Tại khu vực châu Á và châu Phi, nơi đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của thị trường với nhiều dự án đầu tư trọng điểm nhằm mục đích biến đổi các vùng đất hoang sơ trở thành các siêu đô thị. Đặc biệt, sự xuất hiện của 5 dự án dưới đây được cho là sẽ làm thay đổi cục diện thị trường trong thời gian sắp tới:
1. Forest City, Malaysia
Mở đầu danh sách là một trong những dự án xây dựng đô thị gây tranh cãi nhất những năm gần đây. Với mức đầu tư hơn 100 tỷ USD, hai chủ thầu của dự án - Công ty Country Garden (Trung Quốc) và Esplanade Danga (Malaysia) tiến hành xây dựng Forest City với tham vọng thu hút đông đảo người dân Singapore và những nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc muốn mở rộng cơ hội đầu tư sang nước ngoài.
Là thành phố sinh thái thông minh nổi bật với nhiều cây xanh và hoàn toàn không có khói xe ô tô, Forest City rộng gấp 4 lần Central Park (New York, Mỹ) và có khả năng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho hơn 700.000 người với nhiều mô hình khác nhau như: Chung cư, cao ốc văn phòng, trung tâm mua sắm và khách sạn. Dự án này được dự đoán sẽ trở thành đòn bẩy kinh tế giúp Malaysia cạnh tranh với Singapore và tạo ra tới 220.000 việc làm khi hoàn thành vào năm 2035.
Tuy nhiên, với việc xây dựng trên quỹ đất của 4 hòn đảo nhân tạo nhô ra từ mũi bán đảo Malaysia và chỉ cách Singapore 2km về phía Tây Bắc, Forest City phải hứng chịu nhiều lời chỉ trích nặng nề từ cả truyền thông trong nước lẫn quốc tế khi bị cáo buộc đã phá vỡ hệ sinh thái trong khu vực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường hàng hải xung quanh và tạo ra mâu thuẫn chính trị giữa chính phủ Malaysia và Singapore.
Bên cạnh đó, tham vọng “gói ghém” 700.000 người vào vỏn vẹn 14km2 của 2 nhà thầu Trung Quốc và Malaysia sẽ biến Forest City trở thành nơi có mật độ dân số cao nhất hành tinh.
2. Hùng An, Trung Quốc
Là một trong những thành phố trực thuộc trung ương mới được xây dựng gần đây, Hùng An nhận được sự đầu tư và hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền Bắc Kinh với kỳ vọng đặc khu kinh tế kiểu mới này sẽ nối tiếp sự thành công của các mô hình tương tự như Thượng Hải, Thâm Quyến, Trùng Khánh, Quảng Châu và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước tỷ dân trong tương lai.
Ngay khi thông tin về dự án này được tung ra, nó không chỉ thu hút được sự chú ý từ phía dư luận mà còn lôi kéo được một số lượng lớn những nhà đầu tư sẵn sàng vung tay chi tiền để giành được miếng mồi ngon béo bở, đặc biệt là khi tân khu Hùng An được quảng bá sẽ trở thành trung tâm của tam giác Kinh – Tân – Ký (Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc). Chỉ trong vài ngày, giá bất động sản tại địa phương đã tăng từ 1.450 USD/ m2 lên 2.500 USD/ m2. Tuy nhiên, với vị trí địa lý chưa thực sự thuận tiện và điều kiện môi trường ô nhiễm nghiêm trọng tại Hà Bắc, Hùng An được giới chuyên môn đánh giá là một dự án đầy thách thức đối với chính quyền ông Tập Cận Bình và hoài nghi về khả năng trở thành một Thâm Quyến hay Thượng Hải thứ 2.
3. Nurkent, Kazakhstan
Khorgos nằm ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Kazkhstan. Trong khi Trung Quốc mạnh tay chi tới hàng tỷ USD để xây dựng lên những thành phố và đặc khu kinh tế mới, thì phía Kzakhstan vẫn còn khá heo hút với sự xuất hiện của chỉ một vài nhà ga xe lửa. Nhưng Tổng thống Kazkhstan, ông Nursultan Nazarbayev cho biết mọi chuyện sẽ sớm thay đổi và Nurkent chính là mấu chốt cho sự phát triển của khu vực này.
Là một thành phố mới được xây dựng với mục đích kết nối các dự án giao thông và công nghiệp tại khu vực Khorgos, đến nay, Nurkent vẫn chỉ là nơi trú ngụ của hơn 1.200 lao động tại khu vực. Tuy nhiên, đến năm 2035, thành phố này sẽ trở thành Trung tâm văn hóa – kinh tế và có khả năng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho hơn 100.000 người. Với mức đầu tư hơn 34 triệu USD, chính phủ Kazkhstan kỳ vọng sẽ đạt được thành công với Nurkent như đã làm với Astana trước đó.
4. Thành phố cảng Colombo, Sri Lanka
Nằm ở trung tâm Ấn Độ Dương và gần khu vực vận chuyển hàng hóa nhộn nhịp nhất thế giới, vị trí của Sri Lanka luôn giành được sự quan tâm đặc biệt từ phía Trung Quốc. Với mong muốn xây dựng một “vành đai an toàn” dọc theo con đường tơ lụa trên biển chuyên vận chuyển năng lượng từ Trung Đông tới Trung Quốc, năm 2014, Tập đoàn Cơ khí Cảng Trung Quốc đã chi ra 1.4 tỷ USD để phát triển một đặc khu tài chính mới ngay phía nam nhà ga container của Trung Quốc tại Comlombo. Dự án này lên kế hoạch lấn biển và mở rộng bờ biển tự nhiên ra ngoài thêm 269ha.
Khi hoàn thành vào năm 2041, thành phố Cảng Colombo dự kiến sẽ trở thành một đặc khu kinh tế có luật đầu tư riêng và nhiều chính sách đặc biệt, nơi mở cửa giao thương tự do cho nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Hàng loạt các khách sạn sang trọng, trung tâm mua sắm cao cấp, tháp văn phòng và cả một đường đua công thức 1 cũng sẽ được xây dựng tại đây để cạnh tranh mạnh mẽ với Singapore về phía Đông và Dubai về phía Tây.
Tuy nhiên, dự án này được cho là mang một ý nghĩa chiến lược về quân sự quan trọng và làm dấy lên những căng thẳng chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc khi tàu ngầm Trung Quốc đã hai lần mang ngư lôi và tên lửa xuất hiện tại Colombo vào năm 2014.
5. Dumq, Oman
Được đầu tư bởi tổ hơp các công ty tư nhân đến từ vùng tự trị Ninh Hạ (Trung Quốc), dự án phát triển 11km2 nằm trong khu kinh tế đặc biệt Dumq nhằm mục đích biến đổi một cảng biển bỏ hoang trở thành một khu vực đầu tư đa dạng với nhà máy lọc dầu, nhà máy sản xuất methanol, ôtô, các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, đồng thời cũng là nơi ở của 25.000 người với các cơ sở y tế, trường học, các khu văn phòng và trung tâm giải trí…
Mặc dù nằm dưới danh nghĩa là các công ty tư nhân, song trên thực tế siêu dự án Dumq tại Oman vẫn nhận được nhiều ủng hộ từ phía Bắc Kinh, bởi trên thực tế gần 80% lượng dầu của Oman được xuất khẩu sang Trung Quốc.