Aa

Điều lệ sửa đổi, bổ sung Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ V

Thứ Tư, 08/06/2022 - 16:40

Chiều ngày 8/6, sau khi báo cáo Đại hội cho ý kiến thống nhất, Ban Chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ V đã hoàn thiện dự thảo Điều lệ Hiệp hội.

Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã đoàn kết gắn bó và thu hút được hầu hết các doanh nghiệp lớn trong cả nước hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, là cầu nối tin cậy của các doanh nghiệp hội viên với Nhà nước, phản ánh kịp thời các khó khăn vướng mắc với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, địa phương để tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp hội viên. Chặng đường đã qua chứng kiến sự lớn mạnh và phát triển của các doanh nghiệp hội viên, tạo ra những sự thay đổi tích cực đóng góp cho bộ mặt đô thị Việt Nam hiện đại hơn, tiện nghi hơn, thay đổi chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân tại khu vực đô thị lớn lẫn địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, đặc biệt là trong nhiệm kỳ IV (2016 - 2022), Hiệp hội nhận thấy còn có một số khó khăn khi triển khai công tác của Hiệp hội theo quy định của Điều lệ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số 2604/QĐ-BNV ngày 04/10/2017. Vì vậy, Ban chấp hành Hiệp hội đã soạn thảo và trình Đại hội nhiệm kỳ V Ban Chấp hành Hiệp hội báo cáo Đại hội về nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hiệp hội.

Sự cần thiết sửa đổi điều lệ

Điều lệ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số 2604/QĐ-BNV ngày 04/10/2017 cơ bản đã phù hợp, đáp ứng được những điều kiện thực tế, pháp lý trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện 05 năm đến nay, điều kiện thực tế có nhiều thay đổi, vì vậy, Hiệp hội thấy cần có những sửa đổi Điều lệ để phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là về hội viên, cụ thể như sau:

Thứ nhất, trong hoạt động của mình, Hiệp hội luôn chú trọng phát triển số lượng, chất lượng hội viên và mạng lưới hội viên cả nước. Đến nay, tổng số hội viên trực tiếp của Hiệp hội là 383 hội viên. Hội viên gián tiếp thông qua các hội, chi hội trực thuộc lên đến hàng chục ngàn hội viên. Các hội viên có mặt trên khắp các tỉnh thành, địa phương trên cả nước.

Ngoài các cơ quan chức năng như Văn phòng Hiệp hội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến Đầu tư Bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội còn có 2 Chi hội trực thuộc gồm: Chi hội Bất động sản Du lịch Việt Nam, Chi hội Môi giới Bất động sản Việt Nam và Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội.

Trong đó có Chi hội Môi giới Bất động sản Việt Nam là tổ chức có số lượng hội viên lớn gồm các sàn giao dịch bất động sản và các nhà môi giới với nhiều hội viên. Chi hội Bất động sản du lịch, Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cũng có nhiều hội viên là tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản du lịch và bất động sản nhà ở trên phạm vi cả nước. Mặc dù được Hiệp hội thành lập và hoạt động tuân thủ Điều lệ của Hiệp hội, trong khi ở các tỉnh, thành phố thành lập các hội bất động sản, hội môi giới vì vậy, để thống nhất tên gọi, Hiệp hội trình Đại hội cho phép báo cáo Bộ Nội vụ đổi tên từ “Chi Hội” sang “Hội” trực thuộc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Đại hội giao lại cho Ban Thường vụ nghiên cứu mô hình “Hội” chuyên ngành như “Hội Môi giới, Hội Bất động sản Du lịch, Câu lạc bộ Bất động sản và các hội khác để có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng để báo cáo Bộ Nội vụ”.

Thứ hai, thị trường bất động sản Việt Nam tuy mới hình thành nhưng đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, nhất là trong thời gian 10 năm trở lại đây. Thị trường bất động sản không chỉ sôi động ở các trung tâm đô thị lớn mà còn mở rộng ra hầu khắp các đô thị lớn, nhỏ trên phạm vi cả nước. Kéo theo đó là sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của các chủ thể thị trường như các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản, các đơn vị tư vấn, các nhà môi giới bất động sản ở các địa phương. Trước nhu cầu hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và bảo vệ quyền lợi, nhiều hiệp hội bất động sản, hội môi giới bất động sản đã được thành lập ở quy mô địa phương.

Nhiều hiệp hội bất động sản, hội môi giới bất động sản địa phương có hoạt động tích cực, nhưng có quy mô hoạt động hẹp, ít kinh nghiệm, không được giao lưu quốc tế nên đã làm đơn tham gia là thành viên của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Đến nay đã có 11 Hiệp hội, Hội địa phương đã tham gia hoạt động với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, gồm: Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng, Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng, Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ, Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai, Hiệp hội Bất động sản Thái Bình, Hiệp hội Bất động sản Nghệ An, Hiệp hội Bất động sản Bắc Giang và Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa, Hiệp hội Bất động sản Bình Dương, Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk, Hiệp hội Bất động sản Thừa Thiên - Huế.

Việc tham gia làm thành viên Hiệp hội của các Hiệp hội, Hội địa phương không chỉ tạo thêm sức mạnh cho Hiệp hội Bất động sản Việt Nam mà còn tạo điều kiện để các Hiệp hội, Hội địa phương cũng như các hội viên của các Hội này được tham gia hoạt động với quy mô cả nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời giúp Hiệp hội, cũng như các bộ ngành Trung ương bao quát tình hình thị trường bất động sản chung của cả nước. Hiệp hội đề nghị các địa phương khi thành lập thì đặt tên chung là “Hội” để thống nhất.

Tuy nhiên, trong Điều lệ Hiệp hội hiện nay chưa có quy định cụ thể về các hội thành viên. Ban Chấp hành Hiệp hội trình Đại hội giao cho Ban Thường vụ nghiên cứu theo hướng các Hội địa phương được tham gia là hội thành viên Hiệp hội, hoạt động theo Điều lệ Hiệp hội. Trên cơ sở đó, báo cáo Bộ Nội vụ.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ tạo cơ sở cho Hiệp hội hoạt động tốt hơn, hỗ trợ tốt hơn cho việc phát triển thị trường bất động sản, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hiệp hội.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đọc dự thảo Điều lệ Hiệp hội BĐS Việt Nam khóa V.

Những điểm sửa đổi, bổ sung

Từ những trình bày ở trên, Ban Chấp hành Hiệp hội đã báo cáo Đại hội cho ý kiến thống nhất để Ban Chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ V hoàn thiện dự thảo Điều lệ Hiệp hội và trình Bộ Nội vụ.

Theo đó, danh sách những nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ được Đại hội thông qua bao gồm:

Thứ nhất, khoản 2 Điều 3 được sửa đổi thành: “Trụ sở của Hiệp hội: Đặt tại Hà Nội – Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Thứ hai, điểm a khoản 1 Điều 8 được sửa đổi thành: “Hội thành viên: Là các hội, Hiệp hội bất động sản, Hội Môi giới bất động sản ở địa phương (gọi chung là hội), nhất trí tuân thủ Điều lệ Hiệp hội và tự nguyện ký đơn xin gia nhập Hiệp hội”.

Ngoài ra, “Hội viên tập thể” cũng được thay thế bằng “Hội viên tổ chức”.

Thứ ba, điểm b khoản 1 Điều 11 được sửa đổi, bổ sung thành: “b) Giấy phép, Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập Doanh nghiệp (bản sao) đối với doanh nghiệp; Đối với cá nhân cần có giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu) theo quy định hiện hành của pháp luật”.

Thứ tư, khoản 6 Điều 12 được bổ sung thêm “liên chi hội”.

Thứ năm, Điều 17 được bổ sung thêm khoản 6: “Đối với lĩnh vực có tính đặc thù chuyên môn riêng của bất động sản mà có nhiều doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động, đã tham gia là thành viên của Hiệp hội thì Hiệp hội có thể thành lập chi hội thành viên chuyên ngành riêng trực thuộc Hiệp hội sau khi được Bộ Nội vụ chấp thuận. Chi hội thành viên chuyên ngành thuộc Hiệp hội hoạt động theo Quy chế do Ban Thường vụ Hiệp hội phê duyệt. Nguồn tài chính của chi hội thành viên chuyên ngành do đóng góp tự nguyện của hội viên và sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top