Dự thảo nêu rõ, hoạt động trực tiếp thực hiện đánh giá môi trường chiến lược bao gồm: Lập nhiệm vụ, thực hiện và lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.
Trong đó, lập nhiệm vụ gồm hoạt động thu thập thông tin, phân tích tài liệu phục vụ cho việc xác định các nội dung thực hiện đánh giá môi trường chiến lược; xác định các công việc cần thực hiện trong quá trình đánh giá môi trường chiến lược; xây dựng đề cương và dự toán thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.
Thực hiện và lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là: Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về diễn biến của các thành phần môi trường, các di sản thiên nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội của vùng quy hoạch và các khu vực lân cận có khả năng chịu tác động của quy hoạch; xác định phạm vi không gian, thời gian nghiên cứu để thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (vùng lãnh thổ có khả năng chịu tác động (tiêu cực/tích cực) bởi việc quy hoạch; đánh giá sự phù hợp của quan điểm, mục tiêu quy hoạch với quan điểm, mục tiêu, chính sách về bảo vệ môi trường; xác định các vấn đề môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch; phân tích đánh giá lựa chọn các vấn đề môi trường chính của vùng quy hoạch...
Định mức hoạt động trực tiếp thực hiện đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch
Theo dự thảo, định mức tối đa cho thực hiện đánh giá môi trường chiến lược:
Công thức tính: GĐMC = GĐMC chuẩn x H1 x H2 x H3
Trong đó:
GĐMC là định mức cho việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục I Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (đơn vị triệu đồng).
GĐMC chuẩn là định mức cho việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh với địa bàn chuẩn quy mô 5.000km2 được xác định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này (chưa bao gồm định mức thành lập bản đồ).
H1 là hệ số về quy mô diện tích tự nhiên của địa bàn thực hiện đánh giá môi trường chiến lược được xác định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
H2 là hệ số đánh giá mức độ tác động đến môi trường của ngành, lĩnh vực được xác định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh hệ số H2=1.
H3 là hệ số khu vực đặc biệt được xác định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này (hệ số H3 chỉ áp dụng đối với báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của các quy hoạch cấp tỉnh, cấp vùng).
Định mức trên được xây dựng trên cơ sở chia theo 4 mức chuyên gia quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12/01/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và được ký hiệu: chuyên gia tư vấn mức 1 (CG1), chuyên gia tư vấn mức 2 (CG2), chuyên gia tư vấn mức 3 (CG3), chuyên gia tư vấn mức 4 (CG4).
Định mức thành lập bản đồ trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (bao gồm: chồng chập, lồng ghép các bản đồ hiện trạng, diễn biến các vấn đề môi trường; hiện trạng và định hướng hệ thống xử lý môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu để xác định các vấn đề môi trường có liên quan đến quy hoạch và dự báo xu thế, diễn biến của các vấn đề môi trường chính) không nằm trong Phụ lục I của Thông tư này và được thực hiện theo Thông tư 08/2019/TT-BTNMT ngày 05 tháng 7 năm 2019 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật thành lập bản đồ chuyên đề bằng ảnh viễn thám tỷ lệ 1:5.000, 1:10.000, 1:500.000, 1:1.000.000.
Định mức các hoạt động gián tiếp đánh giá môi trường chiến lược
Hoạt động gián tiếp thực hiện đánh giá môi trường chiến lược bao gồm: Lựa chọn tổ chức tư vấn; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tham vấn, lấy ý kiến và quản lý chung.
Định mức cho các hoạt động gián tiếp trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược được nêu rõ như sau:
Các hội nghị, hội thảo, hội đồng trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược bao gồm: Hội đồng xét duyệt đề cương, dự toán thực hiện đánh giá môi trường chiến lược; hội thảo tham vấn các bước thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (xác định phạm vi thực hiện, các bên liên quan, mối liên kết giữa quá trình lập Quy hoạch và thực hiện đánh giá môi trường chiến lược; các vấn đề môi trường chính, đánh giá tác động của Quy hoạch đến môi trường; giải pháp duy trì xu hướng tích cực, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính); hội nghị, hội thảo xin ý kiến để hoàn thiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.
Trên cơ sở các yêu cầu được xác định trong quá trình xây dựng đề cương, cơ quan lập quy hoạch xác định số lượng hội nghị, hội thảo thực hiện đánh giá môi trường chiến lược nhưng không quá 7 lần tổ chức hội nghị, hội thảo.
Định mức thù lao tham gia hội thảo tham vấn, chế độ chi hội nghị, hội thảo và công tác phí trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược được áp dụng theo chế độ hiện hành./.