Tại Việt Nam, tốc độ phát trển đô thị, các khu công nghiệp rất mạnh, dẫn đến hiện tượng di cư rất lớn diễn ra trong toàn quốc. Để đảm bảo chất lượng cuộc sống, công việc cho đối tượng này cần đáp ứng được tiêu chí có an cư mới lạc nghiệp. Do đó, phát triển nhà ở cho người di cư tại đô thị và khu công nghiệp đòi hỏi nhiều cơ chế chính sách liên quan.
Nhìn lại giai đoạn phát triển nhà ở cho người di cư
Thời bao cấp, toàn bộ nguồn ngân sách của Nhà nước đã được dùng để xây dựng nhà ở cho đối tượng di cư tại các đô thị và khu công nghiệp là nhà tập thể. Đó là các nhà ở công nhân của khu công nghiệp Thượng Đình (Cơ khí, Cao Xà Lá), khu công nghiệp Dệt (8/3, sợi Hà Nội), khu công nghiệp hoá chất Việt Trì, nhà ở công nhân các Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Phân đạm Hà Bắc… Sau này là các khu nhà ở Thuỷ điện Hoà Bình, Trị An…
Do số lượng dân cư di dân lúc đó không lớn, chủ đầu tư sau khi trừ đi số lượng cán bộ, công nhân viên ở địa phương (có chính sách nhà ở cho thuê riêng) đều cơ bản đảm bảo cho cuộc sống tập thể của những cán bộ công nhân di cư đến các khu vực này làm việc.
Từ 1985 đến 2005 (trước khi có Luật Nhà ở), do tốc độ phát triển yêu cầu nhà ở của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động ngày càng lớn, Nhà nước đã chuyển tiền nhà ở vào lương (thực chất chỉ trên danh nghĩa chứ không được là bao, thậm chí lạm phát dẫn đến nhiều người lao động lương không đảm bảo cuộc sống, chưa tính đến phát triển nhà). Thị trường nhà ở tự phát theo cơ chế trị trường. Đây là bước phát triển khá mạnh phát huy sức mạnh tổng hợp bằng quỹ đất, nguồn vốn trong dân và mọi thành phần khác nhưng chủ yếu là nhà ở cho những người có điều kiện kinh tế.
Tuy nhiên, một lực lượng rất đông đảo chiếm tuyệt đại đa số người lao động đến làm việc tại đô thị và khu công nghiệp (bao gồm cả cán bộ làm việc tại các cơ quan, nhà máy, công ty và người làm nghề tự do) không có điều kiện kinh tế phải đi ở nhờ, ở nhà cho thuê hết sức tồi tệ. Đó là các khu nhà trọ do dân tạo lập không ánh sáng mặt trời, ẩm thấp, chật chội, WC chung, nóng bức…
Người lao động tại các thành phố lớn phần lớn vẫn sinh sống trong môi trường còn nhiều thiếu thốn về tiện ích, mất an ninh, an toàn (Ảnh sưu tầm).
Giai đoạn từ sau khi có Luật Nhà ở (năm 2005), Luật Nhà ở 2014 cho đến nay, đã sửa đổi, ban hành nhiều chính sách, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể về đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân… Tuy nhiên, các kết quả đạt được vẫn rất khiêm tốn so với yêu cầu và vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 173 dự án nhà ở cho công nhân, với số lượng khoảng 129.400 căn hộ; trong đó đã hoàn thành 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ, đang tiếp tục triển khai 73 dự án với quy mô xây dựng khoảng 88.400 căn hộ.
Vấn đề nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động cũng được nhắc Trong Luật Xây dựng, Luật Nhà ở đã đề cập ở trên. Mọi của cải vật chất trong xã hội nếu không có bàn tay người công nhân, người lao động thì không bao giờ có hiệu quả cao nên chất lượng sống của họ cũng cần được nâng cao.
Nhìn nhận nguyên nhân
Sự thiếu hụt nhà ở cho bộ phận người di cư tại đô thị và khu công nghiệp đến từ nhiều nguyên nhân, có thể kế đến một số như sau:
Thứ nhất, chưa có cơ chế chính sách khuyến khích cụ thể và đủ mạnh tạo mọi điều kiện ưu đãi cho các chủ đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế (kể cả chủ đầu tư các dự án khu công nghiệp) đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho thuê.
Thứ hai, có những khu nhà ở giá rẻ cho công nhân xây lên nhưng không thu hút người dân đến ở do không đồng bộ hạ tầng xã hội, không đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đi lại khó khăn, giá cả không phù hợp. Rất nhiều khu nhà ở hiện tại không có trường học công, nhà trẻ công, bệnh viện công... mà thay vào đó là những dịch vụ tư nhân, giá cả rất đắt đỏ trong khi mức lương của công nhân, viên chức, người lao động thì “ba cọc ba đồng”.
Thứ ba, có một đối tượng hiện tại chưa được quan tâm đúng mức trong Luật Nhà ở hiện hành, đó là đối tượng người ngoại tỉnh lên thành phố sống ở các khu ngõ ngách, các nhà ở tạm, các khu ổ chuột kiểu cũ và kiểu mới. Họ sẽ được giải quyết như thế nào? Thực ra, cũng đã có một vài chính sách giải quyết vấn đề này, nhưng chưa đạt được kết quả tốt nhất. Mặt khác, tỷ lệ nhà ở cho đối tượng là công nhân ngoại tỉnh đến làm việc tại các khu công nghiệp đang rất thấp. Trong khi họ chính là những đối tượng cần được quan tâm và nên được “Luật hóa”.
Thứ tư, hành lang pháp lý để hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội và người mua nhà tuy đã được tháo gỡ nhưng vẫn còn vô số những vướng mắc. Cụ thể, các thủ tục xin cấp dự án vẫn còn quá phức tạp, qua nhiều khâu, quá trình kiểm tra, kiểm toán trong vận hành dự án lại bị chi phối bởi nhiều đầu mối, dẫn đến chi phí ảo tăng lên. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các gói tín dụng nhà ở trong thực tế vẫn rất khó khăn đối với người mua. Ngoài ra, các giải pháp công nghệ áp dụng đều mang tính chất thử nghiệm theo thế mạnh của từng đơn vị…
Một số kiến nghị tháo gỡ
Phát triển nhà ở cho người di cư tại đô thị và khu công nghiệp là công việc thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước để thực hiện các quyền về nhà ở cho nhân dân theo quy định của Hiến pháp. Theo đó Nhà nước cần có đưa ra các quy định pháp luật tạo điều kiện xây dựng phát triển nhà ở cho người lao động, người di cư bằng vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác.
Ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, cơ chế quản lý để khuyến khích các chủ đầu tư các dự án thuộc các khu, cụm công nghiệp, nhân dân có điều kiện sống liền kề các khu công nghiệp… được làm nhà ở cho thuê nhưng phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng chất lượng sống của người thuê. Đồng thời, có cơ chế chính sách bảo vệ quyền lợi cho người thuê và cả người cho thuê.
Bài học kinh nghiệm của chính quyền Hàn Quốc thời kỳ đầu phát triển là “Nhà nước xây dựng toàn bộ nhà ở cho người lao động thuê”. Tại các thành phố lớn Thâm Quyến của Trung Quốc, có khoảng 12 triệu dân, trong đó có hơn 60% là dân nhập cư sống trong các toà nhà chung cư cho thuê. Những toà chung cư này, ban đầu là Nhà nước xây dựng, sau là các chủ đầu tư tự bỏ vốn)…
Nhà nước cần có quy định liên quan đến quy hoạch các khu Nhà nước cạnh khu công nghiệp dành cho người lao động, công nhân di cư đến ở và làm việc. Nhà nước cần có cơ quan chuyên trách nghiên cứu, tổng hợp nhằm dự báo nhu cầu nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho người di cư theo từng khu vực, theo thời gian từ đó cung cấp thông tin công khai minh bạch phục vụ cho công tác: Quy hoạch khu đô thị mới, khu nhà ở gắn liền với khu công nghiệp; cung cấp cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng loại nhà ở này đáp ứng yêu cầu số lượng, chủng loại từng giai đoạn.
Nhà nước nên xem xét ban hành chính sách, quy định bắt buộc các chủ doanh nghiệp sử dụng lao động phải có trách nhiệm dành một tỷ lệ vốn tham gia giải quyết nhà ở cho người lao động thông qua việc đóng góp tài chính hoặc tự xây nhà ở cho người lao động thuê, mua. Những doanh nghiệp có sử dụng trên 1.000 lao động cần phải có chương trình, kế hoạch và dành nguồn kinh phí cụ thể chăm lo chỗ ở cho công nhân lao động.
Việc phát triển các khu công nghiệp phải gắn liền với giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân lao động. Điều này không chỉ giúp tạo thế “an cư lạc nghiệp” cho hàng triệu người lao động góp phần ổn định xã hội, mà còn đóng góp chung vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội bền vững của đất nước.
Cuối cùng, nghiên cứu phương án thu hẹp phạm vi đối tượng nhà ở xã hội, còn các loại nhà khác nên chuyển thành nhà giá rẻ để cho thuê, thuê mua, mua trả góp, để bán. Nhà ở xã hội sử dụng nguồn vốn Nhà nước hoặc được trợ cấp rất lớn nên dành cho đối tượng cần trợ cấp, chứ không phải dành cho những đối tượng rộng rãi như hiện nay (cán bộ công chức, lực lượng vũ trang...) và những đối tượng này nên chuyển sang loại nhà ở giá rẻ.