Khí hậu biến đổi và quá trình đô thị hóa
Theo TS. Trương Bá Kiên - Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Năm 2020, Việt Nam hứng chịu trực tiếp 7 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới vào tháng 10. Cơn bão số 9 là một trong hai cơn bão gây ra gió mạnh nhất trong đất liền trong 20 năm qua vượt cấp 11 - 12, giật cấp 13 - 14 ở tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài ra còn có mưa đá, sạt lở đất, triều cường, lũ lụt… làm ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân.
Khí hậu có nhiều biến đổi về nhiệt độ, lượng mưa. Từ năm 1958 - 2018, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam tăng 0,89 độ C, nắng nóng xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, có năm có đợt lạnh kỉ lục, xuất hiện băng tuyết tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Lượng mưa ở mức 2,1%/61 năm, mưa cực đoan tăng mạnh ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, mưa trái mùa và mưa lớn dị thường xảy ra thường xuyên; hạn hán xuất hiện nhiều hơn; lũ lụt, lũ quét, sạt lở, triều cường ngày càng nghiêm trọng…
“Biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt cả về quy mô và tần suất. Số lượng bão mạnh trên cấp 12 có xu thể tăng rõ rệt. Đây là điều cần lưu tâm trong việc phát triển xây dựng và đô thị trong quá trình đô thị hóa”, TS. Trương Bá Kiên nhận định.
Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), TS. Trần Thị Lan Anh, bên cạnh sự thay đổi về khí hậu, quá trình đô thị hóa cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Hệ thống đô thị Việt Nam phát triển rõ nét ở 2 cực Bắc - Nam và ven biển, tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 đạt 40% với 842 đô thị (năm 2020). Hà Nội và TP.HCM có quy mô dân số trên 10 triệu người. Kinh tế đô thị chiếm khoảng 70% GDP cả nước, Hà Nội và TP.HCM đóng góp gần khoảng 40%.
Mặc dù đô thị hóa đem lại nhiều kết quá tốt cho Việt Nam nhưng biến đổi khí hậu khắc nghiệt kết hợp với quá trình đô thị hóa nhanh này gây ra nhiều hệ lụy, là nguyên nhân khiến cho thiên tai xuất hiện với cường độ và tần suất ngày cao. Do đó, cần xây dựng giải pháp phát triển hạ tầng đô thị theo hướng xanh bền vững, chống chịu với biến đổi khí hậu để giảm thiểu rủi ro về thiên tai.
Phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Giáo dục (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh cho rằng: Tăng trưởng xanh là giải pháp hữu hiệu nhất cho mục tiêu xây dựng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp giải quyết bài toán về đô thị hóa và những vấn đề nảy sinh.
Hiện nay, Việt Nam tiến hành xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị theo hướng tăng trưởng xanh theo Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam 2030, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Đây là hành động đổi mới phát triển kinh tế và giảm tác động môi trường đô thị trong tương lai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo như kế hoạch đến năm 2030, 60% đô thị loại III, 40% đô thị loại IV, V có hệ thống gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn; 100% khu vực bị ô nhiễm được cải thiện về môi trường, tỷ lệ gom, xử lý chất thải rắn đô thị đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 35 - 45% đô thị lớn - trung bình sử dụng phương tiện giao thông công cộng; 50% đô thị lớn - trung bình đạt tiêu chuẩn đô thị xanh.
Theo TS. Trần Thị Lan Anh, để đạt được những mục tiêu phát triển đô thị cần thực hiện theo 2 hướng giải pháp. Các đô thị cần tiết kiệm năng lương và thải ít cacbon, tránh ngăn cản quá trình phát triển kinh tế và phát thiển đô thị bền vững.
Cụ thể, đô thị cần nâng cao chất lượng môi trường đô thị, phát triển không gian đô thị, dân cư dọc đường trục; tổ chức không gian đi bộ, đưa không gian xanh, không gian mở vào các khu chức năng đô thị, tiến hành quy hoạch công trình xanh.
Tiến hành cac giải pháp tiết kiệm năng lượng từ công trình riêng lẻ cho đến các khu vực có quy mô lớn bằng phương pháp thông thoái tự nhiên và sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng tiết kiệm.
Về phương diện di chuyển, cần phát triển giao thông xanh, nhiên liệu sạch, phát triển đô thị gắn với xây dựng hệ thống giao thông công cộng đô thị.
Ngoài ra, cần phát triển theo hướng tuần hoàn, tiến hành bồi đắp đất tại chỗ, xây dựng hệ thống kiểm soát ngập úng hài hòa với tự nhiên; phát triển tái chế năng lượng.
Bà Lan Anh cũng cho rằng, phát triển đô thị cũng cần đi theo hướng đô thị thông minh, nên xây dựng các giải pháp về công nghệ để giảm nhu cầu sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí CO2 ra môi trường.