Aa

Đô thị bền vững: “Trông người mà ngẫm đến ta“

Thứ Năm, 13/12/2018 - 06:00

Trong nhiều đô thị, Copenhagen (Đan Mạch) được biết đến như một thành phố điển hình trong phát triển bền vững.

Một thoáng Copenhagen

Một thoáng Copenhagen

Chuyện người…

Trong chuyến công tác hiếm hoi tới Hà Nội mới đây, bà Tina Saaby, Kiến trúc sư trưởng, Hội đồng TP. Copenhagen và GS.TS.KTS. Tom Nielsen, Trường đại học Kiến trúc AARHUS (Đan Mạch) đã dành cho Báo Đầu tư Bất Động sản những chia sẻ riêng đầy thú vị.

Bên cạnh đó, câu chuyện từ chuyên gia đến từ DuBai cũng đưa ra những góc nhìn đầy thú vị. Và từ kinh nghiệm, cũng như con mắt của những người phương xa, câu chuyện quy hoạch đô thị tưởng như vĩ mô, đao to búa lớn lại trở nên gần gũi và “con người” quá đỗi.

Theo bà Tina Saaby, ở Copenhagen, mỗi khi có một chủ đầu tư đưa ra đề xuất xin xây dựng một khu dân cư mới, Hội đồng Thành phố sẽ trao đổi với “vị khách” này về tầm nhìn và chiến lược quy hoạch phát triển tổng thể của Thành phố, cùng đối thoại để tìm ra giải pháp triển khai dự án một cách phù hợp nhất, trách nhiệm nhất cho cuộc sống của người dân và song hành cùng lợi ích của Thành phố. Tất cả việc này mất ít nhất 1 năm.

Xe đạp là phương tiện phổ biến, được yêu thích ở Copenhagen

Xe đạp là phương tiện phổ biến, được yêu thích ở Copenhagen

Sở dĩ phải dành tận 1 năm, bởi trong thời gian đó, sẽ có ít nhất 3 cuộc đối thoại giữa chủ đầu tư với lãnh đạo Thành phố và người dân. Chỉ khi tất cả có được sự đồng thuận trong cách nhìn, dự án mới được đưa vào phê duyệt trong quy hoạch tổng thế. Việc xin giấy phép xây dựng cũng phải tiến hành riêng lẻ cho từng tòa nhà, chứ không phải cho cả dự án.

Chia sẻ về vấn đề này và việc thay đổi quy hoạch, bà Tina Saaby cho biết: “Sẽ không thể xin được giấy phép xây dựng nếu công trình không có trong quy hoạch tổng thể. Để thay đổi, bổ sung vào quy hoạch tổng thể, cần phải lặp lại toàn bộ chu trình nêu trên”.

Ở Copenhagen, trong câu chuyện quy hoạch, phát triển đô thị, con người được lấy làm trung tâm. Việc chủ động giao tiếp của chính quyền thành phố được xem là giải pháp hữu hiệu để thấu hiểu công chúng, từ đó, thống nhất cách nhìn. Giải pháp là đối thoại trức tiếp và quan sát người dân, tiến hành phân tích về xu hướng dịch chuyển nơi ở của họ. Từ các thông số khác nhau, cơ quan quản lý sẽ nắm bắt được nhu cầu của người dân. Sau đó, tiếp tục trao đổi và tìm ra giải pháp phù hợp nhất.

“Có nhiều người chẳng biết quy hoạch đô thị là gì. Điều họ quan tâm là cơm ăn, áo mặc cho con cái của họ. Trách nhiệm của nhà quản lý là phải hiểu được điều này và truyền tải câu chuyện về quy hoạch đô thị theo cách người dân có thể tiếp thu được”, bà Tina Saaby nhấn mạnh.

Cũng trong một chia sẻ mới đây khi đến Việt Nam, ông Mahmound Al Bruai, Giám đốc điều hành Viện Bất động sản Dubai (Dubailand, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất – UAE) từng kể về Copenhagen như sau: "Để tìm câu hỏi cho riêng mình về đặc điểm của một thành phố hạnh phúc, tôi đã đến Đan Mạch. Điều làm tôi rất ngạc nhiên khi đường phố ở đây rất vắng vẻ. Mọi người sử dụng xe đạp rất phổ biến, đặc biệt ở Copenhagen, tỷ lệ người dân sử dụng xe đạp lên tới 65% và dường như, họ thật hạnh phúc với điều đó”.

...Ngẫm đến ta

Trong dòng chảy phát triển và sự vận động chung, Hà Nội nói riêng và nhiều đô thị khác của Việt Nam nói chung có lẽ đã hấp thụ về mình không ít những tư tưởng mới mẻ Tây phương, nó hiện diện hầu khắp mọi mặt của đô thị. Từ quy hoạch, kiến trúc, đến tư duy kiến trúc…

Năm 1873, lần đầu tiên chính quyền thực dân Pháp bắt tay vào quy hoạch Hà Nội, lần đầu tiên đưa vào Việt Nam nền kiến trúc có bản vẽ, có thiết kế riêng. Cho đến nay, sau hơn 100 năm nhìn lại, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, kiến trúc, lịch sử vẫn phải trầm trồ thán phục cái tài của các quy hoạch hồi đó, sự chuyển tiếp hài hòa, mềm mại giữa các con phố nhỏ, phố cũ và phố mới, với những ngôi biệt thự đẹp như tranh, ẩn mình trong các tàng cây xanh mát, vừa sang trọng, vừa gần gũi với thiên nhiên.

Cần tạo dựng không gian sống cho cư dân hơn là chỉ bán một chỗ che mưa nắng

Cần tạo dựng không gian sống cho cư dân hơn là chỉ bán một chỗ che mưa nắng

GS.KTS. Hoàng Đạo Kính từng nhận định, những kiến trúc sư người Pháp khi đó đã có suy nghĩ thực tế, kế thừa kết nối cộng sinh với đô thị bản địa, hòa nhập với kiến trúc xây dựng truyền thống của Việt Nam. Bên cạnh đó, họ cũng tự lượng sức mình, làm được đến đâu, vẽ đến đó, không có quy hoạch treo.

Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh của kinh tế, đô thị hóa nhanh, cùng công nghệ xây dựng, nhiều công trình chọc trời đã được xây dựng, làm thay đổi bộ mặt đô thị tại các thành phố của Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, sau thời gian phát triển, công tác quy hoạch tại 2 thành phố lớn này đã bộc lộ nhiều hạn chế.

Theo ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, không gian sống tại các khu đô thị luôn khiến các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý đô thị phải trăn trở. Đô thị hóa là quá trình tất yếu, không thể cưỡng lại được, nhưng làm thế nào để kiểm soát được đô thị hóa là bài toán khó cần phải giải.

Thực tế, hầu hết các dự án xây dựng ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM từ khi quy hoạch đến thiết kế đều chuẩn "khuôn vàng, thước ngọc". Tuy nhiên, đến khi thực thi lại “điều chỉnh lên, xuống”. Thậm chí, thay đổi nhiều lần về số tầng cao, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ văn phòng sang nhà ở, từ cây xanh sang công trình hỗn hợp. Điều này đẩy nhiều khu đô thị vừa đưa vào sử dụng đã quá tải về hạ tầng, điện nước và các công trình phúc lợi công cộng. Ngoài ra, vấn nạn tắc đường, đi cùng với đó là ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn đã gần như không có lối thoát ở nhiều khu vực nội đô Hà Nội, TP.HCM.

Dù vậy, chuyện tắc đường không phải là “đặc sản” chỉ có tại Hà Nội và TP.HCM, mà gần như đô thị lớn nào trên thế giới cũng mắc phải. Ông Nick Cohn, chuyên gia giao thông của TomTom - công ty chuyên về giao thông và dịch vụ dẫn đường của Hà Lan - đã thu thập số liệu tại 390 thành phố thuộc 48 nước trên khắp thế giới và đi đến kết luận rằng, tình trạng ùn tắc ở các thành phố trên thế giới là phổ biến và là hậu quả gần như tất yếu của quá trình tăng trưởng kinh tế và dân số gia tăng, đồng nghĩa với lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng vọt ngoài tính toán.

TomTom đã đưa ra Top 10 thành phố ùn tắc nhất thế giới, trong đó "quán quân" về ùn tắc là Bangkok (Thái Lan), đứng thứ hai là Mexico City (Mexico). Nước láng giềng Trung Quốc có tới 6 thành phố lọt vào danh sách này.

Việt Nam may mắn khi chưa có đô thị nào lọt vào danh sách đáng sợ trên, nhưng tình trạng kẹt xe và tắc đường gần như ngày nào cũng diễn ra. Nếu không có những biện pháp xử lý kịp thời, khả năng trong một thời gian ngắn nữa, Hà Nội và TP.HCM sẽ lọt vào “bảng phong thần” này.

“Nén” hay “giãn”?

Theo đánh giá của TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, dân số tăng nhanh, cầu về nhà ở cũng tăng theo, làm cho đô thị Hà Nội và TP.HCM phát triển “nóng”, nhất là ở “vùng lõi” (các quận nội thành). Các dự án nhà ở cao tầng, cao ốc, văn phòng cho thuê mọc lên ở nhiều tuyến phố huyết mạch thuộc “vùng lõi” làm cho hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội vốn đã quá tải càng quá tải hơn, gây mất cân đối giữa đời sống vật chất và tâm hồn.

Do đó, mục tiêu hướng tới là phải tìm ra hướng phát triển các mô hình đô thị mới, theo hướng những tiểu đô thị vệ tinh, hay còn gọi là những mô hình "siêu đô thị" trong lòng đô thị giáp ranh trung tâm thành phố, với diện tích vừa phải nhưng đầy đủ tiện ích hạ tầng, dịch vụ, hoạt động công ích xã hội để giảm thiểu quá tải cho "vùng lõi".

Trong đó, các tiểu đô thị này là nơi bảo đảm cho mỗi người dân có nhà ở gắn với nơi việc làm; dịch vụ công, trường học, bệnh viện, siêu thị, khu vui chơi... đầy đủ và hiện đại. Thậm chí, sinh sống trọn đời trong đó.

Ngoài ra, việc kết nối giao thông từ đô thị vệ tinh đến “vùng lõi” đảm bảo thông suốt nhằm tăng cường tính liên kết, giao lưu, hợp tác. Khi đô thị vệ tinh đầy đủ các tiện ích và hấp dẫn bằng hoặc hơn “vùng lõi” thì sẽ giải được bài toán quá tải “vùng lõi” từ dân số đến hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội...

Thực tế, tại nhiều nước trên thế giới, xây dựng đô thị vệ tinh phụ thuộc vào đô thị trung tâm. Trong khi đó, tại Việt Nam, các đô thị vệ tinh lại là các đô thị có chức năng độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ…

Hơn nữa, phát triển đô thị sinh thái bao gồm những khu không gian xanh, hình thành nên các vành đai xanh, hành lang xanh, tương lai sẽ giúp cho các thành phố lớn của Việt Nam hình thành nên thành phố xanh, hướng tới đô thị thông minh.

Trong khi đó, khi phân tích về giải pháp phát triển đô thị theo hướng “nén” hay “giãn”, GS.TS.KTS. Tom Nielsen đưa ra quan điểm: “Tôi không cho rằng, giải pháp đô thị nén là lý tưởng. Nếu bạn quá lạm dụng phương thức này sẽ tạo ra quá nhiều áp lực lên thành phố”.

Mặt khác, theo ông Tom Nielsen, mô hình đô thị vệ tinh cũng đã được thử áp dụng tại nhiều nơi ở châu Âu, nhưng cũng chưa thu được nhiều thành tựu đáng kể. Thực tế cho thấy, mô hình đô thị vệ tinh cũng không mấy hấp dẫn với người dân. Đã có dự án bị trở thành công trình nhà ở dành cho người nghèo và không có thu nhập.

Theo ông Tom Nielsen, có vẻ như việc “mix” hai giải pháp đang là lựa chọn hiệu quả. Đó là việc kết hợp giữa đô thị nén, phát triển lên từ trung tâm thành phố cũ và mở rộng một mạng lưới các đô thị vệ tinh nhỏ hơn, kết nối các thành phố hiện tại với nhau bằng cơ sở hạ tầng thật tốt, để không có quá nhiều người dân sống co cụm trong một khoảng không gian.

Đặc biệt, theo GS. Tom Nielsen, cách tốt nhất để phát triển đô thị là xây dựng dựa trên lịch sử. Hãy phát triển lên từ các thành phố lớn trung tâm và các thành phố nhỏ hiện đang tồn tại xung quanh. Sau đó, đặt tất cả vào một mạng lưới kết nối hiệu quả.

Không gian công cộng sẽ giúp người dân gần gũi với nhau hơn

Không gian công cộng có một vai trò hết sức quan trọng khi có khả năng kéo người dân ra khỏi nơi ở, tăng cường giao tiếp lẫn nhau và gần gũi hơn với thiên nhiên. Việc người dân giao tiếp nhiều hơn với nhau là nền tảng quan trọng để xây dựng một đô thị bền vững và sống tốt.

Ở Copenhagen, chúng tôi cố gắng nỗ lực để cơ quan quản lý và người dân có được cái nhìn đồng nhất về mục tiêu phát triển thành phố. Đặc biệt, mỗi người dân giữ vai trò như một đại sứ bảo vệ môi trường khi xe đạp là phương tiện giao thông chủ yếu với 65% người dân sử dụng xe đạp, kể cả ngài Thị trưởng.

Bà Tina Saaby, Kiến trúc sư trưởng, Hội đồng TP. Copenhagen

Không thể quên vai trò của người dân

Câu chuyện của Đan Mạch đã chứng minh rằng, đô thị hạnh phúc nghĩa là con người hạnh phúc. Và khi người dân muốn đô thị của mình như thế nào, thì thành phố ấy sẽ trở nên như thế. Người dân muốn đô thị thông minh, hạnh phúc thì người dân phải thông minh, hạnh phúc.

Chúng ta xây dựng đô thị cho người dân, chứ không phải cho xe hơi, hay những thứ khác. Chúng ta không thể quên vai trò của người dân. Một quốc gia phát triển không phải là nơi mà người nghèo có xe hơi, mà là nơi người giàu đi phương tiện công cộng. Nếu xây dựng các đô thị cho các phương tiện giao thông, thì các thành phố trên thế giới sẽ chỉ ngày càng có nhiều ô tô hơn. Còn nếu tập trung xây dựng đô thị cho con người, thì con người sẽ có nhiều hơn cơ hội được giao tiếp với nhau, kết nối với nhau.

Ông Mahmound Al Bruai, Giám đốc điều hành Dubailand

Ðã qua thời chung cư kín cổng cao tường

Đã qua cái thời, người mua nhà đòi hỏi các khu chung cư phải kín cổng cao tường, biệt lập với bên ngoài. Ngày nay, mong muốn của khách hàng chung cư là một bước chân xuống đất có đủ các tiện ích đáp ứng. Bởi nhiều khu đô thị phát triển như ốc đảo, trong khi chưa cung cấp đủ tiện ích, quy hoạch lại thiếu sự liên kết với hạ tầng xung quanh khiến cho cư dân sinh sống gặp nhiều bất tiện.

Trên thực tế, theo đánh giá của các chuyên gia kiến trúc, quy hoạch, Hà Nội đang thiếu những khu đô thị có kiến trúc đồng bộ, hiện đại, có tiện ích và cảnh quan đẹp. Hầu hết các khu đô thị, khu chung cư đều thiếu các công trình hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế, bãi đỗ xe, chợ, cây xanh..., bởi để xây dựng và hoàn thiện các chung cư kiểu này đòi hỏi dự án phải có quỹ đất lớn, chủ đầu tư có tầm nhìn và trách nhiệm với cam kết đầu tư.

Tất nhiên, để có chất lượng sống tốt thì phải là đô thị hoàn chỉnh với đầy đủ chức năng, còn để phồn vinh, thì phải có động lực phát triển thúc đẩy sự tăng trưởng của hệ thống thị trường, hệ thống việc làm. Hà Nội cần thu hút nguồn lực phát triển đô thị theo hình thức này, trong đó có các cơ chế khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ đầu tư cần thiết vào các đô thị vệ tinh.

Bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc phụ trách Savills Hà Nội 

Ðô thị sinh thái, bền vững đang trở thành nhu cầu cấp thiết

Lựa chọn những khu đô thị theo mô hình tổ hợp, đa tiện ích, giàu tính sinh thái và hướng tới phát triển bền vững đang ngày càng trở thành nhu cầu cấp thiết, là phong cách sống mới của nhiều người thành phố. Giữa lúc tốc độ đô thị hóa đang diễn ra như vũ bão, môi trường sống và làm việc ngày càng trở lên hiện đại hơn, thì tỷ lệ nghịch với nó là những khoảng không gian xanh trong lòng thành phố đang ít dần đi.

Nhiều dự án khu đô thị mới với thiết kế hiện đại được triển khai, nhưng lại thiếu những khoảng không xanh, gần gũi với thiên nhiên; đồng thời, cũng không đảm bảo được các tiện ích sống cho cư dân. Tại Singapore, một quốc gia và cũng là một thành phố hiện đại, có diện tích còn nhỏ hơn cả Hà Nội, nhưng người dân nơi đó vẫn được sống trong những khu đô thị sinh thái ngay tại trung tâm như The Glades, Corals và The Luxurie.

Đặc điểm của những khu đô thị này là thiết kế thông minh, gần gũi với thiên nhiên. Hơn nữa, cũng tạo cho cư dân sống ở đó có cảm giác tách biệt hẳn với thế giới ồn ào bên ngoài nhờ không gian cây xanh, cùng kết hợp với những tiện ích vui chơi, y tế chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho cả người lớn và trẻ em. Thêm vào đó, những mô hình dự án này luôn mang lại một cộng đồng cư dân văn minh và thân thiện.

Không ai có thể phủ nhận rằng môi trường sống sẽ tốt hơn nhiều nếu như được sống trong một khu đô thị có nhiều cây xanh, đầy đủ các tiện ích công cộng và cả những khu vui chơi cho trẻ nhỏ. Hơn cả, nếu phát triển theo mô hình này còn giúp mang lại những giá trị dài hạn cả về thương hiệu lẫn uy tín của các chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó chủ tịch Hải Phát Land 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top