Aa

Đo lường hiệu quả nền kinh tế số: Thách thức và hướng đi

Thứ Bảy, 16/09/2023 - 06:12

Kinh tế số đóng vai trò quan trọng được xem là nhân tố quyết định giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và điều này được thể hiện rõ trong mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước.

Đo lường nền kinh tế số, qua đó tìm kiếm, khuyến khích các ngành, hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn tới. PV có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê về vấn đề này.

PV: Là cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì biên soạn, công bố các chỉ tiêu kinh tế số, ông có thể cho biết một số thông tin về công tác đo lường kinh tế số?

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Ông Lê Trung Hiếu: Để phục vụ đo lường nền kinh tế số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT quy định Hệ thống chỉ tiêu kinh tế số gồm 50 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP”, và cũng là một trong 230 chỉ tiêu thống kê quốc gia được quy định trong Luật Thống kê sửa đổi và trong Nghị định số 94/2022/NĐ-CP. Nội dung chỉ tiêu này được quy định rõ về khái niệm, phương pháp tính, phân bổ chủ yếu, nguồn số liệu và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp và công bố. Bên cạnh đó, Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cũng có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn”.

Các chỉ tiêu này do Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm chủ trì thu thập, tổng hợp, biên soạn và công bố. Tuy nhiên, hiện nay việc đo lường kinh tế số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP/GRDP. Đây là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tổng hợp mới, khó và phức tạp cả về lý luận và thực tiễn, liên quan đến hầu hết các hoạt động của nền kinh tế. Hiện nay, Cơ quan thống kê Liên hợp quốc chưa ban hành phương pháp luận và tài liệu hướng dẫn để thống nhất thực hiện biên soạn chỉ tiêu này trên toàn thế giới.

Để đo lường chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP, Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ADB… với mục đích xây dựng phương pháp tính chỉ tiêu kinh tế số phù hợp với lý luận chung của Tài khoản quốc gia và thực tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức, chuyên gia quốc tế, chuyên gia trong nước để tìm ra phương pháp tối ưu nhằm đo lường chỉ tiêu này.

Ảnh minh họa

PV: Vậy tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP được ghi nhận và đã có chuyển biến như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

Ông Lê Trung Hiếu: Qua nhiều phiên làm việc, hội thảo với chuyên gia quốc tế và trong nước, hiện nay Tổng cục Thống kê đã cơ bản thống nhất về phương pháp luận biên soạn chỉ tiêu này; đồng thời đã tích hợp vào các cuộc điều tra hàng năm, khai thác dữ liệu hiện có để có nguồn thông tin đầu vào khá đầy đủ để biên soạn chỉ tiêu. Kết quả tính toán thử nghiệm kinh tế số sơ bộ từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP bình quân giai đoạn 2019 - 2022 đạt khoảng 11,53%. Riêng năm 2022 là 12,86%, trong đó ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,82% (chiếm 60,85%); số hóa các ngành khác đóng góp 5,03% (chiếm 39,15%).

Theo khu vực kinh tế, đóng góp kinh tế số của khu vực dịch vụ trong GDP cao nhất, bình quân giai đoạn 2019-2022 đạt 6,60%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 5,97%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ trọng thấp nhất, chỉ đóng góp khoảng 0,05% trong GDP. Nhìn chung, giai đoạn 2019 - 2022, quy mô của kinh tế số có xu hướng gia tăng, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường, đặc biệt là các ngành dịch vụ.

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế số giai đoạn 2019 - 2022 lần lượt là 6,30%, 11,27%, 7,07% và 7,30%. Kết quả đo lường cũng cho thấy, ngành kinh tế số lõi năm 2022 có tốc độ tăng trưởng giảm, chủ yếu do ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học với tốc độ tăng trưởng năm 2019 tăng 4,50%, năm 2020 tăng 18,04%, năm 2021 là 11,14% nhưng năm 2022 chỉ còn khoảng 7,0%, trong khi đó hoạt động số hóa lại có xu hướng tăng cụ thể giai đoạn 2019 - 2022 tăng lần lượt là 5,06%, 12,31%, 6,56% và 7,17%.

Tuy nhiên, hoạt động của ngành kinh tế số lõi vẫn có những đóng góp quan trọng vào nền kinh tế số cũng như kinh tế nói chung ở Việt Nam. Hiện giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế số lõi chiếm khoảng 60% trong tổng giá trị tăng thêm kinh tế số của cả nước, trong đó riêng ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học chiếm khoảng 37%. Giá trị số hóa của các ngành kinh tế khác trung bình cả nước chiếm khoảng 40% và tập trung ở các khu vực dịch vụ, tuy nhiên do đặc đặc thù kinh tế của mỗi địa phương nên tỷ trọng này ở các tỉnh/thành phố là khác nhau.

Một số tỉnh có tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số năm 2022 trong GRDP cao chủ yếu do đóng góp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học như: Bắc Ninh (50,73%), Thái Nguyên (39,92%), Bắc Giang (30,31%), Hải Phòng (26,81%), Vĩnh Phúc (24,23%)…Đây là những địa phương có điều kiện thuận lợi trong thu hút nguồn vốn FDI, sản xuất các ngành kinh tế số lõi phát triển với cơ cấu chiếm khoảng 90% giá trị gia tăng của kinh tế số của địa phương.

Tại các đầu tàu kinh tế, TP. Hà Nội có tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số là 15,64%, trong đó kinh tế số lõi chiếm khoảng 70%; và TP.HCM là 12,93%, trong đó kinh tế số lõi chiếm khoảng 63%. Nhìn chung, tỷ trọng số hóa của các ngành kinh tế đang có xu hướng tăng ở tất cả các địa phương.

PV: Với tính chất mới, khó và phức tạp khi liên quan đến hầu hết các hoạt động của nền kinh tế như vậy, theo ông đâu là giải pháp hoàn thiện đo lường kinh tế số trong thời gian tới?

Ông Lê Trung Hiếu: Để đo lường đầy đủ, toàn diện đóng góp kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế các cấp, các ngành cần quan tâm, thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò kinh tế số trong nền kinh tế. Hiện nay, nhận thức, nhu cầu và hành động theo xu thế kinh tế số chưa được đầy đủ trong xã hội. Thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam cần có sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về xu hướng, vai trò và định hướng ứng dụng kinh tế số trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa Tổng cục Thống kê với bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương và các bên có liên quan tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ biên soạn chỉ tiêu đo lường kinh tế số.

Ba là, quan tâm xây dựng thể chế để bố trí nguồn lực phù hợp, thúc đẩy ứng dụng kinh tế số trong các hoạt động kinh tế và quản lý, điều hành. Trong đó, các bộ, ban, ngành cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để huy động và sử dụng các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế số đạt được mục tiêu đã đề ra. Các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực, hỗ trợ thu thập thông tin phục vụ biên soạn các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế số trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thực hiện các điều tra chuyên sâu để thu thập thông tin liên quan đến hoạt động số hóa và xây dựng các hệ số kỹ thuật phục vụ biên soạn các chỉ tiêu kinh tế số phản ánh đầy đủ, sát thực đóng góp của kinh tế số trong phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top