Aa

Chính phủ “khởi tạo” - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Chủ Nhật, 23/12/2018 - 06:01

Để có thể phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, đưa tinh thần này thành một nhân tố nền tảng cho đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, một “Chính phủ kiến tạo” có thể là chưa đủ. Chính phủ “khởi tạo” có thể sẽ là lời giải cho vấn đề này.

Thành công của hàng loạt “gã khổng lồ công nghệ” Mỹ hiện nay cũng có nền móng từ những nghiên cứu do Chính phủ Mỹ tài trợ.

Thành công của hàng loạt “gã khổng lồ công nghệ” Mỹ hiện nay cũng có nền móng từ những nghiên cứu do Chính phủ Mỹ tài trợ.

Thành công của hàng loạt “gã khổng lồ công nghệ” Mỹ hiện nay cũng có nền móng từ những nghiên cứu do Chính phủ Mỹ tài trợ.

Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018 tổ chức tại Đà Nẵng ngày 29/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Chính phủ cần và sẽ thiết kế chính sách theo tinh thần Chính phủ “kiến tạo” và “khởi tạo”. “Khởi tạo” ở đây có nghĩa là chấp nhận và chia sẻ một phần rủi ro với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, vì đó là một lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và nhiều rủi ro. Vậy một chính phủ cần làm gì để thực sự đóng vai trò “khởi tạo”?

Bài học từ Mỹ - cái nôi của đổi mới sáng tạo

Ở Mỹ, đổi mới sáng tạo được xem như chìa khóa thành công của sự phát triển kinh tế. Tiến bộ về khoa học và tinh thần “khởi tạo” (entrepreneurial spirit) đã đưa nước Mỹ trở thành quốc gia đi đầu trong các lĩnh vực như y tế, hàng không, nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ máy tính và năng lượng.

Đáng chú ý, tính đến khoảng những năm 1930, Mỹ chỉ đơn giản là một nước tích cực ứng dụng thành tựu đổi mới sáng tạo của các nước khác. Phải từ sau Thế chiến thứ 2 và trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Chính phủ Mỹ và các tập đoàn tư nhân mới bắt đầu đầu tư rất nhiều tiền của vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản. Điển hình như Internet - nguồn gốc của cách mạng công nghiệp lần thứ 3 - bắt nguồn từ chính những nghiên cứu này.

Thành công của hàng loạt “gã khổng lồ công nghệ” Mỹ hiện nay cũng có nền móng từ những nghiên cứu do Chính phủ Mỹ tài trợ. Chẳng hạn như thành công của Apple và Google, những biểu tượng về đổi mới, sáng tạo và sự khác biệt của nước Mỹ, sẽ không thể xảy ra nếu thiếu những nền tảng công nghệ như Internet, GPS, trợ lý ảo kích hoạt bằng giọng nói, màn hình cảm ứng, ngôn ngữ HTML... do Chính phủ Mỹ đầu tư ở giai đoạn đầu qua những tổ chức như Quỹ Khoa học quốc gia (National Science Foundation).

Một vài minh chứng bằng số liệu về đóng góp, hiệu quả của các khoản tài trợ của chính phủ có thể kể đến bao gồm khoảng 430 tỉ đô la Mỹ cho nền kinh tế Mỹ đến từ ngành công nghiệp dầu đá phiến và khí tự nhiên. Hay như, động cơ diesel siêu hiệu quả, được phát triển trên sự hợp tác giữa khối tư nhân và chính phủ, đã góp phần tăng gấp đôi hiệu suất nhiên liệu xe tải và đem lại lợi nhuận 7.000% cho quỹ đầu tư liên bang.

Có thể thấy, điểm mấu chốt trong tinh thần “chính phủ khởi tạo” (Entrepreneurial State) của nước Mỹ chính là: (1) chủ động đầu tư vào những “hạt giống” và những điểm khởi đầu mà không phải nhà đầu tư tư nhân nào cũng muốn và có khả năng đầu tư (do nguồn lực hạn chế) và (2), dám chấp nhận thất bại và nhìn nhận thất bại một cách cởi mở.

Bài học từ Israel - hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu thế giới

Bên cạnh Mỹ, Israel cũng là một ví dụ điển hình về một quốc gia đổi mới sáng tạo. Với dân số chỉ khoảng tám triệu người, Israel đã gây dựng được Tel Aviv thành hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Silicon Valley của Mỹ. Bên cạnh đó, Intel, IBM, Microsoft, Google, Facebook, Apple và rất nhiều công ty công nghệ hàng đầu khác đều mở ít nhất một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Israel. Tuy chỉ là một đất nước nhỏ, chịu nhiều bất lợi về địa chính trị, Israel đã vượt qua tất cả để khẳng định mình trên bản đồ đổi mới, sáng tạo của thế giới - điều mà không phải quốc gia nào cũng làm được.

Sự cải cách mạnh mẽ bắt đầu từ năm 1993, khi chính phủ nước này bắt đầu kế hoạch Yozma (có nghĩa là “sáng kiến”) với mục tiêu kiến tạo nền tảng bền vững, thúc đẩy các hoạt động đầu tư mạo hiểm. Đồng thời, chính phủ vừa ưu đãi thuế đặc biệt cho các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài vào Israel, vừa đối ứng gấp đôi vốn đầu tư nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.

Cùng lúc đó, Chính phủ Israel cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính - doanh nghiệp chỉ mất vài đô la Mỹ và một ngày để đi vào hoạt động. Kế hoạch này đã giúp vốn đầu tư cho khởi nghiệp tăng từ 58 triệu đô la Mỹ lên 3,3 tỉ đô la Mỹ trong khoảng chưa đầy 10 năm, trong khi số quỹ đầu tư mạo hiểm tăng gấp tám lần từ 100 quỹ ban đầu.

Hơn thế nữa, Chính phủ Israel chi 4,4% tổng GDP cho nghiên cứu phát triển, gần như gấp đôi mức trung bình của khối OECD (2,4%)

Sự thành công của Israel mang lại ba bài học cho Việt Nam. Thứ nhất là sự quyết tâm của Chính phủ và những chính sách đi kèm. Thứ hai là sự đầu tư táo bạo của cả Chính phủ và doanh nghiệp. Và cuối cùng, tinh thần khởi nghiệp đến từng cá nhân với tầm nhìn vượt biên giới.

Không phải tất cả các khoản đầu tư mà Chính phủ Mỹ dành cho nghiên cứu và sáng tạo đều đưa đến kết quả là những công nghệ, thuật toán, phát kiến vĩ đại và có tính đột phá. Những dự án đã thành công và làm nên lịch sử chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong hàng trăm tỉ đô la Mỹ dành cho nghiên cứu và phát triển hàng năm ở quốc gia này. Tương tự, các quỹ đầu tư tại Israel gắn với cụm từ “mạo hiểm” là có lý do của nó.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng việc mạnh dạn đầu tư quy mô lớn vào nhiều lĩnh vực khác nhau và sẵn sàng chấp nhận thất bại như một yếu tố thiết yếu dẫn đến những thành công nhất định cho kinh tế và xã hội Mỹ, Israel và nhiều quốc gia khác - trong đó có thể sẽ có Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top