Tăng ưu đãi để kiếm khách thuê
Nửa đầu năm 2021, dù ảnh hưởng của Covid-19, nhưng các thống kê vẫn cho thấy tình hình hoạt động của phân khúc văn phòng cho thuê khá ổn định. Riêng quý II/2021, Công ty Savills Việt Nam ghi nhận công suất cho thuê trung bình 90%, tăng 1 điểm phần trăm theo quý và giá thuê ổn định ở mức 31 USD/m2/tháng.
Xét về nhu cầu, lượng tiêu thụ quý II/2021 là 30.600 m2 và đạt 68.600 m2 trong 6 tháng đầu năm 2021, chủ yếu đến từ các dự án hạng B gia nhập thị trường trong thời gian gần đây. Các giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2021 chủ yếu đến từ các khách thuê ngành dịch vụ cung cấp (chiếm 36% diện tích đã thuê), công nghệ thông tin (chiếm 21%), vận tải và logistics (chiếm 9%).
Theo khảo sát của CBRE Việt Nam, trong năm 2021 tại TP.HCM sẽ có thêm hơn 74.000m2 diện tích văn phòng mới, đến từ 5 Dự án văn phòng hạng B là AP Tower, Pearl 5 Tower, Cobi Tower, The Graces, Saigon First House. Sang năm 2022, thị trường văn phòng thành phố dự báo có thêm nguồn cung văn phòng hạng A mới.
Dù có sự tăng trưởng đáng kể, song việc Covid-19 kéo dài cũng khiến các đơn vị khai thác thay đổi chiến lược kinh doanh khi khách thuê có phản ứng yêu cầu hạ giá do doanh thu sụt giảm, nhiều khách thuê buộc phải trả lại một phần hoặc toàn bộ mặt bằng văn phòng.
Đại diện một đơn vị đang quản lý vận hành gần 10 tòa nhà cho thuê tại quận 1, 3, Bình Thạnh (TP.HCM) xác nhận, thị trường văn phòng vẫn còn rất khó khăn và làn sóng yêu cầu giảm giá, thậm chí miễn giá thuê hay trả lại mặt bằng đang mạnh mẽ. Hệ thống các tòa nhà cho thuê của đơn vị này đã xem xét và giảm 30 - 50% giá thuê văn phòng cho các công ty có hợp đồng thuê dài hạn, tùy vào đặc thù ngành nghề.
Với các đơn vị mất doanh thu suốt quý II/2021, công ty có thêm chính sách giảm 10% giá thuê trong 6 tháng cuối năm nếu khách thuê chưa thoát khỏi khó khăn.
Theo đại diện doanh nghiệp này, Covid-19 tác động mạnh đến dòng tiền của tất cả thành phần trong xã hội, nếu không có sự hỗ trợ giảm giá thuê, các khách thuê sắp hết hạn hợp đồng chắc chắn sẽ trả mặt bằng, dời đi nơi khác có chi phí rẻ hơn để cắt giảm ngân sách.
Những khách thuê còn hợp đồng sẽ có 2 chọn lựa. Một là, ở lại tòa nhà văn phòng và gồng gánh chi phí. Hai là, phá vỡ hợp đồng. Về bản chất, phía chủ tòa nhà và khách thuê có mối quan hệ tương hỗ. Nếu khách thuê bỏ đi hết, chủ tòa nhà cũng mất doanh thu và tổn thất không ít.
“Đôi bên cùng lùi một bước để hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn là cách giảm thiệt hại cho cả hai phía và tạo cho nhau cơ hội đồng hành về sau”, vị này nói.
Định hình hướng đi mới
Sau một thời gian dài liên tục tăng giá, thị trường văn phòng cho thuê đang đứng trước bước ngoặt lớn phải thay đổi. Theo ghi nhận của phóng viên, đối với sự phát triển nguồn cung của văn phòng lần này, một số đơn vị khai thác đã chú ý nhiều hơn tới việc cung cấp không gian làm việc linh hoạt, tập trung vào sự tương tác, gắn kết và nhu cầu của nhân viên.
Đáng chú ý, lĩnh vực này cũng ghi nhận những thay đổi để bắt kịp với xu hướng sử dụng văn phòng trên thế giới, trong đó bao gồm nguồn cầu đối với văn phòng linh hoạt, văn phòng chia sẻ (co-working) và văn phòng ảo.
Nhận định về xu hướng thay đổi trong nhu cầu đối với văn phòng tại thị trường Việt Nam, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội chia sẻ, nhu cầu về thiết kế văn phòng đã bắt đầu thay đổi theo hướng linh hoạt, doanh nghiệp trở nên chú trọng hơn tới việc tích hợp các tiện ích như phòng họp với công năng đa dạng, các phòng đào tạo, khu vực nghỉ trưa và khu vực thư giãn nhằm tăng tương tác nội bộ và đảm bảo sức khoẻ tinh thần cũng như thể chất của nhân viên.
Khi các nền tảng hội nghị trực tuyến tiếp tục trở nên phổ biến, doanh nghiệp sẽ cần quản lý chiến lược bố trí phòng họp theo hướng hiệu quả hơn. Sự kết hợp giữa những tiện ích thực tế tại văn phòng và tiện ích trực tuyến đã phần nào hạn chế được tình trạng làm việc quá sức của nhân viên, giảm tải áp lực cần phải ở văn phòng để chứng minh hiệu suất làm việc của mình.
Việc chuyển sang không gian làm việc linh hoạt có thể là một yếu tố gây xáo trộn thị trường văn phòng. Song, “xu hướng nhân viên sẽ làm việc linh hoạt, thay vì khách đến thăm văn phòng như trước đây”, bà Nguyệt Minh nói.
Có một điểm đáng chú ý trong việc phát triển thị trường văn phòng lần này là đại dịch làm rõ hơn sự xuất hiện của một phân khúc ngách là văn phòng ảo. Trong giai đoạn dịch bệnh, dịch vụ văn phòng ảo được các start-up và doanh nghiệp có quy mô nhỏ xem là giải pháp tối ưu về tài chính so với thuê mặt bằng văn phòng.
Các nhà cung cấp văn phòng ảo giúp người thuê đăng ký địa chỉ chính thức trong tòa nhà của họ, kèm theo các dịch vụ như nhận thư, cung cấp phòng họp khi cần thiết. Các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chỉ cần đăng ký địa chỉ văn phòng và làm việc ở bất cứ đâu.
Một điểm đáng lưu ý khác của thị trường văn phòng trong và sau dịch bệnh là sự quan tâm đối với văn phòng chia sẻ (co-working). Đối tượng sử dụng chính của co-working thường là những công ty khởi nghiệp và các lao động tự do. Lý do mô hình này thu hút là bởi co-working cho phép họ lựa chọn làm việc độc lập trong không gian riêng hoặc trò chuyện, trao đổi và chia sẻ ý tưởng với những người đồng quan điểm./.