Làm sai quy hoạch, “cắt xén” không gian công cộng
Những năm gần đây, ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, hàng loạt nhà cao tầng mọc lên như nấm sau mưa, khiến bộ mặt thành phố hoàn toàn thay đổi. Nhưng có một thực trạng đáng buồn là nhà cao tầng thì nhiều đồng nghĩa với việc không gian công cộng ngày càng ít đi.
Tại các khu đô thị, các khu nhà, khi quy hoạch, thiết kế ban đầu, bao giờ chủ đầu tư cũng quảng cáo có tiện ích này, không gian kia… nhưng dần dần, khi mà dân cư lấp đầy, mật độ dân số quá cao trong khi mật độ cây xanh, vườn hoa, khu vui chơi trẻ em… xung quanh quá thưa thớt, dẫn đến tình trạng quá tải hạ tầng, không đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Nếu dạo một vòng quanh vành đai Hà Nội hiện nay, dọc đường đi từ bán đảo Linh Đàm về đến tận Mỹ Đình, đâu đâu cũng là nhà cao tầng san sát. Với những khu mà nhìn lên tứ phía đều là cao ốc như Linh Đàm, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính… thì không gian công cộng đúng là thứ xa xỉ với cư dân.
Được đưa vào sử dụng từ năm 2009, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính ban đầu chỉ có khoảng 2.400 căn hộ với quy mô dân số trên 10.000 người, nhưng sau vài năm, hàng loạt chung cư khác cũng đã liên tục mọc lên. Cả khu hiện có tới 30 tòa nhà cao từ 10 đến 30 tầng. Dân số đông đúc kéo theo tình trạng xe cơ giới quá tải, xe máy, ô tô tràn lên vỉa hè, sân chơi của nhiều tòa nhà.
Còn tại khu đô thị từng coi là kiểu mẫu ở Hà Nội – bán đảo Linh Đàm, từ năm 2009, quy hoạch ban đầu dần bị băm nhỏ khi hàng loạt tổ hợp chung cư cao tầng mọc lên khiến giao thông khu vực phía Nam thành phố quá tải. Chỉ riêng tại đây, dân số đã tương đương với cả vài phường cộng lại, trong khi không gian chỉ có vậy, đương nhiên không cần nói cũng có thể hiểu không gian công cộng ở đây làm sao đủ để phục vụ cư dân.
Nói về việc khu đô thị Linh Đàm bị “vỡ quy hoạch”, PGS. KTS Nguyễn Hồng Thục, một trong những KTS tham gia thiết kế, làm nên hình hài và “linh hồn” cho khu đô thị này, từng chia sẻ: “Cho tới nay, khu nhà ở Bắc Linh Đàm vẫn là một mô hình rất bền vững. Một khu đô thị vẫn giữ được phố của người Việt trong khu. Dân có phố, vừa có sân trong, khu sinh hoạt chung. Quy hoạch chung với 60% diện tích khu là sân chơi, sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa; nhà ở chiếm 23%”. Tuy nhiên, theo bà Thục, sau khi 3ha đất định làm khu dịch vụ phía Tây Nam bán đảo mọc lên Tổ hợp HH gồm 12 tòa chung cư cho người thu nhập thấp, mỗi tòa 35 đến 41 tầng thì toàn bộ quy hoạch ban đầu đã bị “đánh sập”, khiến Linh Đàm không còn là khu đô thị đáng sống nữa.
Thiếu không gian công cộng làm xấu bộ mặt đô thị
Việc thiếu không gian công cộng ở Hà Nội thực chất không phải điều lạ chỉ xảy ra riêng ở thành phố này mà là thực trạng chung của các thành phố lớn khác của Việt Nam cũng như thế giới, khi mà tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Đó không chỉ đơn giản là thiếu mất một chỗ sinh hoạt cho cộng đồng, theo các chuyên gia phân tích, mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ mặt của đô thị cũng như chất lượng đời sống cư dân.
Trong hội thảo Không gian công cộng hướng đến đô thị tăng trưởng xanh và phát triển bền vững mới đây, TS. Kyle Farrell dẫn báo cáo của UN-Habitat, 2013: “Với việc không có đủ không gian công cộng, các thành phố khó có thể đô thị hóa một cách lành mạnh. Người dân không có không gian dành cho các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, đồng thời đô thị hóa cũng trở nên kém hiệu quả và đi theo chiều hướng tiêu cực, thể hiện thông qua việc không thể cung cấp không gian đi bộ an toàn, không có quỹ đất cho cơ sở hạ tầng thiết yếu như cung cấp nước, thoát nước, thu thập rác thải và không có không gian xanh thúc đẩy gắn kết xã hội và duy trì chức năng hệ sinh thái”. Từ đây, TS. Farrell nhận định, khi đô thị hóa gia tăng một cách không thể kiểm soát, tỷ lệ không gian công cộng bị suy giảm một cách báo động, chỉ còn thấy ở những khu vực hẻo lánh và tách biệt.
Là một người trực tiếp tham gia thiết kế, quy hoạch cho nhiều khu đô thị, TS.KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, chia sẻ với PV: “Nếu tính toán khu đó chứa được 1 vạn dân, bây giờ tăng lên 1,2 vạn hay 1,8 vạn thậm chí 2 vạn, đồng nghĩa với việc bây giờ phải nâng diện tích sàn lên. Muốn như vậy hoặc phải tăng chiều cao công trình, hoặc tăng mật độ xây dựng. Nếu tăng chiều cao công trình, nó sẽ ảnh hưởng không gian kiến trúc cảnh quan theo quy hoạch trước đó, còn nếu tăng mật độ xây dựng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề đất đai, khoảng không của khu vực đó”.
“Tất nhiên khi tăng diện tích xây dựng nhà lên thì những vấn đề khác như cây xanh, mặt nước, độ thông thoáng của đô thị sẽ giảm đi. Rõ ràng chất lượng không gian, không khí, môi trường sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó vấn đề hạ tầng như giao thông, cấp điện, cấp nước cũng bị sức ép. Như trước kia, giao thông khoảng trung bình 10 người đi trên một diện tích nhất định của mặt cấp đường nhưng giờ chứa đến 12, 15 người thì tất nhiên đường sẽ trở nên chật chội. Kèm theo đó là vấn đề ô nhiễm, khói bụi. Rồi nói đến trường học, trước chỉ 500-600 học sinh/trường nhưng giờ tăng lên 700, 800 thì rõ ràng sẽ bị sức ép”, ông Quảng nói thêm.
Cách nào “cứu” không gian công cộng trong các đô thị?
TS. Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, từng nhận định các đô thị như Hà Nội, TP.HCM đã có nhiều cố gắng để tạo ra các không gian công cộng cho người dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những bất cập nhất định trong các chính sách quản lý và trong công tác thực thi quy hoạch, cấp phép xây dựng. Chẳng hạn, tại một số khu đất, sau khi di dời các cơ quan, nhà máy xí nghiệp ra bên ngoài đã không thực hiện theo đúng chủ trương là dành không gian để phát triển không gian công cộng mà được chuyển đổi mục đích thành các dự án nhà ở thương mại, làm tăng mật độ, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng.
Dù như vậy nhưng các chuyên gia vẫn khẳng định, phát triển không gian công cộng là một thành tố không thể tách rời trong phát triển đô thị, là điểm kết nối cộng đồng, thúc đẩy gắn kết cuộc sống của các tầng lớp nhân dân đô thị, góp phần hình thành, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, tạo dựng bản sắc riêng cho từng đô thị.
Chính vì thế, dù khó, các nhà quản lý, quy hoạch… vẫn cần chung tay để giải bài toán không gian công cộng. Theo TS. Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình UN-Habitat Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo nói trên, ông cho rằng, để có được một tầm nhìn toàn diện về không gian công cộng, chính quyền địa phương cần xây dựng và thông qua một chiến lược tích hợp, toàn diện để định hướng phát triển đô thị.
“Không gian công cộng sẽ đóng góp đáng kể trong quá trình này, nếu như có thể phát triển mạng lưới đường bộ một cách có trật tự và hợp lý; Có hệ thống lưu thông hiệu quả (đường phố, đường dành cho xe buýt, xe đạp và đi bộ); Thu hút đầu tư, hoạt động nhằm tăng cường tính an toàn; Cung cấp các tiện ích vui chơi giải trí để tăng cường phúc lợi cộng đồng; Nâng cao giá trị bất động sản nhằm tăng thêm nguồn thu ngân sách thành phố; Cung cấp cơ hội tương tác kinh tế, nâng cao sinh kế; Nâng cao giá trị gia tăng cho các yếu tố văn hóa, lịch sử, kiến trúc thành phố để tăng cường tính hấp dẫn và thúc đẩy du lịch” – TS Nguyễn Quang nêu rõ.
Còn TS. Nguyễn Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng & Đô thị đề nghị, cần bảo vệ các không gian công cộng hiện hữu, đồng thời tái lập và phát triển thêm các không gian công cộng theo quy hoạch đô thị. Với các khu vực phát triển mới, theo TS. Hạnh, cần hải bảo vệ quỹ đất phát triển các không gian công cộng, công viên, vườn hoa và các không gian mở theo quy hoạch được duyệt, không được điều chỉnh, thay đổi chức năng phục vụ các mục đích khác.
Còn theo TS. Nguyễn Quang, để đạt được những mục tiêu như trên, phải có sự tham gia của cả cộng đồng trong quá trình xây dựng và phát triển không gian công cộng nói riêng và của đô thị nói chung để đảm bảo tính bền vững, công bằng và hoà nhập xã hội.