Aa

"Đo" tăng trưởng bằng bước phi chiến mã

Thứ Ba, 01/01/2019 - 06:00

Ví von một cách hình ảnh rằng "con kiến đi 1.000 bước chân cũng chưa thể đi xa bằng 2 bước phi của một chiến mã", PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 và những năm gần đây là ấn tượng, nhưng thay đổi cấu trúc mới là vấn đề then chốt.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Bởi vì với một nền kinh tế quy mô bé nhỏ thì tốc độ tăng trưởng cao cũng chưa thể tạo ra giá trị lớn.

PV: Thưa ông, với tốc độ tăng trưởng ước khoảng 7%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, liệu có thể nói nền kinh tế Việt Nam vừa có một năm thành công?

PGS. TS Trần Đình Thiên: Không thể phủ nhận là nền kinh tế Việt Nam năm qua đã đạt được cả 2 mục tiêu: ổn định vĩ mô và tăng trưởng. Trong bối cảnh thế giới vẫn có nhiều bất ổn, tốc độ tăng trưởng giảm, nhiều rủi ro thì đây là một thành công của công tác điều hành có mục tiêu, có ưu tiên rõ ràng, đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần khẳng định là phấn đấu tăng trưởng cao, nhưng không bằng mọi giá. Chính sách tiền tệ được điều hành hợp lý, chắc chắn. Bên cạnh công cuộc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cũng đã có những bước chuyển, tuy chưa đạt như mong muốn, nhưng “hòn đá tảng” đã lung lay, hiệp sức cùng làm tiếp thì sẽ đẩy bật đi được. Niềm tin của doanh nghiệp đã và đang được củng cố.

Nhưng cũng phải nói cho sòng phẳng rằng chỉ nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP để “bắt mạch” nền kinh tế rồi thấy hài lòng với nhau thì chưa đủ đâu! Nền kinh tế nhỏ thì tỷ lệ phần trăm tăng trưởng cao cũng không có ý nghĩa nhiều lắm. Nôm na là “1.000 bước đi của con kiến cũng không bằng 2 bước phi của một chiến mã”. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có thể 10% nhưng giá trị tuyệt đối vẫn không bằng được 2% của Singapore.

PV: Ông cũng đã nhiều lần nói rằng kinh tế Việt Nam không thể mãi mãi là con cá nhỏ trong ao…?

PGS. TS Trần Đình Thiên: Đúng vậy. Đang là con cá nhỏ thì vừa phải bơi nhanh hơn, cố sức hơn, nhưng đồng thời cũng vừa phải tự bồi bổ để trở thành cá lớn hơn, thậm chí hóa rồng, hóa thành một loài cá khác mạnh mẽ hơn. Thay đổi cấu trúc nền kinh tế, nghĩa là thay đổi về chất, mới là vấn đề quan trọng nhất. Nền kinh tế của chúng ta vẫn còn yếu và kém vì đang trong quá trình đổi mới, chưa động đến cấu trúc. Cần có những doanh nghiệp đẳng cấp về quy mô lẫn trình độ.

Chúng ta rất trân trọng đóng góp của các gia đình làm kinh tế, nhưng một nền kinh tế mà 31,33% GDP là từ gia đình thì khó có thể gọi là mạnh được! Thế rồi, số doanh nghiệp “chết” cũng rất lớn. Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng “chết” như thế là bình thường, số thành lập tăng mạnh, cũng mừng.

Tuy nhiên, “mừng vừa vừa thôi” vì đã biết họ đi vào hoạt động thế nào đâu, nhưng chết là chết thật, chết vì ốm yếu. Trọng tâm chính bàn luận của những năm tới là một chiến lược xây dựng, phát triển doanh nghiệp đúng đắn. Đó phải là một chiến lược không chọn trước người thắng cuộc mà khuyến khích người thắng cuộc.

PV: Xin ông nói rõ hơn về điều này?

PGS. TS Trần Đình Thiên: Tôi cho rằng phát triển doanh nghiệp đúng nghĩa là phải tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho tất cả cùng phát triển, không quá ưu ái bên nào. Một số ý kiến không phải không có lý khi đặt ra vấn đề định hướng lại việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cách chúng ta làm vừa qua dẫn đến việc các địa phương cạnh tranh nhau thành tích, rối rít “trải thảm”. Trình độ đàm phán, thẩm định của ta cũng kém, nên trong nhiều trường hợp bị thua thiệt. Ta phải thấy rõ thế mạnh của mình để đàm phán và phát huy.

Một sự thiên lệch nữa, có liên quan đến điều tôi nói ở trên, tức là chúng ta quá tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Hỗ trợ DNNVV là đúng, nhưng không khéo rồi cứ làm cho họ nhỏ mãi, không chịu lớn. Phải có những tập đoàn tư nhân lớn mạnh làm trụ cột. Muốn vậy cần hỗ trợ cho họ mạnh mẽ nhưng đúng luật. Cái này Hàn Quốc rất giỏi, hãy nhìn cách họ hỗ trợ Hyundai xem.

Một điều rất quan trọng khác là thay đổi định kiến xã hội. Hãy đón nhận các sản phẩm mới, ý tưởng mới với thiện chí. Bphone là một sản phẩm như thế, đúng với tinh thần cống hiến, xây dựng thương hiệu Việt Nam. Tôi thấy buồn nếu chúng ta chỉ chăm chăm bới lỗi, rồi xỉ vả một cách “ta đây” hơi khó nghe.

PV: Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì sao, thưa ông?

PGS. TS Trần Đình Thiên: Với DNNN, cũng cần đối xử công bằng, thưởng phạt công minh. Giao việc ngoài kinh doanh thì phải có cơ chế đặt hàng sòng phẳng.

PV: Trở lại với bức tranh kinh tế vĩ mô. Ông dự báo thế nào về kịch bản phát triển năm 2019?

PGS. TS Trần Đình Thiên: Nhiều cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước đã dự báo cả rồi, có thể đạt mức tăng trưởng 7%. Nhưng tôi đã từng nói, tỷ lệ tăng trưởng chỉ là một chuyện và không phải vấn đề căn cốt. Tôi vẫn vui nếu tỷ lệ tăng trưởng vẫn vậy, nhưng cấu trúc thị trường có bước chuyển, phần giá trị gia tăng mà chúng ta được hưởng cao lên. Nền tảng vẫn là thay đổi các thị trường đầu vào. Tắc nghẽn đầu vào làm thị trường trở nên méo mó.

PV: Vậy phải làm gì để đạt được thế “phát triển trong ổn định”?

PGS. TS Trần Đình Thiên: Tất cả mọi việc nay đang làm thì chúng ta tiếp tục làm và làm tốt hơn. Đà cải cách đã có, cần tiếp tục thúc đẩy. Đáng lưu ý là áp lực hội nhập sẽ tiếp tục tăng, với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sắp tới là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đó chính là động lực cải cách.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top