Aa

Điều gì xảy ra khi lãi suất huy động tăng?

Thứ Ba, 04/10/2022 - 10:09

Trong năm, lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3 - 0,5 điểm % vào những tháng cuối năm 2022, đưa lãi suất tiền gửi bình quân cho kỳ hạn 12 tháng tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022.

Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng tăng mạnh

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa điều chỉnh loạt lãi suất điều hành, trong đó có trần lãi suất tiền gửi. Các quyết định này có hiệu lực từ 23/9. Cụ thể, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng thêm 1 điểm phần trăm lên 5% một năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5% một năm.

Với khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, trần lãi suất được nâng từ 0,2% lên 0,5% một năm. Bên cạnh đó, hai loại lãi suất điều hành khác gồm lãi suất tái cấp vốn; tái chiết khấu cũng tăng thêm 1 điểm phần trăm, lên tương ứng 5% một năm và 3,5% một năm.

Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các tổ chức tín dụng tăng từ 5% lên 6% một năm. Ngoài ra, hai loại lãi suất điều hành khác gồm lãi suất tái cấp vốn; tái chiết khấu cũng tăng thêm 1 điểm phần trăm, lên tương ứng 5% một năm và 3,5% một năm.

Ngay sau thông báo của NHNN, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động, đặc biệt tăng mạnh đối với kỳ hạn dưới 6 tháng. ACB là một trong những ngân hàng đầu tiên công bố biểu lãi suất huy động mới với lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn 1 – 3 tháng đã tăng lên mức tối đa cho phép là 5%/năm, từ mức 4% trước đó, áp dụng cho gói "Tài Lộc’’, lĩnh lãi cuối kỳ. Lãi suất huy động các kỳ hạn dài trên 6 tháng cũng đồng loạt điều chỉnh tăng từ 0,3 – 0,5 điểm %. Trong đó, lãi suất cao nhất mà ngân hàng niêm yết đã lên tới 7,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.

Tại VPBank, mức lãi suất cao nhất hiện đã lên tới 7,8%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 18 tháng. Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng cũng đã được đẩy lên mức tối đa cho phép là 5%/năm. Trước động thái tăng lãi suất dồn dập của khối ngân hàng tư nhân, đến sáng 27/9, nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước bao gồm Vietcombank, VietinBank và Agribank cũng đã bắt đầu “nhập cuộc”.

Vietcombank với hình thức gửi tại quầy, dù vẫn thấp hơn so với mức trần quy định nhưng lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng đã tăng mạnh tới 1 điểm % lên 4,1-4,4%/năm. Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tăng 0,8 điểm %, lên 6,4%/năm.

Với Kienlongbank, lãi suất huy động các kỳ hạn cũng tăng từ 0,3 đến 1 điểm %, lên mức cao nhất là 7,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất kỳ hạn dưới 1 tháng được đẩy lên mức cao nhất là 0,5%/năm, từ 1 đến dưới 6 tháng tăng từ 4%/năm lên mức tối đa 5%/năm. Các kỳ hạn gửi khác cũng được điều chỉnh tăng từ 0,3 đến 0,4 điểm%/năm.

Ngân hàng Bản Việt mới đây cũng đã tăng lãi suất huy động tại một loạt các kỳ hạn. Trong đó, lãi suất kỳ hạn dưới 1 tháng cũng được tăng thêm 0,3 điểm%, lên 0,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tăng mạnh từ 3,9%/năm lên 5%/năm, kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng cũng tăng từ 0,4 đến 0,5 điểm % so với đầu tháng, dao động từ 6,8% đến 7%/năm, và mức cao nhất là 7,3%/năm.

Còn Agribank cũng vừa cập nhật biểu lãi suất huy động mới với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên mức 0,3%/năm trong khi lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ 4,1 - 4,4%/năm, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 6,4%/năm.

Tương tự VietinBank, mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng - dưới 3 tháng của nhà băng này đã tăng thêm 1 điểm %, lên 4,1%/năm, lãi suất từ 3 tháng - dưới 6 tháng tăng lên 4,4%/năm. Với kỳ từ 12 tháng trở lên, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất mới 6,4%/năm, cao hơn 0,8 điểm %/năm so với trước.

Xu hướng tăng của lãi suất huy động nói lên điều gì?

Theo đánh giá của VNDirect, năm 2023 đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì do NHNN tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, đồng thời ngân hàng thương mại tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.

Nhóm phân tích dự báo, lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, theo đó, lãi suất bình quân đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng sẽ tăng lên mức 6,6-6,8%/năm vào cuối năm 2023.

Còn trong năm, lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3 - 0,5 điểm % trong những tháng cuối năm 2022, đưa lãi suất tiền gửi bình quân cho kỳ hạn 12 tháng tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022. Dù vậy, mức lãi suất này vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.

Theo nhà phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục các bước điều chỉnh linh hoạt, theo sát diễn biến thị trường. Cụ thể, sau khi Fed có những đánh giá lại về kỳ vọng lãi suất điều hành, NHNN sẽ có động thái điều chỉnh linh hoạt hơn nữa cho năm 2023 bao gồm cân nhắc tăng tỷ giá trung tâm và tăng giá bán ngoại tệ với mức giảm giá phù hợp của VND khoảng 3% - 4% phù hợp diễn biến thị trường ngoại hối.

Tại thời điểm này, mức giảm giá của VND so với nhiều quốc giá khác vẫn ở mức thấp. Ngoài ra, cũng giống như các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới, NHNN cũng sẽ nhắm tới mục tiêu các định hướng rõ ràng, tiến hành thay đổi lãi suất, tỷ giá theo từng bước, tránh giật cục, gây cú sốc trên thị trường.

Đồng thời, các bước điều chỉnh cũng sẽ được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng nhằm tránh có khoảng cách khác biệt quá lớn đối với phần đông các NHTW khác. NHNN cũng được dự báo sẽ có động thái hợp lý nữa về việc tăng lãi suất điều hành để tránh tạo ra khoảng cách quá lớn trong điều hành so với mặt bằng chung xu hướng của nhiều quốc gia lớn trên thế giới. Điều này đã hiện thực hóa ngày 22/9 khi NHNN công bố tăng lãi suất điều hành với mức tăng 1%, có hiệu lực từ ngày 23/9.

Bên cạnh đó, lãi suất tiếp tục tăng khiến cho các dư địa điều hành mang tính chất định hướng giảm sức nặng trong khi nguồn lực của NHNN còn hạn chế được xem là tín hiệu không tích cực. Cùng với đó, trên thị trường thế giới, Fed và nhiều NHTW khác sẽ tiếp tục quyết liệt tăng lãi suất nhằm tránh khỏi vòng xoáy tiền lương - giá cả.

Do đó, dự báo trong giai đoạn tiếp theo, mặt bằng lãi suất huy động tăng 1,5 - 2 điểm%, lãi suất liên ngân hàng nhìn chung sẽ cao hơn đáng kể các năm trước và khó có khả năng thấp hơn ngưỡng 4%.

Ngay sau thông báo của NHNN, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động, đặc biệt tăng mạnh đối với kỳ hạn dưới 6 tháng

Sau khi Fed tăng lãi suất, chỉ số USD Index liên tục tăng vượt đỉnh trong thời gian qua. Đồng đô la Mỹ lên giá và duy trì sức mạnh tương đối so với các đồng tiền khác và VND cũng không phải là ngoại lệ. Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ có diễn biến không quá thuận lợi so với các năm trước, đặt trong bối cảnh Việt Nam nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu trong giai đoạn giá cả tăng cao.

Theo các chuyên gia, trước các rủi ro bất định gia tăng, mặt bằng lãi suất chịu áp lực tăng trên cả thị trường 1 và thị trường 2 ghi nhận rõ nét nhất đối với thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động. Có thể thấy giai đoạn này thanh khoản thị trường liên ngân hàng không còn dồi dào so với giai đoạn trước.

Đồng USD tăng giá mạnh sau khi FED tăng lãi suất
Đồng USD tăng giá mạnh sau khi FED tăng lãi suất.

Cùng lúc, nền kinh tế ghi nhận thách thức ổn định vĩ mô là áp lực tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, lạm phát kỳ vọng ở mức cao trong dài hạn khiến nhà điều hành tiếp tục có động thái thận trọng. Với ưu tiên chính sách hàng đầu là duy trì các yếu tố ổn định (kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá), NHNN không thể quá mạnh tay trong việc duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào, nhằm mục tiêu giảm sức hấp dẫn với việc nắm giữ đồng USD.

Lãi suất huy động đã tăng 0,9 - 1,1 điểm %, phần nào thể hiện nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng thương mại đã có thay đổi đáng kể so với giai đoạn dịch bệnh. Các chuyên gia cho rằng, xu hướng tăng của lãi suất huy động cũng được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng.

Trong giai đoạn này, chính sách tiền tệ thắt chặt trở nên khá rõ nét ở các NHTW lớn đặt ra bài toán về lãi suất tăng trong dài hạn trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, các NHTW cần đảm bảo mục tiêu liên quan đến lạm phát và sự cân đối trong tương quan về chính sách tiền tệ so với các NHTW khác, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. VCBS đánh giá trong giai đoạn này ưu tiên hàng đầu về chính sách của Việt Nam là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô khi các yếu tố bất định gia tăng.

Lãi suất cho vay cơ bản của Fed được điều chỉnh tăng 75 điểm phần trăm (0,75%), dao động trong biên độ từ 3 - 3,25%

Nhóm phân tích của Dragon Capital cho rằng, trong môi trường lãi suất tăng, mức lợi nhuận kỳ vọng đối với thị trường chứng khoán sẽ khó vượt trội. Ngắn hạn, thị trường sẽ có nhiều biến động phụ thuộc vào diễn biến trên thế giới. Tuy nhiên, về mặt định giá, ước tính P/E của VN-Index sẽ về mức 12,1x sau khi phản ánh kết quả kinh doanh quý III, so với mức đáy COVID tháng 3/2020 là 10,4x. Mức định giá này thấp hơn 2 lần độ lệch chuẩn của hệ số P/E trong 5 năm qua.

Lịch sử cho thấy, nhà đầu tư thường mất mục tiêu đầu tư dài hạn bởi những biến động ngắn hạn và quay lại khi thị trường đã hồi phục hoặc đã rất nóng. Do đó, mức lợi nhuận kỳ vọng không còn hấp dẫn.

Chuyên gia VDSC cho rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam trong thời gian tới vẫn theo hướng thận trọng và chặt chẽ, theo sát diễn biến của kinh tế thế giới (mà đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc)
Chuyên gia VDSC cho rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam trong thời gian tới vẫn theo hướng thận trọng và chặt chẽ, theo sát diễn biến của kinh tế thế giới (đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc).

Các chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư vẫn nên kiên trì theo đuổi kế hoạch tài chính đã đặt ra. Về phía các quỹ, chúng tôi cũng đã và đang chủ động theo dõi sát diễn biến của thị trường, giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu có tính chu kỳ cao và gia tăng nắm giữ cổ phiếu các ngành hàng tiêu dùng, thiết yếu đồng thời giữ lượng tiền mặt ở mức hợp lý nhằm tranh thủ nắm bắt các cơ hội đầu tư trong thời gian tới.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới hội sở của Mirae Asset Việt Nam cũng nhận định, mặt bằng lãi suất huy động tăng và giá vốn huy động bình quân của ngành ngân hàng sẽ tăng. Nếu thực hiện theo kêu gọi của Thủ tướng về giữ ổn định lãi suất cho vay thì rõ ràng NIM (biên gộp) của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, câu chuyện lãi suất huy động tăng và NIM của nhóm ngân hàng bị ảnh hưởng trong nửa cuối năm 2022 là các tin tức thị trường chứng khoán đón nhận nhiều tháng qua. Vì vậy, các ảnh hưởng đã phản ánh một phần lớn khiến định giá nhóm ngân hàng khá hấp dẫn ở góc nhìn trung hạn.

Các loại lãi suất điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đang xoay chiều từ việc giảm mạnh để hỗ trợ nền kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19 sang tăng lãi suất để phù hợp áp lực lạm phát và đồng USD tăng giá. Trần lãi suất huy động được cơ quan quản lý dùng để hạn chế cuộc đua cạnh tranh lãi suất của các ngân hàng dẫn đến lãi suất CASA là gần như nhau giữa các ngân hàng (0,2%) và lãi suất huy động từ 1 đến dưới 6 tháng tối đa 4%/năm. Do đó, ông Tuấn cho rằng sự chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng dù nhỏ hay lớn ở kỳ hạn dưới 6 tháng là không quá lớn, qua đó hạn chế cạnh tranh về huy động.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, các doanh nghiệp phi tài chính và sản xuất nào vay nợ nhiều sẽ bị tăng chi phí tài chính như bất động sản, vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp có quy mô nợ trên vốn cao... Ngược lại, các doanh nghiệp có tiền mặt nhiều, nợ ít sẽ sở hữu lợi thế, kể đến như bảo hiểm, các doanh nghiệp xuất khẩu thu ngoại tệ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top