Aa

Điều gì cản bước xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải?

Thứ Năm, 03/12/2020 - 17:11

Nhu cầu tăng trưởng quy mô hệ thống điện ngày càng lớn, đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, do đâu mà doanh nghiệp vẫn e dè?

Sáng ngày 3/12, Hội thảo khoa học “Những vấn đề về đấu nối các dự án nguồn điện và cơ chế, chính sách đa dạng hóa đầu tư lưới điện truyền tải ở Việt Nam” do Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực phối hợp với Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức đã diễn ra.

Trong các tham luận trình bày tại Hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá cao những kết quả mà ngành điện đã làm được trong thời gian qua. Đồng thời cho rằng, sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển ngành điện cũng đã hình thành rõ rệt và điểm nhấn là đấu nối thành công Nhà máy điện mặt trời Trung Nam.

Tuy nhiên, hội thảo cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong đấu nối nguồn điện vào hệ thống điện quốc gia và việc đa dạng hóa đầu tư lưới điện truyền tải tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, hội thảo xác định phạm vi đa dạng hóa đầu tư lưới truyền tải, đề xuất các cơ chế chính sách cần ban hành trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội thảo: "Những vấn đề về đấu nối các dự án nguồn điện và cơ chế, chính sách đa dạng hóa đầu tư lưới điện truyền tải ở Việt Nam".

Xã hội hóa đầu tư là cần thiết, nhưng khó khăn vẫn chồng khó khăn

Ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực khẳng định: “Sự phát triển của ngành điện trong những năm vừa qua, ngoài đóng góp của Nhà nước còn có sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Hiện nay, trong cơ cấu nguồn điện của cả nước, tỷ trọng công suất các nhà máy điện do tư nhân đầu tư chiếm 34,4%. Đây là thông điệp rõ ràng về chủ trương đúng đắn của Nhà nước trong huy động nguồn lực xã hội và đa dạng hóa nguồn điện”.

Cùng quan điểm, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng cho rằng, xã hội hóa đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải là cần thiết. Điều này sẽ giúp giảm áp lực vốn đầu tư phát triển của nhà nước và EVN, đảm bảo việc thực hiện đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện, từ đó giảm thiểu rủi ro về hiệu quả đầu tư trong trường hợp nguồn hoặc lưới điện không đáp ứng được tiến độ.

Tuy nhiên, đến nay, đa dạng hóa đầu tư lưới điện truyền tải vẫn gặp nhiều rào cản từ cơ chế chính sách, pháp lý đến tiếp cận vốn vay,… khiến các doanh nghiệp chưa mạnh dạn bước vào môi trường đầu tư nhiều biến số này.

Đại diện Sở Công thương Ninh Thuận, ông Phạm Đăng Thành cũng băn khoăn về vấn đề này. Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng năng lượng tái tạo, đặc biệt, trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh tiếp tục xác định phát triển năng lượng là ngành công nghiệp trọng tâm, mũi nhọn.

“Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh còn gặp phải những khó khăn, trở ngại trong quá trình kêu gọi, thu hút đầu tư và sự phát triển toàn diện của các dự án”, ông Thành cho biết.

Về phía doanh nghiệp, ông Mạc Quang Huy - Thành viên HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam bày tỏ: “Qua thực tiễn thực hiện đầu tư vào các dự án năng lượng, chúng tôi đã gặp một thực tế là khi ký kết hợp đồng mua bán điện theo hợp đồng mẫu do Bộ Công Thương ban hành, các doanh nghiệp đều phải cam kết giảm công suất theo lệnh điều độ. Điều này khiến các ngân hàng e dè xem xét khoản vốn vay vì cho rằng việc giảm công suất không có ngưỡng dừng, các doanh nghiệp không đảm bảo được tài sản cũng như tính hiệu quả để tiến hành cho vay".

Trong báo cáo tham luận của Công ty Cổ phần Thủy điện Pắc Ma cũng chỉ rõ, hiện nay, các doanh nghiệp vẫn phải tốn nhiều công sức để hoàn thành thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đầu tư do một số nơi chưa thực hiện cải cách triệt để, vẫn còn tình trạng giảm ở khâu này nhưng tăng thủ tục ở khâu khác. Mặt khác, nhiều chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo giữa các đơn vị trực thuộc bộ, ngành hoặc các cơ quan cấp bộ, ngành với địa phương.

Ông Hoàng Trọng Hiếu - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực.

Tạo hành lang pháp lý để khuyến khích các nhà đầu tư ngoài EVN

Trước những khó khăn trong công tác đa dạng hóa đầu tư lưới điện truyền tải, hội thảo đã ghi nhận những kiến nghị, đề xuất từ đại diện một số doanh nghiệp tư nhân kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế, cho phép nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải quốc gia. Tuy nhiên, khung pháp lý cần cụ thể để các đơn vị tham gia một cách dễ dàng và toàn diện.

Ông Mạc Quang Huy bày tỏ: “Theo chúng tôi, việc cân bằng và hài hòa lợi ích giữa các bên cùng tham gia đầu tư lưới điện truyền tải dùng chung hoặc sau này bàn giao cho ngành điện trong đầu tư hệ thống hoặc lưới điện truyền tải là vấn đề cần sớm được giải quyết dựa trên quy định pháp lý cụ thể, hoặc các hướng dẫn chi tiết và rõ ràng, bắt nhịp với thực tế đã và đang phát sinh.”

Theo đó, ông Huy đưa ra 4 vấn đề có thể xem xét nhưng không hạn chế. Một là phạm vi hệ thống truyền tải hay lưới điện truyền tải điện trong xã hội hóa đầu tư. Hai là cách thức và phương thức chuyển/bàn giao tài sản cho ngành điện quản lý và vận hành. Ba là cách thức và phương thức và bàn giao liên quan đến vấn đề kinh tế và tài chính. Và cuối cùng là các yêu cầu kỹ thuật và mức độ đáp ứng theo các tiêu chuẩn xây dựng, vận hành.

Để giải quyết những vấn đề trên, Tập đoàn Trường Thành Việt Nam đề xuất 2 việc nên cho phép các doanh nghiệp tư nhân hoặc xã hội hóa trong đầu tư vào hệ thống, lưới truyền tải điện quốc gia. Thứ nhất, cho phép doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng các công trình truyền tải điện đã có trong Quy hoạch điện hoặc sẽ bổ sung vào Quy hoạch điện. Thứ hai là cho phép doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng các công trình truyền tải điện đã có trong Quy hoạch điện nhưng chậm tiến độ hoặc tiến độ không phù hợp trong thỏa thuận đấu nối để đưa vào vận hành các dự án nguồn điện.

Về cơ chế, chính sách, ông Hoàng Trọng Hiếu cũng nhấn mạnh cần xem xét, sửa đổi Luật Điện lực theo hướng làm rõ khái niệm “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện”, từ đó nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan một cách đồng bộ, tạo hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư ngoài EVN. Trước mắt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành Nghị quyết giải thích, làm rõ quy định tại Luật Điện lực về “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện” theo hướng nhà nước độc quyền trong quản lý, vận hành hệ lưới điện truyền tải. 

Cùng quan điểm, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành sớm sửa đổi các quy định tại Luật Điện lực và các văn bản pháp luật dưới luật có liên quan về nội dung “Nhà nước độc quyền truyền tải điện”. Tuy nhiên, cần phân định rõ trách nhiệm Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm đầu tư các dự án truyền tải điện trục chính, truyền tải điện liên vùng, lưới điện truyền tải phục vụ cung cấp điện. Việc xã hội hóa đầu tư có thể thực hiện đối với các dự án lưới điện truyền tải đấu nối các công trình nguồn điện vào lưới điện truyền tải. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top