Aa

Đô thị hoá bền vững - vai trò của chính quyền địa phương

Thứ Năm, 30/08/2018 - 06:01

Để đô thị hóa bền vững, chính quyền địa phương cần phải được trao quyền rộng rãi hơn trong việc cung ứng dịch vụ công và quy hoạch, quản lý đất đai, công trình công cộng.

Một khuyến nghị quan trọng của Diễn đàn Môi trường Đức được tổ chức vào tháng 5/2016 tại Berlin là “các thành phố cần được trao quyền làm người điều hành”. Đô thị hóa không chỉ ngụ ý những thay đổi về địa lý, mà còn là thay đổi về chính sách để quản lý tăng trưởng. Đây là lĩnh vực các chính quyền địa phương cần nhất.

Vai trò của chính quyền địa phương trong đô thị hoá bền vững

Thế giới là một đô thị. Cuộc đấu tranh vì sự phát triển bền vững này thắng hay thua là ở các thành phố. Theo kiến trúc sư người Chile Alejandro Aravena, để giải quyết những thách thức trong quá trình đô thị hoá trên toàn cầu, mỗi tuần, phải xây dựng mới một thành phố cỡ 1 triệu dân, với 10.000USD cho mỗi gia đình trong 15 năm tới. Nếu không giải được bài toán này, người dân sẽ phải sống trong những khu ổ chuột và những khu định cư không ổn định.

Nhưng có một giải pháp thay thế cho việc xây dựng các thành phố mới nhằm đối phó với hiện tượng đô thị hoá là quản lý sự phát triển của các thành phố hiện có. Một mặt, các thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao hơn không chỉ phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm không khí do việc gia tăng các phương tiện cá nhân, mà còn cả với việc hình thành các cộng đồng khép kín, gặp khó khăn trong việc cung cấp đầy đủ nhà ở và đô thị ngổn ngang do đầu cơ bất động sản. Mặt khác, các thành phố không có nền kinh tế mạnh thì lại phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến việc gia tăng khu ổ chuột, lao động phi chính thức và ô nhiễm nguồn nước.

Dưới đây là một số chức năng, thách thức và giải pháp của chính quyền địa phương liên quan đến quá trình đô thị hóa. Trên toàn cầu, nhiệm vụ của chính quyền địa phương khá giống nhau. Bốn nhiệm vụ sau đây có thể được xem như là một hướng dẫn cho chính quyền các thành phố trên thế giới để phát triển và thực hiện các sáng tạo bền vững.

1. Nhiệm vụ của chính quyền

Chính quyền địa phương là lĩnh vực công gần gũi nhất với người dân. Vì vậy, họ nên để người dân tham gia trong việc ra các quyết sách và đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng, có sự tham gia vào việc thông qua ngân sách và lập kế hoạch.

Điều quan trọng khác là chính quyền địa phương cần tiếp xúc với các nhóm dân cư có hoàn cảnh khó khăn và cung cấp cho họ các dịch vụ bảo đảm sự công bằng cũng như thiết lập các cách giao tiếp và trao đổi thông tin mới.

Trong suốt quá trình này, các chính quyền nên công khai ngân sách thành phố, minh bạch hơn các dịch vụ xã hội, đăng ký đất đai và chính sách mua sắm.

2. Nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công

Liên quan đến quá trình phân cấp, chính quyền địa phương đang ngày càng cung cấp tốt hơn các dịch vụ cơ bản, ngay cả khi họ đang phải đối mặt với nhiều thách thức tài chính. Các dịch vụ được cung cấp trong bối cảnh này bao gồm nước, vệ sinh, vận chuyển, điện và các dịch vụ xã hội như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Để cải thiện chất lượng không khí, đầu tư vào giao thông công cộng và vận tải xanh đang tăng lên trên phạm vi toàn cầu. Mô hình giao thông đô thị đang chuyển dịch khỏi các hệ thống phụ thuộc xăng dầu. Và chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các giải pháp thay thế để giải quyết các thách thức giao thông đô thị mà các thành phố hiện đang phải đối mặt.

Chính sách địa phương thúc đẩy giao thông công cộng, đi bộ hoặc đi xe đạp thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng đầy đủ và các biện pháp để ngăn chặn việc sử dụng xe cá nhân thông qua thuế, phí cầu đường, phí đỗ xe đang truyền cảm hứng ngày càng nhiều cho các thành phố có xu hướng chuyển sang mô hình ít khí thải carbon.

Các chính sách tương tự có thể được điều chỉnh để bảo vệ môi trường, ví dụ như thông qua quản lý chất thải bền vững và quản lý nước. Tái chế không chỉ là cơ hội để các thành phố tiết kiệm tài nguyên mà còn giúp tăng nguồn thu nhập cho những người tham gia vào quá trình tái chế và mở rộng chuỗi giá trị. Hơn nữa, các đô thị có thể ủng hộ các hợp tác xã của người nghèo hoặc cộng đồng địa phương để quản lý các quy trình tái chế nhằm hỗ trợ sinh kế của người lao động không chính thức.

3. Nhiệm vụ quy hoạch, quản lý đất đai và công trình công cộng

Để giải quyết vấn đề phân tầng đô thị, chính quyền địa phương có thể đảm bảo chất lượng không gian xanh và công cộng cho tất cả mọi người. Các cộng đồng khép kín không cung cấp bất kỳ không gian chung nào. Sự hòa nhập xã hội liên quan đến chính sách đất đai và việc cung cấp cơ sở hạ tầng là năng lực quan trọng cho việc này. Cơ sở thể thao, không gian an toàn, dễ tiếp cận cho trẻ em gái và phụ nữ, không gian cho trẻ em và công dân trẻ, công viên và không gian xanh cần được điều hòa ở tất cả các khu phố và không hạn chế.

Hơn nữa, các chính sách để thúc đẩy sử dụng hỗn hợp được thiết kế cho những người có thu nhập khác nhau cũng như mọi không gian làm việc, không chỉ làm giảm sự phân biệt không gian mà còn có tác động tích cực lâu dài cho phát triển kinh tế địa phương và tăng hiệu quả công việc.

Đồng thời, chính quyền địa phương có thể theo dõi và điều chỉnh việc sử dụng đất để làm cho các thành phố trở nên bền vững hơn trước biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên tai. Việc bảo vệ các con sông cũng như hệ thống hồ và thúc đẩy các nguồn năng lượng thay thế cũng quan trọng như các biện pháp giáo dục phòng ngừa, hay các kế hoạch khẩn cấp. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ có hiệu quả trong sự hợp tác của các cộng đồng với sự tham gia của chính quyền địa phương.

4. Nhiệm vụ mua sắm và phát triển kinh tế địa phương

Các vai trò công và tư là điều cần thiết để bảo tồn tài sản văn hóa đô thị cho các thế hệ tương lai. Những điểm tham quan tiêu biểu cho bản sắc địa phương như các tòa nhà di sản, thư viện, bảo tàng, phương tiện truyền thông địa phương và kiến trúc không chỉ quan trọng để nuôi dưỡng, giáo dục cộng đồng, mà còn là tài sản làm cho các thành phố trở nên hấp dẫn, độc đáo.

Chu kỳ kinh tế có thể thúc đẩy quan hệ mang tính địa phương giữa các vùng đô thị và nông thôn. Việc tiêu thụ trong các thành phố có thể thúc đẩy sản xuất và việc làm ở khu vực nông thôn. Việc mua sắm của thành phố có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương, giúp nông dân tiếp cận với thị trường thực phẩm và hỗ trợ các cụm công nghiệp địa phương để cạnh tranh với các hợp đồng của thành phố.

Con đường phía trước

Trên bình diện quốc tế, nhiều tiến bộ đã đạt được trong các thỏa thuận gần đây về Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc (LHQ). Các cơ quan khác như Chương trình dân cư LHQ, Chương trình Phát triển LHQ, hoặc Tổ chức Lao động Quốc tế đã công nhận vai trò của chính quyền địa phương và cam kết “bản địa hóa SDG”, cùng tham gia xây dựng một Chương trình đô thị mới có liên quan đến chính quyền địa phương.

Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu cơ sở và cộng đồng bền vững, tư vấn và cạnh tranh là những cột mốc quan trọng, khẳng định vai trò của chính quyền địa phương trong đô thị hoá bền vững.

Tuy nhiên, năng lực kỹ thuật và tài chính của nhiều nơi không đủ để thực hiện các nhiệm vụ trên. Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo địa phương tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ để tạo ra khung pháp lý cho phép và đảm bảo nguồn lực đầy đủ để hoàn thành các mục tiêu toàn cầu và quá trình đô thị hóa được bền vững.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top