Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã ký ban hành quyết định về việc giao 11.342,1m2 đất tại xã Xuân Canh, huyện Đông Anh cho UBND huyện Đông Anh để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất thôn Vạn Lộc 2.
Theo quyết định được ban hành, vị trí, ranh giới và diện tích khu đất được xác định tại Bản vẽ Tổng mặt bằng, tỷ lệ 1/500 dự án xây dựng khu đấu giá quyền sử dụng đất thôn Vạn Lộc 2, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh do Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Ngọc Minh lập và hoàn thành năm 2024, được Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh xác nhận.
Trong tổng số 11.342,1m2 đất có 5.106m2 đất ở (gồm các ô đất ký hiệu từ LK13 đến LK16) để đấu giá quyền sử dụng đất.
Hình thức sử dụng dụng đất: UBND huyện Đông Anh được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Thời hạn sử dụng đất theo thời hạn thực hiện dự án đầu tư theo quy định với phương thức giao đất là giao đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định tại Điều 125 Luật Đất đai 2024.
Có 6.236,1m2 đất giao thông, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khớp nối (gồm các ô đất có ký hiệu CXNO, GT). Hình thức sử dụng đất: Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; UBND huyện Đông Anh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với hạ tầng chung của khu vực theo quy hoạch được duyệt và giao cho đơn vị quản lý theo quy định.
UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND huyện Đông Anh tổ chức thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo dự án đã được đầu tư phê duyệt nhằm đảm bảo quy hoạch tổng thể, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu vực.
UBND huyện Đông Anh có trách nhiệm về việc lập và phê duyệt Bản vẽ Quy hoạch tổng mặt bằng nhằm đảm bảo không phát sinh diện tích đất xen kẹt, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đai.
Tiến hành lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức quyền sử dụng đất theo đúng trình tự và thủ tục.
Theo như kế hoạch, Thành ủy Hà Nội dự kiến sẽ xem xét báo cáo tiến độ thực hiện đề án lên quận của huyện Đông Anh vào tháng 4/2025.
Theo Nghị quyết số 1210/2016, đô thị đặc biệt được xác định có vị trí, chức năng và vai trò quan trọng, bao gồm Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ. Ngoài ra, đô thị đặc biệt còn là đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên. Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.