Đô thị biển Thanh Hóa: Hiện thực hoá giấc mơ phồn thịnh
Thanh Hoá nằm ở cực Bắc của Miền Trung, cách Thủ đô Hà Nội 150km về phía Nam. Địa phương có đường bờ biển dài 102km và vùng lãnh hải rộng hơn 17.000km2. Nơi đây sở hữu nhiều bãi biển đẹp để phát triển du lịch; nhiều cảng biển, đặc biệt là Cảng Nước sâu Nghi Sơn thuận lợi cho phát triển logistics và dịch vụ cảng biển. Dọc bờ biển còn có 5 cửa lạch lớn, cùng với các đảo gần, thuận lợi cho phát triển nghề thủy hải sản.
Sở hữu nhiều lợi thế trong việc phát triển đa dạng kinh tế biển, nhưng có lẽ, du lịch vẫn là thế mạnh lớn nhất mỗi khi nhắc đến Thanh Hoá. Dải đất ven biển tỉnh Thanh Hóa tương đối bằng phẳng, cảnh quan đẹp và đa dạng, nhiều nơi có các triền phi lao xanh mát, giữ được vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng. Khu vực bãi biển nằm trong vùng biển có làn nước xanh quanh năm gắn với các cung bờ cát là các bãi cát trắng trải dài.
Chỉ với 102km bờ biển, nhưng Thanh Hóa có tới 9 bãi biển lớn. Nổi bật nhất phải kể đến bãi biển Sầm Sơn. Đây là bãi biển có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi để phát triển du lịch, bởi sở hữu bãi cát trắng mịn, sóng biển vừa phải, nước biển ấm, trong xanh. Bên cạnh đó, Sầm Sơn còn có tiềm năng lớn để phát triển nghỉ dưỡng, tổ chức hội thảo, hội nghị và vui chơi giải trí. Ngay từ thời Pháp thuộc, làng núi Sầm Sơn cùng bãi biển chân núi Sầm được coi là khu nghỉ mát cho người Pháp, dần dần trở thành bãi tắm lý tưởng thu hút khách du lịch thập phương.
Cùng với việc sở hữu các bãi biển đẹp, án ngữ ngoài khơi của Thanh Hoá còn là các đảo và quần đảo như Hòn Nẹ, Hòn Mê, đảo Biện Sơn tạo thành nét rất riêng và độc đáo của vùng biển đảo Xứ Thanh.
Nhận thấy được những lợi thế “trời ban”, khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã và đang đầu tư phát triển du lịch ở Thanh Hoá FLC, Sun Group, VinGroup, Văn Phú - Invest, Tập đoàn T&T, Flamingo, BRG... nhằm đưa “ngành công nghiệp không khói” trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch tỉnh. Du lịch nghỉ dưỡng truyền thống tại các bãi biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa... với các hoạt động chính là tắm biển, thưởng thức hải sản, tham quan sinh thái, văn hóa... những năm gần đây cũng có nhiều cải thiện về tiện nghi, dịch vụ, cảnh quan.
Giai đoạn 2016 - 2020, các khu du lịch biển tỉnh Thanh Hóa đón được 32 triệu lượt khách (chiếm 75,2% tổng lượng khách du lịch toàn tỉnh). Đặc biệt, tại Lễ vinh danh và trao tặng Giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2017, Sầm Sơn được vinh danh là 1 trong 5 khu du lịch hàng đầu của Việt Nam - giải thưởng đã góp phần khẳng định hình ảnh, vị trí của du lịch biển Sầm Sơn nói riêng và du lịch biển Thanh Hóa nói chung trên bản đồ du lịch Việt Nam, đánh dấu bước đột phá của du lịch biển Thanh Hóa. Cũng từ đó, Thanh Hoá ngày càng ghi nhận sự xuất hiện của nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và khu vui chơi giải trí tổng hợp, hiện đại có tầm quốc gia và quốc tế như: Quần thể nghỉ dưỡng FLC, Khu du lịch sinh thái ven Sông Đơ, Khu du lịch sinh thái - văn hóa Núi Trường Lệ, Khu du lịch Flamingo Hải Tiến…
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, Thanh Hoá có những lợi thế riêng, điều kiện riêng trong việc phát triển đô thị biển mà không giống bất cứ tỉnh thành nào. Đó chính là “thế và lực” để Thanh Hoá có thể phát triển đường dài trong việc khai thác các giá trị kinh tế biển, tạo lập chuỗi đô thị ven biển.
“Bờ biển Thanh Hoá được xem như “mặt tiền” của không chỉ mảnh đất Xứ Thanh mà còn là khu vực Bắc Trung Bộ. Khi “mặt tiền” có nhiều thế mạnh, đồng nghĩa tiềm lực kinh tế địa phương sẽ rất lớn. Đây lại càng là lợi thế để Thanh Hoá có thể phát triển mạnh mẽ các khu đô thị đẳng cấp, hiện đại, có khả năng quay lại phục vụ và hỗ trợ cho khu vực nội địa”, ông Thanh nhìn nhận.
Nếu vị trí tự nhiên là “bệ đỡ” vững chắc cho việc phát triển kinh tế biển, đô thị biển, thì Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị là “lực đẩy” mạnh mẽ giúp Thanh Hoá khai thác và sử dụng có hiệu quả những lợi thế này.
Với tỉnh Thanh Hóa - địa phương đang phát triển năng động với những đô thị đổi thay từng ngày, Nghị quyết 58 chính là sự “chắp cánh” để tỉnh phát triển các đô thị động lực, đẩy mạnh đô thị hóa, thực hiện nhiều nhiệm vụ của một tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ.
Cụ thể, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Với sự định hướng này, Thanh Hóa đã đặt du lịch ở vị trí trung tâm, từng bước khẳng định được vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển sẽ là thời cơ để Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển du lịch.
Việc xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, Sầm Sơn là đầu tàu, động lực cho sự phát triển có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành du lịch xứ Thanh nói chung, du lịch Sầm Sơn nói riêng, mở ra cơ hội mới, vận hội mới cho du lịch Thanh Hóa “cất cánh”.
Ông Lương Tất Thắng, Bí thư Thành ủy TP. Sầm Sơn khẳng định, Sầm Sơn hôm nay đang hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để bứt phá ngoạn mục. Đặc biệt, Nghị quyết 58-NQ/TW là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, mở ra cho tỉnh Thanh Hóa nói chung, TP. Sầm Sơn nói riêng những thời cơ mới, vận hội mới.
Sau sự ra đời Nghị quyết 58, Thanh Hoá tiếp tục ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển TP. Sầm Sơn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của thành phố biển. Nghị quyết này ra đời được kỳ vọng sẽ tạo động lực để phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện, trên cơ sở khai thác và phát huy hiệu quả, bền vững tiềm năng, lợi thế của thành phố.
“Việc hội đồng nhân dân tỉnh thông qua cơ chế đặc thù về xây dựng và phát triển TP. Sầm Sơn là bước tiến cực kỳ quan trọng để hiện thực hóa giấc mơ phồn thịnh. Đây cũng là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và TP. Sầm Sơn. Cần phải nói thêm rằng, trước khi được thông qua cơ chế đặc thù, đề án phát triển Sầm Sơn đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của thường trực Tỉnh ủy, các sở, ban ngành. Trước khi trở thành Nghị quyết, đề án phát triển thành phố Sầm Sơn đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chắp bút. Điều đó cho thấy rằng, Nghị quyết về việc phát triển Sầm Sơn có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển của thành phố nói riêng và của tỉnh Thanh Hóa nói chung”, ông Thắng chia sẻ.
Theo đó, nghị quyết nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế; đẩy mạnh phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp - thủy sản phục vụ du lịch; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và văn minh đô thị; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; quốc phòng - an ninh được giữ vững; các tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện. Tầm nhìn đến năm 2045, Sầm Sơn là đô thị du lịch, vui chơi, giải trí độc đáo hàng đầu của cả nước; kết nối chặt chẽ với TP. Thanh Hóa về không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ.
Để đạt được tiêu chí đô thị thông minh, hiện đại, hấp dẫn thân thiện, ông Thắng nhấn mạnh: "Nghị quyết 07 xác định, việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng được xem là vấn đề then chốt, vừa là vấn đề tiên phong. Đây là bước tiến quan trọng nhất để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Nếu hạ tầng không đi trước thì sẽ không có nguồn lực, không mở rộng được không gian phát triển và không cải thiện được đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Mặt khác, để thành phố phát triển trong tương lai cần hàng chục nghìn tỷ đồng nguồn vốn đầu tư. Do đó, vai trò của các nhà đầu tư là yếu tố cốt lõi để tạo ra giá trị gia tăng cho Sầm Sơn. Lãnh đạo, nhân dân thành phố luôn trong tâm thế tận hiến trí và lực, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc phát triển các dự án với tinh thần, thái độ vô tư, trong sáng, nhiệt tình, đôi khi phải máu lửa", ông Thắng cho biết.
Rõ ràng, các cơ chế chính sách của tỉnh Thanh Hoá cũng đang ngày càng rộng mở để tạo điều kiện cho những địa phương có lợi thế biển phát triển đô thị và Sầm Sơn là một trong số đó. Sự ra đời của các Nghị quyết và sự quyết liệt trong điều hành, chỉ đạo đã và đang mở đường cho các không gian đô thị biển hình thành. Có thể thấy, nếu xét về khía cạnh cơ chế và con người, đây cũng là một lực đẩy mà không phải tỉnh thành ven biển nào cũng có thể có được.
Nhờ những lợi thế nổi bật về điều kiện thiên nhiên, khí hậu và văn hóa lịch sử cùng cơ chế khá rộng mở, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút hơn 80 dự án kinh doanh du lịch với tổng vốn đầu tư gần 145 nghìn tỷ đồng, nhiều tập đoàn bất động sản lớn đã và đang đổ bộ về đây. Song các chuyên gia đánh giá, dư địa cho việc phát triển các đô thị biển Thanh Hoá vẫn còn, thậm chí là rất lớn.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Chí Thanh, nhu cầu du lịch ở Thanh Hóa nói riêng và khu vực Bắc Trung Bộ nói chung không chỉ dừng lại ở tắm biển, nghỉ mát mà đã phát triển đa dạng các loại hình nghỉ dưỡng, trải nghiệm, giải trí, hội nghị… Tuy nhiên tới nay, dù hội tụ nhiều thế mạnh cho du lịch 4 mùa, các khu đô thị du lịch biển ở Thanh Hóa mới chỉ khai thác chủ yếu vào dịp hè, thời gian lưu trú, phần lớn là lượng khách lưu trú ngắn ngày. Trong khi đó, “mỏ vàng” từ kinh tế đêm hay các quần thể vui chơi giải trí nghỉ dưỡng đồng bộ tại các đô thị du lịch biển vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng để phát triển.
“Do vậy, xu hướng chung là cần phát triển các đô thị du lịch phức hợp, đa dạng dịch vụ, tiện ích, chức năng để thay thế dần các khách sạn chỉ dùng để nghỉ ngơi khi đến tắm biển như trước đây. Đây cũng là giải pháp thu hút dòng tiền từ du lịch 4 mùa”, ông Thanh cho biết.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng cho rằng, cần chú trọng hơn nữa việc quy hoạch đô thị. Bởi việc xác định khâu quy hoạch phát triển du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng là khâu đầu tiên, có vai trò quyết định đến định hướng phát triển du lịch của tỉnh.
Bởi vì, khi tỉnh quan tâm đến công tác quy hoạch sẽ làm cho các nhà đầu tư thấy rõ hơn các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nói chung và du lịch biển nói riêng, đồng thời cũng thấy được ý tưởng, khát vọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là thuận lợi cho các nhà đầu tư nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội và triển khai các dự án đầu tư phát triển du lịch biển trên địa bàn tỉnh.
“Khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tỉnh phải luôn đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư. Khi nhà đầu tư lựa chọn được địa điểm thì tỉnh cần tiếp tục đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Khi nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, tỉnh nên chủ động cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của nhà đầu tư; Cam kết đầu tư hạ tầng đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án; Cam kết đồng hành với nhà đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư và vận hành thương mại của dự án. Đây chính là chìa khóa xây dựng lòng tin với các nhà đầu tư”, ông Thanh đưa ra gợi mở.
Nhìn nhận về hướng phát triển các đô thị biển Thanh Hoá thời gian tới nhằm khai thác tối đa những lợi thế sẵn có và đem lại hiệu quả trong nhiều mặt, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất 4 giải pháp, gồm:
Thứ nhất, Thanh Hoá cần đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, tạo thành các trung tâm đô thị kinh tế biển mạnh, tạo tiền đề kết nối với các đô thị trong đất liền, đẩy mạnh phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ du lịch, dịch vụ kho cảng, dịch vụ xuất, nhập khẩu, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, vận tải…
Thứ hai, tỉnh nhà cần tiếp tục đầu tư phát triển hiện đại hóa đô thị biển, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối phát triển kinh tế biển giữa các địa phương; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trong mọi hoạt động liên quan đến phát triển toàn diện nền kinh tế của toàn tỉnh.
Thứ ba, việc phát triển đô thị biển Thanh Hoá cần tích hợp hơn nữa với việc hình thành và phát triển các khu kinh tế ven biển để nâng cao hiệu quả khai thác tiềm năng kinh tế biển. Việc phát triển đô thị biển sẽ kết nối và trở thành trung tâm của toàn bộ khu kinh tế ven biển để hình thành một hệ sinh thái đô thị du lịch - công nghiệp - dịch vụ cộng sinh. Hơn nữa, cần thực hiện kết nối từng khu kinh tế biển với các trung tâm kinh tế khác để nâng cao hiệu quả địa kinh tế trong phát triển và quản trị đô thị biển để bảo đảm phát triển bền vững.
Thứ tư, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, việc ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp cho quản lý đô thị biển đơn giản hơn, phát triển đô thị hiệu quả hơn và chất lượng đô thị cao hơn. Việc hình thành các chính quyền đô thị số ở các đô thị biển sẽ giúp cho việc quản lý tốt hơn, người dân cũng giảm nhẹ được các thủ tục hành chính, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của chính quyền đô thị.
Sẽ không xa, khi nhắc đến Thanh Hoá, người ta sẽ phải nhắc đến các đô thị biển đẳng cấp nếu chính quyền địa phương biết khai thác mạnh mẽ “mỏ vàng” ven biển sẵn có, biết hài hoà lợi ích, hướng các đô thị biển được tạo lập theo mô hình bền vững. Lúc đó, những đô thị biển xứ Thanh không đơn thuần là “bộ mặt” của tỉnh nhà mà còn là “bộ mặt” của khu vực Bắc Trung Bộ cũng như cả nước./.