Aa

Điều chỉnh không gian phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ Bảy, 30/11/2019 - 13:51

Nghiên cứu của Climate Central mới công bố trên chuyên san Nature Communications nhận định, khi mực nước biển toàn cầu tăng khoảng 0,6 - 2,1m vào năm 2050 thì toàn bộ miền Nam Việt Nam có thể nằm dưới mức đỉnh triều.

Trong đó, phần lớn TP.HCM có thể bị ngập. Thông tin này được soi khá kỹ và nhận nhiều bình luận trái chiều. Ngay sau đó, Giám đốc điều hành Climate Central là TS. Benjamin Strauss đính chính lại, rằng đó chỉ là một kịch bản dự báo và không xác quyết một cách dứt khoát rằng TP.HCM sẽ bị “biến mất”. Mặc dù vậy, lời cảnh báo này có tác dụng nhắc nhở chúng ta cần phải tỉnh táo và cẩn trọng khi đưa ra các quyết sách liên quan đến mở rộng không gian đô thị.

Dân cư tại quận 7, khu Nam thành phố. Ảnh: Cao Thăng

Chuyển hướng phát triển chính của TP.HCM

Từ 1990, chính quyền TP.HCM chủ trương phát triển về phía Nam để tiến ra biển Đông. Đây là một vùng đất rộng lớn, có diện tích hàng ngàn héc-ta, nhưng bỏ hoang vì bị nhiễm phèn. Năm 1988, nhà đầu tư Đài Loan là Tập đoàn CT&D (Central Trading & Development) cùng đối tác phía Việt Nam đã phát triển khu vực này trở thành nơi thịnh vượng, bao gồm các dự án lớn như: Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, Khu công nghiệp Mỹ Phước 1 và 2, Khu chế xuất Tân Thuận, đặc biệt là Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, đại lộ Nguyễn Văn Linh. Khi nơi đây trở thành khu vực phát triển năng động thì người dân kéo về sinh sống rất đông, làm gia tăng dân số, mật độ xây dựng. Nhưng việc phát triển đô thị quá nhanh, thiếu thận trọng đã để lại một di hại rất nghiêm trọng, góp phần làm TP.HCM bị ngập nước trầm trọng.

Cần phải quay lại lịch sử. Năm 1862, người Pháp đã đưa quy hoạch theo kiểu phương Tây vào Việt Nam, mà trước hết là TP.HCM. Khi đó, trong đề án của mình nhà quy hoạch Coffuyn đã đề nghị không được phát triển về phía Nam thành phố, vì đây là vùng trũng nhất. Nó như một túi chứa nước, mỗi khi nước triều dâng cao, mưa lớn thì nước mặt đổ dồn về đây, cứu cho thành phố không bị ngập. Chính nhờ túi chứa nước này mà hơn 200 năm Sài Gòn không bị ngập nước. Nhưng hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc phát triển Nam Sài Gòn thiếu kiểm soát nên làm mất túi nước, đưa đến ngập sâu ở nội thành và các điểm ngập gia tăng theo từng năm. Mặc dù TP.HCM đã bỏ ra rất nhiều tiền và công sức để chống ngập, nhưng hiệu quả thấp.

Về nguyên lý, một thành phố có thể phát triển về tất cả các hướng, nhưng hướng nào có khả năng gặp rủi ro cao thì nên cân nhắc. Thành phố cần phải chuyển hướng phát triển lên phía Bắc (Tây Bắc và Đông Bắc), đó là vùng đất cao. Các khuyến cáo đưa ra: Khu công nghiệp lớn, các công trình xây dựng lớn, các tòa nhà cao tầng nên xây dựng ở phía Bắc, còn phía Nam chỉ xây dựng công trình thấp tầng, quy mô nhỏ, phát triển nông nghiệp như nuôi trồng thủy sản, trồng cây. 

GS. KTS. Volker Martin (ĐH Brandenburg, Đức) gọi vùng Nam Sài Gòn là vùng dễ bị tổn thương nhất của thành phố: “Mối nguy hiểm trong tương lai cho Phú Mỹ Hưng (Nam Sài Gòn) không phải là tiếng ồn mà là khả năng dễ bị tổn thương cao. Một sự thay đổi lớn sẽ ảnh hưởng đến những vùng đất thấp, bị ngập bởi nước biển dâng. Những khu vực thấp lân cận ở phía Nam với cao độ nền gần như bằng 0 sẽ bị ngập nước và thành đầm lầy”. Việc chuyển hướng này, ngoài phòng ngừa ngập thì thực sự có thêm một ý nghĩa nữa là vùng đất phía Nam TP.HCM sẽ là vùng đất dự trữ cho mai sau.

Hạn chế bê tông hóa

Trận mưa lịch sử ở Hà Nội đầu tháng 11/2008 và thực tế ở TP.HCM nhiều năm qua cho thấy những vùng trũng, đất nền yếu càng xây dựng nhiều công trình có khối tích, trọng lượng lớn thì khả năng ngập sâu và càng rộng hơn. Chính các công trình này làm cho tình trạng lún đất càng cao và ảnh hưởng rộng. Ở những vùng đất trũng như Nhà Bè, Cần Giờ cũng đang diễn ra một kịch bản tương tự, khi các khu dân cư mới với quy mô lớn mọc lên. Một khuyến cáo cần lưu ý là ở các khu vực có nền đất yếu và trũng thì giải pháp bơm cát tôn cao nền, xây dựng móng nổi cho công trình lớn, thậm chí cho cả một khu vực hàng chục héc-ta là điều không khuyến khích, vì như thế bản thân nó không bị ngập nhưng làm gia tăng mức ngập và sẽ bị bao vây bởi tình trạng ngập mà nó tạo ra.

Hạn chế tối đa việc bê tông hóa bề mặt và các công trình giao thông làm chậm dòng chảy thoát của nước. Chúng ta cần khuyến cáo các tổ chức và người dân hạn chế bao phủ bê tông ở không gian công cộng bằng hoạt động thiết thực như tạo ra thảm cỏ có tác dụng như máng thấm nước...; khuyến cáo các gia đình không nên che phủ toàn bộ sân nhà bằng bê tông mà nên chừa ra những khoảng đất để trồng cỏ, hoa. Tuyệt đối không xây dựng những trục đường lớn, dài chắn ngang dòng nước chảy tràn từ trong thành phố ra hướng biển, chẳng hạn như trục đường Nguyễn Văn Linh cũng có thể xem như con đê làm chậm tốc độ thoát nước ra phía vùng trũng hơn. Việc phát triển này đã và sẽ góp phần làm cho TP.HCM bị ngập nước trầm trọng.

Ngoài ra, TP.HCM cũng cần tính đến phương án xấu nhất là toàn bộ thành phố vĩnh viễn bị ngập nặng, sâu và rộng. Điều này rất khó xảy ra trong thế kỷ 21, nhưng sẽ không thừa để chuẩn bị cho con cháu mai sau.

TS. Nguyễn Minh Hòa

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top