Aa

Điều kiện để được phép mua bán chung cư năm 2021

Thứ Hai, 10/05/2021 - 13:35

Để được phép mua bán chung cư, các bên liên quan cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều kiện để nhà chung cư được phép mua bán

Điều 3 Luật Nhà ở 2014 quy định, nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.

Đồng thời theo Điều 118 Luật Nhà ở 2014, điều kiện để nhà chung cư được phép bán bao gồm:

- Có giấy chứng nhận.

- Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu.

- Đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn.

- Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật.

- Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.

Để được phép mua bán, nhà chung cư không được thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu.
Để được phép mua bán, nhà chung cư không được thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu. Ảnh: Phan Anh

Điều kiện để người dân được phép mua bán chung cư

Tại Điều 119 Luật Nhà ở 2014 đã quy định chi tiết về điều kiện của các bên khi tham gia giao dịch về nhà ở. Theo đó, để được phép mua bán chung cư, các bên liên quan phải đáp ứng điều kiện được phép giao dịch nhà ở, cụ thể:

- Đối với bên bán:

+ Phải là chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện việc mua bán chung cư.

+ Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân.

- Đối với bên mua:

+ Nếu là cá nhân trong nước thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không bắt buộc phải có đăng ký thường trú tại nơi có nhà chung cư.

+ Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc thường trú tại nơi có chung cư.

+ Nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân, không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi thành lập.

+ Nếu là tổ chức nước ngoài thì phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nếu được ủy quyền quản lý thì phải có chức năng kinh doanh dịch vụ bất động sản và đang hoạt động tại Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top