Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra cảnh báo rủi ro và yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) siết chặt hoạt động đầu tư trái phiếu DN, nhất là trái phiếu của các DN bất động sản.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động đầu tư trái phiếu DN của các NHTM nói chung tiềm ẩn rủi ro lớn. Một số ngân hàng có số dư đầu tư trái phiếu DN chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh.
Để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, hạn chế rủi ro trong hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, Thống đốc NHNN yêu cầu các NHTM phải rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định nội bộ liên quan đến hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp (như quy định về quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt và quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp; nguyên tắc, chi tiêu đánh giá, xác định mức độ rủi ro mua trái phiếu).
Cơ quan này nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư trái phiếu DN.
Đây là động thái mạnh mẽ nhằm ngăn chặn hiện tượng NHTM đang đổ xô mua trái phiếu DN từ phía NHNN.
Từ đầu năm đến nay, xu hướng các ngân hàng thương mại đổ vốn vào trái phiếu DN tăng nhanh, nhất là khi một số DN trong lĩnh vực địa ốc, bất động sản huy động vốn với lãi suất cao.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tính đến hết 7/2019, tổng giá trị phát hành trái phiếu DN của các công ty đại chúng đạt gần 150.000 tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 20%.
Lãi suất trái phiếu của các DN bất động sản luôn ở mức cao chót vót, từ 9,5 - 14,5%/năm, tùy từng kỳ hạn. Có không ít lô trái phiếu của DN bất động sản, trị giá hàng trăm tỷ đồng, được một ngân hàng thương mại mua trọn gói.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, mặc dù vốn đầu tư mua trái phiếu DN của các ngân hàng thương mại được tính vào hạn mức tín dụng, nhưng dường như quy định này đã không ngăn cản được các ngân hàng đầu tư vào trái phiếu DN. Ngoài lãi suất cao còn là câu chuyện về cơ cấu lại nợ. Những DN có khoản nợ ngân hàng, sắp đến kỳ thanh toán, nhưng không có tiền để trả, thì phát hành trái phiếu và ngân hàng chủ nợ sẽ mua để cơ cấu lại nợ.
Hoạt động này rõ ràng đang tiềm ẩn rủi ro cao so với cho vay vốn dự án. Các phân tích cho thấy, khi ngân hàng cho vay vốn, sẽ phải thực hiện theo quy trình tín dụng, kiểm tra trước, trong và sau cho vay, gồm có kiểm tra mục đích vay vốn, tính khả thi của dự án, năng lực tài chính và tài sản đảm bảo tiền vay.
Trước hết, các ngân hàng sẽ phải xem xét kỹ mục đích vay, báo cáo tài chính của DN từ 1 - 2 năm liền kề, tiếp đến là xem xét tài sản đảm bảo xem có đủ tính pháp lý không, định giá như thế nào và có đăng ký giao dịch bảo đảm không,...
Sau đó là xem xét khả năng thu hồi vốn của dự án, khả năng nguồn tiền DN có thể thu về trả nợ và thấy hiệu quả, cũng chỉ cho vay từ 60 - 70% tổng nhu cầu vốn của dự án, còn lại là vốn của DN.
Khi đã chấp thuận cho vay, ngân hàng còn phải kiểm tra xem khách hàng có sử dụng vốn đúng mục đích hay không, dòng tiền bán hàng của DN phải chuyển qua ngân hàng. Nếu DN có khó khăn còn tư vấn tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn,... Về giải ngân, khi cho vay vốn, ngân hàng sẽ giải ngân theo nhiều đợt, dựa trên quá trình triển khai của dự án.
Tuy nhiên, đầu tư trái phiếu DN, theo quy định mới tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP đã nới lỏng hơn rất nhiều. Trong đó, đáng chú ý là bỏ điều kiện DN phát hành trái phiếu phải có lãi trong năm gần nhất, chỉ cần có báo cáo tài chính được kiểm toán.
Như vậy dù làm ăn thua lỗ, DN vẫn được phát hành trái phiếu. Khi Ngân hàng đã mua trái phiếu DN thì phải chuyển hết tiền ngay và cũng không nắm chắc nguồn vốn có sử dụng đúng mục đích hay không, phương án có khả thi không.
Với lĩnh vực bất động sản, hiện có tính thanh khoản thấp, sản phẩm tồn đọng nhiều và NHNN thời gian qua phải siết cho vay. Đầu tư vào trái phiếu DN bất động sản, ngân hàng không bị siết và cũng không phải trích lập dự phòng rủi ro.
Như vậy, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất lớn. Nếu DN thua lỗ, phá sản thì việc thu hồi vốn rất khó, chuyên gia Phạm Nam Kim nhận định.
Không những thế, các DN phát hành trái phiếu hầu như chưa được xếp hạng tín nhiệm, nên rất khó để nhận biết. Thậm chí, có con số cho rằng 70% số DN phát hành trái phiếu, sử dụng tài sản và tài sản hình thành từ nguồn trái phiếu nhưng chưa được định giá bởi tổ chức định giá độc lập và khó xác minh các tranh chấp pháp lý.