rộng 1, công suất 700MW, dự kiến vận hành năm 2026; giai đoạn mở rộng 2, công suất 600MW, dự kiến vận hành năm 2027. Theo đó, dự án dự kiến thực hiện ở ngoài khơi 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát, xây dựng 154 - 166 turbine gió có độ sâu từ 60 - 100m.

Khu vực khảo sát, nghiên cứu và đề xuất bổ sung quy hoạch dự án khoảng 96.470ha, chủ yếu là trên mặt nước biển, không chồng lấn với các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt. Bình Định đã đồng ý chủ trương cho Tập đoàn PNE khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt cột đo gió, đánh giá tiềm năng gió trên một số khu vực biển ở huyện Phù Cát, Phù Mỹ. Tỉnh cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xin bổ sung nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top