Aa

Đô thị hóa và siêu thành phố - Hệ lụy từ phát triển nóng

Thứ Năm, 02/08/2018 - 06:01

Đô thị hóa là một quá trình tất yếu không thể cưỡng lại. Nó là động lực cho sự phát triển nhưng cũng mang lại hậu quả không hề nhỏ. Do đó, cần có một quy hoạch thông minh cho tương lai.

Trái đất của chúng ta hiện đang là một hành tinh đô thị. Hiện nay, hơn 50% dân số toàn cầu sống trong các khu vực đô thị. Cách đây 200 năm, con số này chỉ là 3%.

Nguyên nhân của sự gia tăng dân số ở đô thị

Trong suốt lịch sử, các thành phố đã thu hút người dân các nước như là các trung tâm văn hóa, tôn giáo, giáo dục và kinh tế. Nhìn lại quá khứ, làn sóng di cư đô thị đầu tiên đã diễn ra ở các quốc gia phát triển, đặc biệt là ở châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng dự báo tới đây, dự kiến 90% sự gia tăng dân số đô thị sẽ diễn ra ở châu Á và châu Phi; và gần hai phần ba dân số thế giới sẽ ở các “thành phố bê tông” vào năm 2050.

Đô thị hóa thường gắn liền với kinh tế - tăng cơ hội việc làm, thu nhập tốt hơn và giàu có hơn. Tất cả những điều đó như lực nam châm hút mọi người đổ về thành phố. Trong một thời gian dài, đó là những yếu tố giúp các thành phố phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra một sự thay đổi từ xã hội dựa vào nông nghiệp sang xã hội dựa vào công nghiệp. Do đó, về mặt địa lý, đô thị trở thành trung tâm xã hội.

Ngày nay, dù đã kiểm soát tình trạng nhập cư nhưng sự gia tăng dân số ở các đô thị vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Phần lớn sự tăng dân số đô thị ở các nước phát triển là tăng tự nhiên (tỷ lệ sinh nhiều hơn tỉ lệ tử).

Hệ lụy từ sự phát triển “quá nóng”

Tùy thuộc vào độ tuổi và vị trí của đô thị, sẽ có nhiều biến thể về sự thịnh vượng và cơ sở hạ tầng. Nhiều khu đô thị trẻ hơn ở Mỹ Latin, châu Á và châu Phi, có triển vọng hoàn toàn khác với các đô thị lâu đời ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Làm thế nào để phát triển nhanh chóng một khu vực, hoặc để nó tự phát triển, là một vấn đề rất quan trọng.

Khi một thành phố phát triển ở tốc độ dễ quản lý, thường được coi là khoảng 1% mỗi năm, cơ sở hạ tầng của nó có thể bắt kịp với tốc độ tăng dân số và nhu cầu. Những yêu cầu về giao thông công cộng, hệ thống cống thoát nước, bệnh viện, trường học và nhà ở cần được lên kế hoạch và xây dựng cùng với sự gia tăng về dân số. Sự tăng trưởng đô thị nhanh chóng, đặc biệt là ở một quốc gia gặp khó khăn về kinh tế, dẫn đến nguy cơ các cơ sở hạ tầng không được mở rộng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nếu không có cơ sở hạ tầng tại chỗ để cung cấp các nhu cầu cơ bản, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như ách tắc giao thông, ngập lụt,…

Sự gia tăng các khu ổ chuột

Một khu ổ chuột tại thành phố Mumbai, Ấn Độ.

Một khu ổ chuột tại thành phố Mumbai, Ấn Độ.

Ở các nước đang và kém phát triển, các khu ổ chuột đông dân cư hình thành cả ở bên cạnh lẫn trong lòng các thành phố lớn nhất. Do nền kinh tế còn nghèo và cơ sở hạ tầng yếu kém, các thành phố lớn như Mumbai (Ấn Độ) không có phương tiện để hỗ trợ cư dân đô thị đông đúc. Theo Báo cáo “Triển vọng Đô thị hóa Thế giới của Liên Hợp Quốc” năm 2009, Mumbai được xếp hạng là thành phố lớn thứ tư trên thế giới, với hơn 20 triệu người trong toàn bộ khu vực đô thị. Tuy nhiên, hơn một nửa dân số của Mumbai đang phải sống trong các khu ổ chuột xung quanh thành phố, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cộng đồng, môi trường và sử dụng đất.

Cư dân khu ổ chuột tồn tại với thực tế không bảo đảm vệ sinh, không có nước, tiện nghi đô thị, việc làm, hoặc an ninh. Và gần một phần sáu dân số thế giới phải sống trong những điều kiện như thế. Việc thiếu nước, không đảm bảo vệ sinh, cộng với suy dinh dưỡng và nhà ở không đầy đủ, dẫn đến tình trạng dịch bệnh gây chết người trong các khu ổ chuột ở Mumbai, cũng như tại các khu ổ chuột bao quanh nhiều thành phố ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latin.

Sự lây lan của HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác ở những nơi có nhiều người sống gần nhau như vậy là một vấn đề về sức khỏe cộng đồng rất đáng được quan tâm đối với các khu vực đô thị đang phát triển trên toàn thế giới. Vấn đề về sức khỏe cộng đồng kết hợp với tỷ lệ thất nghiệp cao, hệ thống trường học không đầy đủ tạo ra chất lượng sống kém cho nhiều cư dân của thành phố.

Sự nổi lên của các siêu đô thị

Sự thay đổi của đô thị theo thời gian đã dẫn đến sự xuất hiện siêu đô thị. Đó là những thành phố có dân số từ 10 triệu người trở lên. Thành phố New York và Tokyo là những siêu đô thị đầu tiên được biết đến, cả hai đều đạt trên 10 triệu dân vào những năm 1950.

Nhưng ngày nay, quy mô dân số của họ đã kém xa các siêu đô thị. Trong năm 2014, có 28 siêu đô thị trên khắp hành tinh của chúng ta - từ Sao Paulo (Brazin), đến Lagos (Nigeria), London (Vương quốc Anh), rồi Thượng Hải (Trung Quốc) - và tất cả các khu vực lớn trên thế giới (ngoại trừ châu Đại Dương), đều được đánh dấu bằng các siêu đô thị.

Hầu hết các thành phố đã đạt mốc 10 triệu dân trong những năm gần đây đều nằm ở châu Á và châu Phi. Trên thực tế, đây là những nơi có đến 7 trong số 8 siêu đô thị mới nhất, và có đến 10 trong số 12 siêu đô thị dự kiến sẽ xuất hiện vào năm 2030.

Các khu vực này cũng là nơi có các siêu đô thị phát triển nhanh nhất. Dân số của Kinshasa, thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Congo, đã tăng gấp đôi sau 5 năm. Từ năm 2010 đến năm 2015, dân số của Kinshasa đã tăng hơn 23%, và ngày nay hơn một nửa trong số 11,6 triệu cư dân dưới 22 tuổi.

Sự kết hợp của các yếu tố đã dẫn đến sự tăng trưởng này, bao gồm di cư từ khu vực nông thôn, tỷ lệ sinh cao và việc mở rộng ranh giới của thành phố. Dân số đang vượt lên tất cả các cơ sở hạ tầng hỗ trợ trong thành phố, nơi mà mối đe dọa của tình trạng thiếu lương thực, ách tắc giao thông, và thiếu trầm trọng các cơ sở giáo dục đã trở thành hiện thực rõ rệt.

Những ưu và nhược điểm về môi trường sinh thái

Một quần thể đô thị lớn có vẻ gặp rắc rối về môi trường đối với thế giới tự nhiên. Nhưng môi trường và đô thị hóa không phải là không tương thích. Mật độ dân số cao trong các khu đô thị giúp sử dụng diện tích đất hiệu quả hơn. Những người sống trong các căn hộ hoặc căn nhà liền kề chiếm ít diện tích đất hơn là những ngôi nhà kiểu nông trại với những khu vườn rực rỡ sắc màu.

Những chung cư với nhiều gia đình còn có thêm lợi ích là tiết kiệm năng lượng hơn và đòi hỏi ít tài nguyên hơn cho mỗi người. Các thành phố cũng có thể giúp người dân đi bộ nhiều hơn. Việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng cũng khiến cho những chiếc xe riêng trở nên ít cần thiết hơn. Và trên tất cả, các khu vực đông dân cư có thể giữ lại các không gian mở khác dành cho môi trường sống của các loài động vật hoang dã, đất nông nghiệp, khu bảo tồn hoặc các cánh rừng để sản sinh ra ôxy.

Nhưng tất nhiên, các thành phố cũng có những nhược điểm sinh thái. Dân cư tập trung khiến gia tăng các chất ô nhiễm và rác thải. Các thành phố tạo ra tới 70% lượng khí thải CO2 toàn cầu và khói bụi đang trở thành một đặc điểm chung trong nhiều cảnh quan đô thị.

Các vỉa hè lớn cũng ngăn cản việc thoát nước và làm tăng nhiệt độ. Nếu không có cơ sở hạ tầng thích hợp, các thành phố cũng gặp nguy cơ về chất thải - cả rác lẫn chất thải của con người - làm tắc nghẽn dòng chảy và gây thiệt hại. Và với việc các thành phố trên toàn cầu “sản xuất” ra 1,3 tỷ tấn chất thải hằng năm, sẽ cần rất nhiều diện tích đất để xử lý.

Quy hoạch đô thị tương lai

Người ta dự đoán rằng, sự phát triển các đô thị trong tương lai sẽ diễn ra ở các khu định cư hiện có khoảng 100.000 đến 250.000 người, và để điều này được thực hiện một cách bền vững thì việc lập kế hoạch là bắt buộc. Các khu vực tăng trưởng cao trong tương lai yêu cầu quy hoạch đô thị chiến lược được thiết kế riêng cho lịch sử, văn hóa, hệ thống giá trị và các đặc thù khác của thành phố; do đó, các phương pháp tiếp cận kiểu cắt gọt của thế kỷ 20 sẽ không còn thích hợp. Nhưng bằng cách theo dõi đến cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguy cơ môi trường và các vấn đề khác của thành phố hiện đại, quy hoạch đô thị có thể giúp đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc cho cư dân thành phố ngày mai./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top