Thời của chung cư, nhà tập thể khi dân số đô thị tăng dần
Chủ nghĩa đô thị mới (New Urbannism), sinh thái mới… cổ súy cho đô thị đi bộ, thiên nhiên và cộng đồng rất gần gũi với đô thị châu Á. Mô hình ở thị dân vốn dựa vào thủ công nghiệp và cửa hàng buôn bán nhỏ mặt phố tạo nên nền kinh tế hộ gia đình chủ đạo trong đô thị, bền bỉ kéo dài cho đến hôm nay. Mô hình nhà phố, nhà ống, nhà chia lô theo mặt tiền vẫn được ưa chuộng với lối sinh sống nhỏ, kinh tế hộ góp phần làm nên thị phần không nhỏ nhà chia lô bán nền trong các khu đô thị mới ở Việt Nam.
Những năm 60 - 80 thế kỷ trước, các đô thị Việt Nam được bổ sung một mô hình ở mới, đại chúng hơn do tiết kiệm đất và cung ứng dễ hơn các dịch vụ đời sống thiết yếu cho cư dân. Khu chung cư tập thể ở miền Bắc chịu ảnh hưởng của Tiểu khu ở Liên Xô cũ cả về quy hoạch, cấu trúc và chức năng. Lấy đơn vị hạt nhân là trường học và bách hóa cho các nhóm ở kiểu ở tập thể từ 4 – 6 tầng quây quần xung quanh. Hà Nội xây tới 64 khu chung cư khắp những khu đất phía Tây và Nam. Hải Phòng với khu An Dương và 220 nhà tập thể, Thanh Hóa với khu Phan Chu Trinh, Vinh với khu Quang Trung… Chủ yếu chúng xây để phân cho các cán bộ công chức ăn lương của Nhà nước ở.
Tiến bộ hơn về cấu trúc và tiện nghi là các khu cư xá của đô thị miền Nam, vốn xây cho quân nhân và công chức ở. Số tầng cao hơn, căn hộ khép kín, dịch vụ đa dạng hơn, có thể xen giữa các phố xá hoặc gần gũi với thiên nhiên. TP.HCM bấy giờ có Thanh Đa, Cô Giang, Miếu Nổi với hàng trăm chung cư cũ xen cấy trong nội thành, các cư xá xây cho quân nhân cũng mọc lên tại Đà Nẵng, Nha Trang, Thủ Dầu Một… và các tỉnh lỵ lớn.
Mô hình chung cư thích hợp với đô thị có nền kinh tế hàng hóa, dịch vụ phát triển để có thể tạo ra các khu ở độc lập với các khu thương mại, sản xuất và văn phòng. Việt Nam đã có một thời phát triển chung cư 3 - 5 tầng, nhưng nó bị bỏ quên, xuống cấp khoảng 20 năm sau chiến tranh do kinh tế khó khăn, đô thị không thể phát triển. Những năm 2000 trở về đây, chúng đột nhiên sống dậy, phát triển như vũ bão, đa dạng hóa loại hình đáp ứng cho tất cả các tầng lớp cư dân đô thị từ giới nhà giàu đến bình dân, thu nhập thấp.
Thời của các khu đô thị mới, liệu đã thấy mừng với mặt hàng thương mại đại trà?
Hiện nay có thể thấy ở chỗ nào của các thành phố lớn cũng như đang ở công trường xây dựng bởi cả nước đang chung chân trên con đường đô thị hóa. Vui buồn lẫn lộn vì ở nước ta hiện nay kinh tế thu từ bất động sản và xây dựng khoảng 15% GDP và 10% việc làm, khoảng 20% đầu tư tài sản cố định và chiếm tỉ trọng lớn các khoản vay ngân hàng. Các con số đóng góp nhiều cho phát triển đất nước.
Nhưng đô thị hóa không được hoạch định tốt sẽ dẫn đến sự tập trung dân cư vào các thành phố lớn, gây áp lực nặng nề về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Số lượng việc làm, tiện nghi và tiện ích đô thị, dịch vụ công cộng thành phố chỉ giới hạn, trong khi dòng người đổ về đô thị đa phần không có kỹ năng nghề nghiệp và nhà ở làm nên những bế tắc của đô thị.
Đô thị đang đứng trước “bệnh đầu to” do phình vô tổ chức thành phố "mẹ", hoặc “phá vỡ cấu trúc” do sức ép quá tải dân số, hoạt động, hạ tầng lên cơ thể giới hạn của thành phố. Mô hình ở cũng vì thế mà khủng hoảng, đặc biệt khủng hoảng về môi trường sống, mô trường đô thị.
Điển hình như TP.HCM, phải chăng sau khi được quan tâm quy hoạch vào bậc nhất trong cả nước, thành phố này lại đánh mất nhiều cấu trúc lịch sử của chính mình (do để cho quá tải và xô bồ ở trung tâm), trở thành một thành phố phi danh tính với dạng chùm đô thị, các khu đô thị mới dính vào nhau theo các trục giao thông lớn, tuyến tính rất đáng ngại theo lý thuyết không gian.
Các mô hình ở hiện nay chủ yếu là căn hộ đang báo hiệu một thời kỳ thịnh vượng hay lao theo số đông của xu hướng thương mại một cách tự do? Cũng vì thế mà khó xác định được giá trị thật của chúng vì, khó có ai tách được nhà ở ra khỏi tổ chức tốt đẹp môi trường sống bao chứa chúng.
Hàng loạt dự án hoành tráng xây khu đô thị mới cho thấy điều kiện sống căn hộ được cải thiện rất nhiều và đa dạng sản phẩm nhà ở: Khu cao cấp như Phú Mỹ Hưng, Garden City, Royal City; Khu trung lưu như Times City, Thăng Long, Central Park, Mariland…
Tuy nhiên, ở phần nào đó việc tổ chức được môi trường ở và quản lý các đô thị mới vẫn chưa thực sự hợp lý. Người dân vẫn hàng ngày đối diện với bế tắc như: Kẹt xe tắc đường, lụt do mưa và triều cường, ô nhiễm không khí và nước thải, không đủ chợ, bệnh viện, trường học... Để có văn minh đô thị lại chưa có lời giải bằng hạ tầng, cây xanh, tiện ích công và công cộng đô thị, quy chế quản lý. Thậm chí chưa tổ chức được chính quyền đô thị qua nhiều năm bàn bạc.
Có thể nói những định hướng cho một đô thị mới với giao thông và cảnh quan thân thiện với cư dân dường như vẫn chỉ là viễn cảnh.