TTCK ngày 26/3: Đà tăng tập trung một số cổ phiếu vốn hóa lớn
Chốt phiên giao dịch ngày 26/3, VN-Index tăng 17,6 điểm lên 1.171 điểm. HNX-Index cũng tăng 1,79 điểm lên 133,67 điểm.
Sắc xanh khá áp đảo với 139 mã tăng trên HoSE, trong khi lượng mà giảm điểm chỉ là 128 mã. Trên HNX, lượng cổ phiếu tăng, giảm điểm lần lượt là 84 và 63 mã.
Điểm đáng chú ý là đà tăng tập trung chủ yếu vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN, BVH, VIC, VNM, BID… Sự phân hóa là rất rõ nét giữa nhóm cổ phiếu bluechips và phần còn lại của thị trường. Ngoài ra, diễn biến giảm sàn của một vài cổ phiếu dầu khí như PVD, PVS… do thông tin bất lợi liên quan đến triển vọng hoạt động của các mỏ và KQKD quý I cũng thu hút được sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư.
Trong rổ Vn30, số mã tăng điểm chiếm ưu thế với 17 mã trong khi có 11 mã giảm điểm. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình với 270 triệu cổ phiếu trên cả hai sàn. Nhà đầu tư nước ngoài có phiên bán ròng trị giá 93 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Điều chỉnh hệ số K: Gánh nặng cho người mua nhà
UBND TP HCM vừa có quyết định về hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất (hệ số K) tăng 0,1 lần cho tất cả các trường hợp, có hiệu lực từ ngày 25-3. Lần đầu tiên sau 3 năm, TP HCM đã điều chỉnh hệ số K. Theo nhiều chuyên gia nhà đất, cá nhân và các hộ gia đình khi làm sổ đỏ sẽ là đối tượng bị tác động từ lần điều chỉnh này.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (Horea), nhận xét việc TP điều chỉnh hệ số K cho thấy mặt bằng giá đất đã có sự thay đổi và tăng lên. Do bảng giá đất của TP hiện còn quá thấp so với giá thị trường nên mới có chuyện giá bồi thường đất ở khu vực đường Đồng Khởi (quận 1) của nhà nước khoảng 250 triệu đồng/m2 nhưng giá mua bán bên ngoài lên tới cả tỉ đồng. Nay, TP điều chỉnh hệ số K, đối tượng bị tác động nhiều nhất sẽ là cá nhân, hộ gia đình và các doanh nghiệp (DN) có dự án quy mô dưới 30 tỉ đồng.
Riêng các DN BĐS lớn có dự án quy mô hơn 30 tỉ đồng không áp dụng phương pháp tính theo hệ số K nên không bị tác động.
"Khi hệ số K được điều chỉnh tăng lên, DN sẽ tính vào giá thành sản phẩm và người cuối cùng bị tác động sẽ là người mua nhà" - ông Lê Hoàng Châu giải thích.
Nhà chung cư ở Hà Nội: Nổi lên những tranh chấp về sở hữu chung riêng
Theo ông Lê Thanh Bình, Phó phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm: Công tác quản lý Nhà nước đối với các khu nhà chung cư hiện nay nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc do các tranh chấp về quyền và lợi ích giữa các bên liên quan như giữa Chủ đầu tư với Ban quản trị, với cư dân; giữa nội bộ Ban quản trị; giữa Ban quản trị với cư dân; thậm chí do khúc mắc giữa Ban quản trị với Chủ đầu tư và trong nội bộ cư dân cũng mâu thuẫn chia làm nhiều nhóm khác nhau. Điều này gây nên những bức xúc, lo lắng bất an ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và cuộc sống thường ngày của người dân.
Các cơ quan quản lý nhà nước gặp rất nhiều khó khăn khi phải giải quyết những mâu thuẫn và tranh chấp này. Đặc biệt, nhiều chủ đầu tư không bàn giao hoặc mới bàn giao một phần quỹ bảo trì 2% cho Ban Quản trị và đơn vị quản lý vận hành theo quy định gây khó khăn trong công tác duy tu, bảo trì nhà chung cư, gây bức xúc cho Ban quản trị và cư dân.
Thị trường nhà ở: "Con gà đẻ trứng vàng" cho các chủ đầu tư
Mô hình căn hộ chung cư đang ngày càng phổ biến hơn với người dân Việt Nam. Với sự thiếu hụt các dự án công về nhà ở, thị trường căn hộ đang được dẫn dắt bởi các chủ đầu tư tư nhân. Các khu đô thị cao tầng như Vinhomes Times City ở Hà Nội hay Phú Mỹ Hưng ở TP.HCM ngày càng thu hút nhiều người dân hơn, với nhiều hoạt động thương mại sôi nổi hơn. Sự phát triển đô thị theo chiều dọc này, theo CBRE sẽ diễn ra nhanh hơn nữa trong các năm tới, đặc biệt khi rất nhiều dự án sẽ hoàn thành xây dựng và bàn giao căn hộ trong năm 2018 và 2019.
“Những dự án căn hộ hiện đang là con gà đẻ trứng vàng cho các chủ đầu tư, nhờ vào nhu cầu mua nhà cao cũng như khả năng thu hồi vốn nhanh. Tuy nhiên, sự bùng nổ của các dự án cũng như số lượng lớn các căn hộ sắp được bàn giao cũng đi kèm với lo ngại về áp lực lên thị trường thứ cấp cũng như thị trường cho thuê”, CBRE nhận định.
Bên cạnh đó, thị trường hiện nay cũng cho thấy những dấu hiệu rất tích cực như nền kinh kế đang tăng trưởng mạnh mẽ; lãi suất và lạm phát được giữ ổn định trong những năm qua và được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định trong những năm tới; các chủ đầu tư trong nước đang ngày càng gia tăng kinh nghiệm cũng như khả năng tài chính trong việc phát triển các dự án căn hộ.
TP.HCM “siết” chuẩn về quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Theo Văn phòng UBND TP.HCM, thành phố đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, có hiệu thi hành từ ngày 25/3/2018.
Quy chế này nhằm quản lý việc xây dựng, khai thác sử dụng công trình theo định hướng tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị trong phạm vi ranh giới Khu đô thị mới Thủ Thiêm phù hợp quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm được duyệt; quy định trách nhiệm quản lý quy hoạch, kiến trúc của Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm; các sở, ngành, cơ quan chính quyền và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Các thiết kế trong khu phải đảm bảo chức năng “Đô thị mới Thủ Thiêm là khu trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của Trung tâm thành phố, với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế; là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí; đảm nhiệm một số chức năng mà Trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu và hạn chế phát triển”.
Việc thiết kế và quy hoạch các công trình xây dựng phải tuân thủ các nguyên tắc áp dụng hướng dẫn thiết kế đô thị của đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được duyệt.